1. Vị trí địa lý
Huyện Chợ Đồn nằm ở phía Tây của tỉnh Bắc Kạn, có diện tích tự nhiên 91.115,00 ha chiếm 18,75% diện tích tự nhiên của tỉnh Bắc Kạn. Huyện Chợ Đồn có một thị trấn (Bằng Lũng) và 21 xã. Có ranh giới tiếp giáp như sau:
– Phía Bắc giáp huyện Ba Bể.
– Phía Nam giáp huyện Định Hoá tỉnh Thái Nguyên.
– Phía Đông giáp huyện Bạch Thông, huyện Chợ Mới.
– Phía Tây giáp huyện Chiêm Hoá, Yên Sơn, Na Hang tỉnh Tuyên Quang.
Với vị trí địa lý từ 105025’ đến 105043’ kinh độ Đông, từ 21057’ đến 22025’ vĩ độ Bắc. Trung tâm huyện lỵ là thị trấn Bằng Lũng cách thị xã Bắc Kạn khoảng 46km theo tỉnh lộ 257. Huyện Chợ Đồn có hệ thống giao thông khá đầy đủ với đường tỉnh lộ 254, 254B, 255, 257… các tuyến liên xã tương đối hoàn thiện tạo thuận lợi cho huyện trong giao lưu thương mại, phát triển kinh tế xã hội, du lịch…
Như vậy, Chợ Đồn hội tụ khá đầy đủ các điều kiện, yếu tố cần và đủ về vị trí địa lý, đặc biệt là đường bộ để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, từng bước phát triển trở thành đô thị trung tâm của tỉnh.
2. Địa hình, địa mạo
Huyện Chợ Đồn là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Bắc Kạn, có độ cao giảm dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây với các dạng địa hình phổ biến:
Địa hình núi đá vôi: Các xã phía Bắc thuộc cao nguyên đá vôi LangCaPhu kéo dài từ huyện Ba Bể đến thị trấn Bằng Lũng. Địa hình chia cắt phức tạp bởi những dãy núi đá vôi với độ cao trên 1000m (núi Phia Khao xã Bản Thi) xen giữa các thung lũng hẹp, độ dốc bình quân từ 250 đến 300. Đây là nơi đầu nguồn của các sông chảy về hồ Ba Bể.
Địa hình núi đất: Các xã phía Nam thị trấn Bằng Lũng phần lớn là núi đất có độ cao phổ biến 400m đến trên 600m, độ dốc bình quân từ 200 đến 250. Địa hình chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối khá dày đặc.
Địa hình thung lũng: phân bố dọc theo các sông, suối xen giữa các dãy núi cao. Các điều kiện tự nhiên nhìn chung khá thuận lợi cho phát triển canh tác nông lâm nghiệp kết hợp, cây ăn quả, cây đặc sản.
3. Khí hậu
Khí hậu huyện Chợ Đồn chịu ảnh hưởng chung của khí hậu Miền Bắc Việt Nam. Được hình thành từ một nền nhiệt cao của đới chí tuyến và sự thay thế của các hoàn lưu lớn theo mùa, kết hợp với điều kiện địa hình nên mùa đông (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) giá lạnh, nhiệt độ không khí thấp, khô hanh, có sương muối; mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 9) nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiệt độ không khí trung bình năm 23,2oC (Nhiệt độ không khí trung bình cao nhất 26,5oC và thấp nhất là 20,8oC). Các tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất là tháng 6, 7 và tháng 8 (28oC -29oC), nhiệt độ trung bình thấp nhất vào các tháng 1 và 2 (13,5oC), có năm xuống tới -2oC. Nhiệt độ cao tuyệt đối là 39,5oC. Tổng tích nhiệt cả năm bình quân đạt 6800oC-7000oC. Mặc dù nhiệt độ còn bị phân hoá theo độ cao và hướng núi, nhưng không đáng kể.
Ngoài chênh lệch về nhiệt độ theo các mùa trong năm, khí hậu Chợ Đồn còn có những đặc trưng khác như sương mù. Một năm bình quân có khoảng 87 -88 ngày sương mù. Vào các tháng 10, 11 số ngày sương mù thường cao hơn. Về mùa đông các xã vùng núi đá vôi thường xuất hiện sương muối; từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau bình quân xuất hiện 1 – 2 đợt, mỗi đợt kéo dài 1-3 ngày. Mưa đá là hiện tượng xảy ra không thường xuyên, trung bình 2-3 năm một lần vào các tháng 5 và 6.
Lượng mưa thuộc loại thấp, bình quân 1.115mm/năm. Các tháng có lượng mưa lớn là tháng 6 và 7 có ngày mưa tới 340mm/ngày; thấp nhất là vào tháng 12 và tháng 1 năm sau 1,5mm/ngày. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và chiếm tới 75-80% lượng mưa cả năm. Độ ẩm không khí trung bình 82%, thấp nhất vào tháng 2 với 79% và cao nhất vào tháng 7 tới 88%.
Lượng bốc hơi trung bình năm là 830mm, thấp nhất vào tháng 1 với 61mm và cao nhất là 88mm vào tháng 4. Tổng số giờ nắng trung bình đạt 1586 giờ, thấp nhất là tháng 1 có 54 giờ, cao nhất la 223 giờ vào tháng 8.
Chế độ gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc kèm theo không khí lạnh và gió mùa Đông Nam mang theo hơi nước từ biển Đông, tạo ra các trận mưa lớn về mùa hè.
Những đặc điểm trên rất thích hợp cho trồng các loại cây nhiệt đới và á nhiệt đới, là điều kiện để đa dạng hoá cây trồng, tăng vụ; tuy nhiên cũng cần đề phòng mưa lũ và hạn hán.
4. Thuỷ văn
Huyện Chợ Đồn có hệ thống sông suối khá dày đặc nhưng đa số là các nhánh thượng nguồn sông Cầu, sông Năng, sông Phó Đáy, sông Bình Trung với đặc điểm chung là đầu nguồn, lòng sông ngắn, dốc, thuỷ chế thất thường. Giao thông đường sông ít phát triển do sông suối dốc, lắm thác ghềnh. Một số suối cạn nước vào mùa khô nhưng mùa mưa nước dồn nhanh có thể xảy ra lũ quét ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân.
5. Các nguồn tài nguyên
5.1. Tài nguyên đất
Theo số liệu thống kê, tổng diện tích tự nhiên của huyện Chợ Đồn là 91.115,00 ha, trong đó: sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp có 5005,85 ha, chiếm 5,49% tổng diện tích tự nhiên; đất lâm nghiệp có 64.731,22 ha, chiếm 71,04% tổng diện tích tự nhiên; đất chuyên dùng có 4890,79 ha, chiếm 5,37% tổng diện tích tự nhiên; đất ở có 483,53 ha, chiếm 0,53% tổng diện tích tự nhiên; đất chưa sử dụng có 14.268,61 ha, chiếm 15,66% tổng diện tích tự nhiên.
Diện tích đất nông nghiệp không đáng kể, bình quân là 1.038m2/người, đất lâm nghiệp là 1,34 ha/người. Diện tích đất chưa sử dụng còn khá lớn, khoảng 15,66% diện tích tự nhiên của huyện, trong đó đất đồi núi chưa sử dụng 12.925,78 ha. Đây thực sự là tiềm năng lớn để phát triển sản xuất lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp.
Về thổ nhưỡng, theo tài liệu và bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/100.000 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, trên địa bàn huyện Chợ Đồn có các loại đất như sau:
+ Đất Feralit nâu vàng phát triển trên đá vôi, phân bố ở vùng phía Bắc huyện từ Bằng Lũng đến Nam Cường. Đất tơi xốp, độ ẩm cao, tầng đất dày, hàm lượng dinh dưỡng cao, tỷ lệ mùn 1,9-3,5%; tỷ lệ đạm trung bình nhưng nghèo lân tổng số. Đất này thích hợp cho các loài cây lương thực, cây công nghiệp nhưng thiếu nước, dễ bị hạn vào mùa khô.
+ Đất Feralit đỏ vàng phát triển trên phiến thạch sét và đá biến chất; phân bố ở vùng đồi, núi thấp thuộc các xã phía Nam. Đất có tầng dày trung bình, có thành phần cơ giới thịt nhẹ hoặc pha sét. Ở những nơi còn thảm thực bì rừng che phủ có tỷ lệ mùn khá cao (3%-3,5%). Tỷ lệ đạm trung bình, đất này thích hợp cho sản xuất lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp. Ở những nơi có độ dốc thấp, gần nguồn nước có thể trồng cây ăn quả.
+ Đất dốc tụ và phù sa: sản phẩm của quá trình bồi tụ và sa lắng của các sông suối phân bố ở các thung lũng và dọc theo các con sông, suối. Tầng đất dày, có thành phần cơ giới từ thịt nặng đến sét, đất hơi chua, hàm lượng dinh dưỡng khá, thích hợp cho trồng các loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày như ngô, lạc, đậu tương..
Nhìn chung đất đai của huyện phong phú, diện tích đất chưa sử dụng có một lượng lớn với nhiều chủng loại, kiểu địa hình khác nhau, thuận lợi cho phát triển đa dạng các loại cây trồng và vật nuôi.
5.2. Tài nguyên nước
– Nước mặt
Do địa hình phân cắt mạnh nên huyện Chợ Đồn có nhiều khe suối. Các khe suối có nguồn nước mặt khá dồi dào. Tuy nhiên, do địa hình núi đá vôi, độ dốc lớn nên vùng núi phía Bắc thường thiếu nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Mặc dù nguồn nước khá phong phú nhưng do khả năng điều tiết của rừng kém, địa hình dốc, thảm thực vật bị suy giảm, thực bì nhỏ, diện tích đất đồi núi chưa sử dụng nhiều nên mùa mưa thường xảy ra lũ lụt, mùa khô thiếu nước, đất bị xói mòn, rửa trôi ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng, vật nuôi.
– Nước ngầm:
Độ dày tầng chứa nước biến động từ 60-160m, trung bình 100m và giảm dần từ Bắc xuống Nam.
Mực nước ngầm phong phú, có thể khai thác phục vụ sản xuất nông, công nghiệp và dân sinh, bổ sung cho nguồn nước mặt ở những vùng khó khăn.
Thời gian gần đây do canh tác nông nghiệp, khai thác lâm sản nên mực nước ngầm và chất lượng nước đã thay đổi. Ở huyện Chợ Đồn mực nước ngầm thấp hơn giai đoạn 1980 khoảng 2 – 3m, trong nước có Nitric và Nitrat hàm lượng thấp do bón phân vô cơ cho cây thấm xuống đất, hiện nay chưa ảnh hưởng đến việc sử dụng nước ngầm. Nếu không bảo vệ môi trường, xử lý chất thải thì nước ngầm sẽ bị ô nhiễm.
5.3. Tài nguyên rừng:
Theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2010 của huyện có 64.731,22 ha đất lâm nghiệp, chiếm 71,04% so với tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Trong đó rừng sản xuất có 47.444,31 ha, chiếm 52,07 % tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, rừng phòng hộ có 15.498.91 ha, chiếm 17,01% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, rừng đặc dụng có 1.788,00 ha chiếm 1,96% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Diện tích rừng của huyện Chợ Đồn khá nhiều, độ che phủ đạt trên 57%, phân bố trên tất cả các xã, thị trấn. Tập đoàn cây rừng hiện có chủ yếu là cây gỗ tạp, tre, nứa, Keo, Mỡ và một số loại gỗ quý hiếm.
Về chất lượng, một phần diện tích rừng ở Chợ Đồn hiện nay thuộc loại rừng non tái sinh, chất lượng và trữ lượng thấp, chỉ có tác dụng phòng hộ và cung cấp chất đốt. Tài nguyên rừng đang bị xuống cấp về chất lượng, phẩm chất cây cũng như tỷ lệ các cây gỗ có giá trị cao ít (rừng nguyên sinh còn rất ít, hiện tại chủ yếu là còn rừng non, rừng tái sinh và rừng nghèo). Rừng giàu với các loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao như lát, nghiến, táu, đinh… tập trung ở một số địa bàn khu vực hiểm trở. Động vật rừng trước đây rất phong phú gồm nhiều loại chim, thú quý như Voọc đen má trắng, lợn rừng, hươu xạ, cầy vằn bắc, hoẵng, vạc hoa, ô rô vảy, rùa sa nhân và báo lửa… nhưng do diện tích rừng bị giảm mạnh trong những thập niên qua và nạn săn bắn trái phép nên hầu hết các loài thú cũng suy giảm theo.
Để phát triển được quỹ rừng, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các tổ chức quốc tế, huyện Chợ Đồn đã tiến hành nhiều chương trình, dự án, trong đó có các chương trình 135, 134, dự án 327, dự án PAM 5322, dự án hợp tác Lâm nghiệp Việt Nam – Hà Lan, dự án 661, dự án 147, định canh định cư, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn…. kết quả, độ che phủ đã được tăng lên hơn 57% năm 2010.
Rừng là tài nguyên, là lợi thế tuyệt đối của huyện Chợ Đồn, khai thác hợp lý rừng sẽ không chỉ là nguồn nguyên liệu nhằm phát triển công nghiệp chế biến cho thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu mà còn là nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển bền vững sau này. Những năm qua, huyện đã đầu tư nhiều cho công tác quản lý, phát triển và khai thác tài nguyên rừng, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập. Để khắc phục, ngoài các biện pháp hành chính, cần quan tâm nhiều hơn nữa tới công tác quy hoạch, lồng ghép các chương trình nhằm vừa phát triển, khai thác tốt các nguồn lợi rừng vừa nâng cao mức sống dân cư, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững cả về tăng trưởng, xã hội và môi trường trong tương lai.
5.4. Tài nguyên khoáng sản
Chợ Đồn là một trong hai khu vực tập trung tài nguyên khoáng sản của tỉnh Bắc Kạn (Chợ Đồn và Ngân Sơn – Na Rì). Những khoáng sản có tiềm năng hơn cả là sắt, chì, kẽm và vật liệu xây dựng có trữ lượng lớn. Những mỏ đã được thăm dò và có trữ lượng lớn là mỏ Bằng Lũng khoảng 5.032 nghìn tấn có hàm lượng Pb 3,71 – 4,61% và Zn 1,31 – 1,60% với quặng ôxít và Pb 5,51 – 9,5% Zn 3,33 – 4,25% với quặng sunphua, mỏ Chợ Điền thuộc xã Bản Thi khoảng 10 triệu tấn với hàm lượng 3-24% (Pb+Zn). Nhóm phi kim loại theo đánh giá sơ bộ huyện có nhiều núi đá vôi, đất sét, đá hoa cương… Tại vùng Bản Khắt ( xã Quảng Bạch) có khoảng 200 triệu m3 chiếm gần 70% trữ lượng đá vôi của tỉnh, thôn Phiêng Liềng ( xã Ngọc Phái) triệu 32 m3, Bản Nà Lược 21 triệu m3, đây là nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Chợ Đồn còn có các loại khoáng sản khác, nhưng trữ lượng không nhiều.
Đây là những lợi thế lớn để Chợ Đồn có thể phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, công nghiệp vật liệu xây dựng, từng bước tích luỹ và xây dựng các ngành công nghiệp khác sau này.
5.5. Tài nguyên du lịch, nhân văn
Chợ Đồn hiện có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống với các nhóm ngôn ngữ khác nhau, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng, gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể; những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống của từng dân tộc. Các phong tục tập quán như đám ma, đám cưới…và các nhạc cụ như đàn tính, hát then… đã góp phần tạo cho Chợ Đồn một kho tàng văn hóa phong phú và hấp dẫn.
Huyện Chợ Đồn có nhiều dân tộc như Mông, Dao, Nùng, Tày, Hoa, Kinh, Sán Chí cùng chung sống đoàn kết trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Điều đó chứng tỏ Chợ Đồn luôn là vùng đất có truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng. Chợ Đồn là một phần của chiến khu Định Hoá, hiện còn nhiều di tích lịch sử về cuộc kháng chiến chống Pháp cần được lưu giữ và tôn tạo. Với 10 xã thuộc ATK, nhiều danh lam thắng cảnh, hệ thống sông suối với hệ sinh thái phong phú và mạng lưới giao thông thuận lợi là những điều kiện thuận lợi để phát triển các hoạt động du lịch trên địa bàn, từ du lịch văn hoá lịch sử đến du lịch sinh thái .v.v… Nhân dân các dân tộc có tinh thần đoàn kết yêu quê hương, có đức tính cần cù, chăm chỉ, vượt qua khó khăn, gian khổ về kinh tế, sự khắc nghiệt của thiên nhiên để từng bước đi lên. Đó là những nhân tố cơ bản và sức mạnh tinh thần để hướng tới sự phát triển kinh tế xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng huyện Chợ Đồn giàu, đẹp, văn minh.
Những năm gần đây huyện đã có chủ trương tập trung khai thác các điểm du lịch, văn hóa, lịch sử, các làng văn hóa cộng đồng…, tiến hành khảo sát xây dựng các chương trình, tuyến liên thông các điểm du lịch của huyện với tuyến du lịch của các huyện bạn trong khu vực và tỉnh. Các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, các hoạt động bảo tồn di tích lịch sử, di tích văn hóa luôn được quan tâm.
6. Thực trạng môi trường
Với đặc thù là huyện miền núi, địa hình chia cắt mạnh nên hiện tượng suy thoái đất do xói mòn, bạc màu diễn ra trên địa bàn toàn huyện. Chợ Đồn có hệ thống sông suối khá dày đặc với sông chính là Nam Cường ở phía Bắc và sông Cầu, sông Phó Đáy, sông Bình Trung ở phía Nam. Chi lưu của các sông thường ngắn và dốc, chảy xen kẽ với các vùng đá vôi, nên khó giữ nước, thêm vào đó, rừng là điều kiện giữ nước nhưng lại đang được khai thác như một lợi thế lớn hiện nay của huyện, nên duy trì hiện trạng của hệ môi trường sinh thái là việc khó khăn. Đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phát triển của nền kinh tế, các ngành công nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên như giấy, chế biến gỗ, lâm sản, khai thác các loại khoáng sản, đá vôi, đất sét .v.v… đang mang lại những hiệu quả trước mắt song cũng đang đẩy nhanh quá trình xuống cấp của môi trường, tác động xấu tới các hệ sinh thái của huyện.
Dân số huyện chủ yếu tập trung trên tuyến tỉnh lộ 257, 254, 254B, 255, 255B và các tuyến đường huyện, đường nội thị là các trục giao thông chính, còn lại rải rác trong đất nông nghiệp. Mật độ xây dựng thấp, chủ yếu là đất nông nghiệp nên môi trường hiện nay còn khá trong lành. Tuy nhiên hệ thống thoát nước thải sinh hoạt, sản xuất chưa được hoàn chỉnh, rác thải y tế chưa được xử lý, tỷ lệ nhà vệ sinh tự hoại thấp là những vấn đề tiềm ẩn đe dọa tới môi trường sinh thái.
Việc canh tác và phân bố các loại cây trồng ở một số nơi chưa hợp lý, đất dễ bị thoái hóa. Diện tích rừng chiếm tỷ lệ lớn diện tích tự nhiên nhưng tỷ lệ che phủ rừng chưa cao cùng với chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho tình trạng khô hạn ngày càng tăng, gây thiệt hại cho nền kinh tế của huyện.
Lượng rác thải hàng ngày trong huyện đa phần chưa được xử lý mà xả thẳng ra môi trường tự phân huỷ. Khu vực trung tâm của huyện được Ban quản lý Chợ Bằng Lũng thu gom, vận chuyển đến bãi rác. Tỷ lệ thu gom rác thải đạt khoảng 70% tuy nhiên rác thải chưa được xử lý đảm bảo gây ô nhiễm môi trường.
Chất thải y tế tại trung tâm y tế huyện, y tế xã chưa được xử lý triệt để sẽ là nguồn phát sinh ô nhiễm và dịch bệnh.
Vì vậy song song với quy hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị, cần có ngay các biện pháp kiểm soát và quản lý đi kèm như gìn giữ cảnh quan môi trường, xử lý các chất thải công nghiệp, xử lý rác thải, cấp thoát nước cho các khu dân cư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, lựa chọn công nghệ, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và áp dụng thành tựu khoa học vào sản xuất theo hướng phát triển bền vững…
Vì vậy song song với quy hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch đô thị, cần có ngay các biện pháp kiểm soát và quản lý đi kèm như gìn giữ cảnh quan môi trường, xử lý các chất thải công nghiệp, xử lý rác thải, cấp thoát nước cho các khu dân cư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung, lựa chọn công nghệ, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và áp dụng thành tựu khoa học vào sản xuất theo hướng phát triển bền vững…/.