Lịch sử hình thành
Theo lịch sử cũ, từ đời nhà Trần trở về trước, địa phận huyện Chợ Đồn ngày nayy là một phần đất của huyện Vĩnh Thông, thuộc phủ Thái Nguyên; thời thuộc Minh (1407 – 1427) vẫn theo như thế. Đến thời nhà Lê, huyện Vĩnh Thông được đổi tên thành châu Bạch Thông, thuộc phủ Thông Hóa, do phiên thần họ Hoàng nối đời cai trị. Từ đó trở đi, Chợ Đồn vẫn thuộc châu Bạch Thông.
Năm 1884, sau khi chiếm được thành Thái Nguyên, thực dân Pháp bắt đầu mở rộng cuộc xâm lược lên các huyện phía Bắc nước ta. Vấp phải sự phản kháng quyết liệt của nhân dân các dân tộc cho nên sau 10 năm, thực dân Pháp mới đến được phủ lỵ Thông Hóa. Đến năm 1895, một đạo quân Pháp tiến lên vùng thượng lưu sông Cầu, đánh chiếm các vùng rẻo cao của phủ Thông Hóa, trong đó có phần đất của huyện Chợ Đồn ngày nay.
Năm 1911, châu Chợ Đồn được thành lập, gồm hai tổng: Đông Viên (gồm các xã hiện nay là Đông Viên, Phương Viên, Rã Bản, Đại Sảo, Ngọc Phái, Bằng Lãng, Yên Thịnh, Yên Thượng, Bản Thi) và Nhu Viễn (gồm các xã hiện nay là Quảng Bạch, Tân Lập, Đồng Lạc, Nam Cường và Xuân Lạc).
Đến năm 1914, chính quyền thực dân cắt tổng Nghĩa Tá (gồm các xã hiện nay là Lương Bằng, Nghĩa Tá, Bình Trung, Phong Huân, Yên Nhuận, Yên Mỹ) thuộc Thái Nguyên nhập vào châu Chợ Đồn thuộc tỉnh Bắc Kạn. Kể từ đó, châu Chợ Đồn có 3 tổng với 16 xã. Ngày nay, huyện Chợ Đồn có 21 xã và 1 thị trấn.
Chợ Đồn là một huyện miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Kạn; phía Bắc giáp huyện Ba Bể; phía Nam giáp huyện Chợ Mới và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông giáp huyện Bạch Thông; phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang. Diện tích tự nhiên toàn huyện là 90.337ha, trong đó đất ruộng và soi bãi có trên 2.400ha, còn lại là đất đồi và rừng.
Chợ Đồn ngày nay
Chợ Đồn là nơi đất đai màu mỡ, dồi dào tài nguyên khoáng sản, lâm sản. Các khu rừng nguyên sinh của Chợ Đồn là nơi lưu giữ nhiều loại cây quý hiếm như Đinh, Lim, Sến, Táu, Lát, Nghiến…; ngoài ra còn có nhiều loài động vật và các loại thảo dược quý hiếm. Dưới lòng đất là nơi lưu giữ nhiều khoáng sản quý như vàng, chì, đồng, kẽm. Riêng mỏ kẽm Bản Thi với chu vi khoảng 40km, thuộc Công ty khai khoáng và luyện kim Đông Dương”, có số vốn là 16 triệu Fơrăng, do thực dân Pháp đầu tư khai thác từ năm 1909. Đến năm 1925, khu mỏ có tới 1.000 công nhân, 80 thư ký. Khu vực này là nơi mang lại lợi nhuận, làm giàu cho thực dân thống trị, đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều thành phần phức tạp, hay xảy ra cướp bóc, chém giết. Chỉ trong vòng 27 năm (1914 – 1941), thực dân Pháp đã mang về nước tới trên 350.000 tấn quặng kẽm.
Chợ Đồn trong lịch sử cổ đại là mảnh đất sinh sống của người thượng cổ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những chiếc rìu đá, những chiếc búa, gáo múc bằng đồng tại khu vực các xã Xuân Lạc, Tân Lập, Bản Thi… Bên cạnh đó, dấu vết các công trình thủy lợi như mương, phai, ao, đập còn để lại ở nhiều nơi cũng là bằng chứng cho việc từng có người tiền cổ sinh sống và sản xuất nông nghiệp (trồng lúa nước) nơi đây.
Mảnh đất của các dân tộc anh em
Trải qua thời gian dài hình thành và phát triển, ngày nay, dân số của Chợ Đồn đã lên tới khoảng 50.000 người, với 5 dân tộc cùng sinh sống: Tày, Nùng, Dao, Kinh và Hoa.
Chiếm số đông nhất trong huyện là dân tộc Tày (khoảng 70%). Người Tày có mặt sớm hơn cả và là chủ thể của vùng đất này. Dân tộc Nùng chỉ chiếm một bộ phận nhỏ trong dân số (khoảng 1,7%) và có mặt tại đây gần như cùng với thời của người Tày. Dân tộc Dao (chiếm 8,6%) đến sau một thời gian và thường sống ở vùng núi cao. Dân tộc Kinh (khoảng 19,4%) có mặt ở vùng này vào khoảng thế kỷ XVII (theo Chiều Mạc) và tăng lên vào đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp mở cuộc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản nơi đây. Từ năm 1960 trở đi, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, đồng bào miền xuôi tình nguyện lên khai hoang, phát triển kinh tế. Cũng từ đó, số lượng người Kinh tiếp tục tăng lên.
Nền văn hóa lúa nước đặc trưng
Các dân tộc ở Chợ Đồn có một nền sản xuất khá phát triển. Ngoài việc trồng lúa (chủ yếu là lúa nước), đồng bào còn trồng ngô, khoai, sắn và các cây thực phẩm khác như rau, đậu… Cũng như người Kinh ở miền xuôi, kỹ thuật canh tác và công cụ của đồng bào các dân tộc ở đây tương đối cao và khá hoàn chỉnh. Từ lâu, người nông dân các dân tộc Chợ Đồn đã biết dùng phân bón, biết chế tạo các loại nông cụ, như cầy, bừa, quốc, dao… Đặc biệt, đồng bào còn biết làm guồng đưa nước từ thấp lên cao, biết làm máy ép mía, ép dầu…
Bên cạnh nghề trồng trọt và chăn nuôi, đồng bào các dân tộc ở đây còn rất khéo tay trong nghề thủ công đan lát. Cả nam lẫn nữ đều biết đan và thường xuyên đan đồ dùng các loại như: Cót, dậu, bồ, rổ rá, vung chảo, nơm, đó… Phụ nữ rất giỏi nghề trồng bông, kéo sợi, dệt vải; giỏi thêu thùa, may vá, làm thêm những bộ quần áo độc đáo, đậm đà mầu sắc dân tộc. Hầu hết đàn ông đều sử dụng thành thạo các loại vũ khí cầm tay và các dụng cụ chài lưới dùng để săn bắt và đánh cá.
Với đức tính cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo, từ thời xa xưa, đồng bào nơi đây đã xây dựng nên những công trình thủy điện để dẫn nước vào ruộng. Đó là một hệ thống phai đập, mương máng, những trước guồng đặt trên các khe lạnh… Đồng bào còn biết chế tạo những công cụ thích hợp như cầy, cuốc, liềm… cho đến các loại súng, nỏ để săn bắn thú rừng và cả những chiếc xa kéo sợi, khung cửu dệt vải…
Cùng với sự phát triển sản xuất, hoạt động thương mại cũng ngày càng mở rộng. Từ lâu, chợ Phương Viên (tên là Chợ Đồn) đã nổi tiếng là sầm uất khắp vùng. Đối với một huyện miền núi cao, họp chợ không những có vai trò quan trọng trong việc trao đổi vật phẩm tiêu dùng, mà còn là sự giao lưu văn hóa tình cảm giữa các dân tộc. Người dân ở đây đều coi phiên chợ như một ngày hội; bởi vậy, họ đi chợ với những bộ quần áo đẹp nhất.
Đời sống tinh thần phong phú
Ngoài văn hóa vật chất, đồng bào dân tộc còn có một đời sống tinh thần rất phong phú, đa dạng. Những bài văn vần, thơ, cùng với các điệu si-lượn, bài then… đều được sáng tác trong quá trình lao động sản xuất, rất giàu tính trữ tình và tính giáo dục cao với nội dung ca ngợi cảnh đẹp quê hương, đất nước; ngợi ca mối tình chung thủy lứa đôi, sự hồn nhiên giản dị, cũng như đức tính cần cù, dũng cảm của người dân lao động; đồng thời đả kích những sự bất công, thối nát trong xã hội và những đồi phong bại tục của giai cấp thống trị. Một số truyền thuyết, truyện cổ tích như truyện “Trăm trứng”, “Thánh Gióng”… của người Kinh, truyện “Quả Bầu”, “Phú Luông – Già Cải”, “Vua Giống”… của người Tày, đều ghi lại các sự kiện lịch sử, biết ơn những người có công xây dựng quê hương và giáo dục tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.
So với các địa phương khác, điều kiện thiên nhiên ở Chợ Đồn có phần khắc nhiệt hơn. Nơi đây thường xảy ra những cơn lũ lớn, những trận sương muối, mưa đá… làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, mùa màng và cả tính mạng con người. Vì thế, dù mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán riêng song luôn gìn giữ được tình đoàn kết, gắn bó trong sản xuất cũng như cuộc sống hàng ngày, giúp nhau vượt qua khó khăn, hoạn nạn.
***
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đời sống nhân dân các dân tộc Chợ Đồn ngày nay không ngừng được nâng cao về cả hai mặt vật chất và tinh thần. Cùng với những bản sắc văn hóa được gìn giữ qua mỗi thế hệ, với truyền thống cách mạng lâu đời của thủ đô kháng chiến, Chợ Đồn ngày nay đang từng bước đi lên, hòa cùng sự phát triển của cả nước./.