A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm trong nước, nguy cơ có thể xâm nhập vào địa bàn, ngày 4/11/2022 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn ban hành văn bản số 2472/SNN-CNTY đề nghị các đia phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Người chăn nuôi cần tập trung chăm sóc đàn gia cầm để phòng, chống dịch bệnh.
Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch Cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là trên 77.000 con gia cầm. Ngày 05/10/2022 đã có 01 trường hợp người nhiễm vi rút Cúm gia cầm, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ. Để chủ động ngăn chặn các ổ dịch Cúm gia cầm, hạn chế thấp nhất vi rút Cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, UBND huyện tập trung triển khai các biện pháp theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện gia cầm ốm bất thường hoặc chết đột ngột không rõ nguyên nhân; tổ chức lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm để gửi xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Đồng thời tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; hằng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.
Các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc và không có giấy kiểm dịch theo quy định. Giám sát chủ động, lấy mẫu gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh cúm gia cầm, gia cầm tại các điểm, cơ sở buôn bán, tập kết gia cầm, cơ sở giết mổ gia cầm,… gửi đi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút cúm gia cầm A/H5…/.
Tác giả: Thu Thúy

 

 

 

 


Tin liên quan