Thành tựu nổi bật trong nông – lâm nghiệp

Những năm qua, kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện Chợ Đồn đã có những chuyển biến rõ rệt. Tiềm năng, lợi thế của địa phương bước đầu được khai thác có hiệu quả.

Những năm qua, huyện Chợ Đồn đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp với phương châm đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường đầu tư thâm canh, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Bên cạnh đó là các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất. Nhờ đó, kết quả sản xuất nông lâm nghiệp có những bước tiến vượt bậc.

Trong 5 năm từ 2005 đến 2009, hệ số sử dụng đất tăng từ 1,67 lần lên 1,73 lần; các mô hình cánh đồng 30 triệu đồng, 50 triệu đồng/ha được nhân rộng từ 88ha lên 314ha; sản lượng lương thực có hạt tăng từ 22.000 tấn lên trên 24.300 tấn; bình quân lương thực đầu người vượt so với chỉ tiêu kế hoạch…

Ngoài các diện tích trồng cây nông nghiệp, Chợ Đồn cũng có diện tích rừng rộng lớn, với nhiều loại gỗ quý hiếm. Chợ Đồn hiện có trên 64.000ha đất lâm nghiệp, chiếm 71,04% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Trong đó rừng sản xuất có trên 47.000ha; rừng phòng hộ có gần 15.500ha, rừng đặc dụng có 1.700ha. Độ che phủ rừng đạt trên 57%, phân bố trên tất cả các xã, thị trấn. Thành phần của rừng hiện có chủ yếu là cây gỗ tạp, tre, nứa, Keo, Mỡ và một số loại gỗ quý hiếm.

Rừng là tài nguyên, là lợi thế tuyệt đối của huyện Chợ Đồn, khai thác hợp lý rừng sẽ không chỉ là nguồn nguyên liệu nhằm phát triển công nghiệp chế biến cho thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu mà còn là nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển bền vững sau này. Những năm qua, huyện đã đầu tư nhiều cho công tác quản lý, phát triển và khai thác tài nguyên rừng.

Để phát triển được quỹ rừng, được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các tổ chức quốc tế, huyện Chợ Đồn đã thực hiện nhiều chương trình, dự án, trong đó có các Chương trình 135, 134, Dự án 327, Dự án PAM 5322, Dự án Hợp tác lâm nghiệp Việt Nam – Hà Lan, Dự án 661, Dự án 147…, nhờ đó không chỉ khai thác nguồn tài nguyên rừng hợp lý, phát triển bền vững mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập từ việc trồng rừng.

Cùng với việc phát triển cây lương thực và các loại cây màu khác, huyện Chợ Đồn đã và đang tập trung phát triển, mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Đến nay, nhiều loại nông sản địa phương đã trở thành sản phẩm uy tín trên thị trường, được người dân ưa chuộng, trong đó tiêu biểu là Chè Shan (Tuyết), Hồng không hạt, Gạo Bao thai, Rượu men lá…

Tiềm năng phát triển đặc sản nông nghiệp

Trong lịch sử, Chợ Đồn được biết đến như một địa danh gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều di tích lịch sử quốc gia có giá trị quan trọng. Ngày nay, Chợ Đồn nổi tiếng bởi chất lượng, thương hiệu của những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, trong đó nổi bật là Chè Shan (Tuyết), Gạo Bao thai, Hồng không hạt.

Chè Shan (Tuyết)

Những năm trước đây chè Shan (Tuyết) ở địa phương chủ yếu được sản xuất theo hướng tự túc tự cấp, ít được biết đến. Những năm trở lại đây, được sự đầu tư của nhà nước, chính quyền từ tỉnh đến huyện, một tuyến đường nhựa dài hơn 10km từ xã Phương Viên đến xã Bằng Phúc đã được xây dựng. Giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện để địa phương tiếp tục phát triển, quảng bá chè Shan tuyết Bằng Phúc đến nhiều nơi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Mô hình trồng chè Shan (Tuyết) tập trung tại xã Bằng Phúc

Nhằm phát huy tiềm năng đất đai, thế mạnh của các vùng có khí hậu đặc thù ở địa phương và tạo ra vùng sản xuất hàng hoá tập trung, Bắc Kạn đã triển khai thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu, phát triển, trong đó có Dự án Xây dựng mô hình trồng và thâm canh chè Shan (Tuyết) theo hướng tập trung tại huyện Chợ Đồn. Bằng những giống chè Shan (Tuyết) được chọn lọc nhằm hình thành vùng chè có năng suất cao, chất lượng cao, tạo ra sản phẩm hàng hoá đặc sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế cho vùng dự án. Hiện nay, diện tích chè Shan (Tuyết) tại huyện Chợ Đồn có khoảng gần 1.000ha.

Gạo Bao thai

Cùng với chè Shan (Tuyết), gạo Bao thai Chợ Đồn hiện nay đã nổi tiếng xa gần. Đây là giống lúa đặc biệt, không ưa thâm canh, phụ thuộc vào ánh sáng, ít sâu bệnh, thích nghi với chất đất và khí hậu các xã của huyện Chợ Đồn. Giống lúa này cho năng suất cao hơn các giống lúa bao thai thông thường, có độ dẻo, thơm quyến rũ ngay cả khi đã được chế biến thành, bún, bánh phở, bánh cuốn.

Phục tráng giống lúa Bao thai Chợ Đồn

Với sự quan tâm, đầu tư nghiên cứu, mở rộng của chính quyền và ngành chức năng, đến nay, sản phẩm Gạo Bao thai Chợ Đồn đã được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho gạo Bao Thai Chợ Đồn. Theo đó, toàn huyện có 238 hộ được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể thuộc thị trấn Bằng Lũng và các xã: Phương Viên, Ngọc Phái, Quảng Bạch, Đồng Lạc, Đông Viên, Rã Bản, Yên Nhuận và Bình Trung.

Hiện tại, UBND huyện đã giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Gạo Bao thai Chợ Đồn”. Mục tiêu mà huyện Chợ Đồn đặt ra là quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể từ đó tăng chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường, tạo nguồn thu lợi nhuận cao cho người sản xuất. Huyện chủ trương xây dựng quy trình sản xuất Gạo Bao thai theo hướng đồng bộ từ sản xuất tới bảo quản, chế biến, thu mua, lưu thông.

Hồng không hạt

Bên cạnh chè Shan (Tuyết), gạo Bao Thai, huyện Chợ Đồn cũng có điều kiện khí hậu, đất đai rất phù hợp để phát triển cây Hồng không hạt – sản phẩm đã được cấp Chỉ dẫn địa lý. Hồng không hạt là loại quả có mùi vị thơm ngon đặc trưng, quả giòn, nhiều cát, có giá trị dinh dưỡng cao. Những năm qua, cây Hồng không hạt đã giúp người dân một số địa phương trong tỉnh Bắc Kạn nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Hiện nay, huyện Chợ Đồn đang có những cơ chế khuyến khích người dân cũng như các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, mở rộng diện tích gieo trồng loại cây đặc sản này.

Hiện nay, toàn huyện có gần 100ha tập trung nhiều tại các xã Quảng Bạch, Đồng Lạc, Ngọc Phái… Vụ trồng hồng không hạt năm 2012, Chợ Đồn có kế hoạch trồng 60ha. Để khuyến khích người dân mở rộng diện tích, UBND huyện Chợ Đồn đã có phương án hỗ trợ cho 25% giá cây giống và 0,3kg phân bón/cây các hộ gia đình trồng năm đầu và đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài ra xã Quảng Bạch còn được triển khai mô hình quy hoạch cải tạo vườn tạp để trồng Hồng không hạt… Từ nay đến 2015, huyện Chợ Đồn phấn đấu mỗi năm trồng thêm 60ha Hồng không hạt, đưa cây Hồng không hạt trở thành cây trồng mũi nhọn của, góp phần xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

***

Cũng như nhiều địa phương khác, huyện Chợ Đồn có nhiều lợi thế trong sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở đây chính là tiềm năng đối với các loại cây trồng đặc sản của địa phương. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn và huyện Chợ Đồn tiếp tục dành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp, tổ chức quan tâm, mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp của địa phương…/.