A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nuôi trâu, bò sinh sản – một hướng đi giúp người dân thoát nghèo

Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò ở huyện chợ Đồn đã chú trọng thực hiện mô hình nuôi trâu bò sinh sản. Bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước nâng cao đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình.
Đến thăm gia đình bà Triệu Thị Điện, thôn Bản Chang, xã Lương Bằng, người đang thực hiện mô hình nuôi trâu bò sinh sản, chúng tôi mới cảm nhận rõ hiệu qủa kinh tế mà mô hình nuôi trâu bò, sinh sản mang lại. Gia đình bà Điện đã thực hiện nuôi trâu từ những năm 2000. Gần đây, nhận thấy hiệu quả từ nuôi trâu bò đem lại gia đình bà chú trọng hình thức nhân đàn, gia đình bà luôn giữ lại trâu cái để sinh sản. Hiện tại gia đình bà Điện có 12 con trâu, trong đó có 5 con trâu cái. Bà Điện cho biết : Nuôi trâu sinh sản phải đảm bảo nguồn thức ăn cần thiêt cho trâu như cỏ voi, cám ngô, cám gạo. Cứ mỗi năm trâu cái sinh một con nghé, nuôi vỗ béo là trâu có thể xuất bán. Bà Triệu Thị Điện, cho biết thêm: “ Ngày chăn thả cho ăn cỏ, tối về giữ ấm cho trâu bò, chuồng trại phải luôn vệ sinh sạch sẽ. Cùng với đó để phòng tránh dịch bệnh, thường xuyên tiêm phòng đầy đủ cho đàn trâu, bò. Trâu bò tầm vừa lớn thì bán được khoảng hơn 10 triệu đồng, con to hơn thì có thể bán được 30 đến 40 triệu hoặc có thể hơn…”.
Xã Xuân Lạc luôn là địa phương có tổng đàn gia súc lớn nhất toàn huyện.
Đến nay, toàn huyện Chợ Đồn có hơn 8.000  con trâu, bò, trong đó có hơn 40% bà con chăn nuôi theo hình thức sinh sản bán chăn thả. Theo số liệu thống kê từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, hiện nay có hơn 80 hộ nuôi nhốt trâu bò sinh sản, có quy mô tập trung tại các xã Phương Viên, Đồng Lạc, Xuân Lạc, Bằng Lãng, Quảng Bạch, Bằng Phúc, Tân lập, Yên Thịnh. Mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản ở Chợ Đồn thực sự đã mang lại lợi ích kép cho người dân. Không chỉ tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân, mô hình còn trực tiếp góp phần bảo vệ diện tích đất đồi rừng của các thôn, bản, nhất là diện tích rừng tái sinh. Trong quá trình chăn thả trâu, bò sinh sản, người dân còn có điều kiện chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng của gia đình và cộng đồng. Đồng chí Nông Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lạc cho biết: “Xã Xuân Lạc hiện tại vẫn giữ được tổng đàn gia súc và là xã có tổng đàn gia súc lớn nhất toàn huyện. Để giữ và duy trì được tổng đàn gia súc, trong thời gian tới xã tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi phát triển, nhân rộng các mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản để góp phần nâng tổng đàn gia súc của xã, bởi việc chăn nuôi cũng là thế mạnh, đồng thời cũng là nguồn thu nhập chính của khá nhiều hộ của các thôn”.
Huyện Chợ Đồn đang tập trung thực hiện đề án khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi vỗ béo trâu bò ngựa và chăn nuôi trâu bò sinh sản giai đoạn 2021-2025, theo chính sách này, huyện Chợ Đồn phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 900 trăm bê, nghé được sinh ra. Để đạt được kết quả này, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sẽ được hỗ trợ mua giống trâu bò cái sinh sản với định mức hỗ trợ 15 triệu đồng /một con, tương ứng với 63% con giống theo quy định tại quyết định 1449, ngày 12/8/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn . Đây được coi là tiền đề quan trọng để người chăn nuôi Chợ Đồn từng bước thay đỏi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang hình thức phát triển tổng đàn theo hướng tăng các gia trại, trang trại mang lại hiệu qủa kinh tế cao. Việc phát triển các mô hình chăn nuôi trâu, bò đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thời gian tới, Huyện tiếp tục chú trọng mở rộng thị trường, tăng cường các mối liên kết về cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm để người chăn nuôi trâu, bò mở rộng quy mô sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hoàn thành tiêu chí thu nhập trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện./.
Tác giả: Hoàng Lan

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật