A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn đẩy mạnh thực hiện Chương trình” Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP)

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là OCOP), nhận thức vai trò, ý nghĩa của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong phát triển kinh tế nông thôn, huyện Chợ Đồn đã và đang đẩy mạnh chương trình OCOP theo hướng giúp các địa phương phát huy tối đa các lợi thế tiềm năng, nâng chất lượng để tăng giá trị cho sản phẩm nông sản và các sản phẩm truyền thống của địa phương.
 Đại biểu dự Hội nghị tổng kết Chương trình MTQG xây dựng NTM, và Đề án OCOP năm 2021 tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP huyện Chợ Đồn
(Nguồn ảnh: Ánh Nguyệt).
Theo đó để thực hiện tốt Chương trình OCOP, hàng năm UBND huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình đồng bộ từ các cấp theo đúng chu trình; xác định rõ mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình. Đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình đến các cấp, các ngành, người dân; thực hiện có hiệu quả các chính sách để hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cao năng lực sản xuất hàng hoá, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới; Củng cố nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận OCOP và phát triển sản phẩm mới năm 2022; Tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu và ứng dụng công nghệ 4.0 trong xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP.
Gian hàng Sản phẩm OCOP của huyện trưng bày tại Đại hội Đại biểu Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn lần thứ IX (Nguồn ảnh Hà Khánh).
Đến nay, toàn huyện có 23 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt hạng 3 sao cụ thể: Đồ uống có 07 sản phẩm gồm: Rượu Men lá Bằng Phúc (HTX rượu men lá Thanh Tâm, thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc); Rượu Men lá Bằng Phúc (HTX rượu men lá Bằng Phúc, thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc); Mật ong rừng Yên Thượng (Hợp tác xã Yến Nghiệp, thôn Che Ngù, xã Yên Thượng); Chè Shan tuyết Ngọc Thắng – Chè Matcha Shan tuyết (Công ty TNHH phát triển nông lâm nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng, thôn Thôn Chong, xã Phương Viên); Chè Shan tuyết (HTX Hồng Hà, thôn Nà Hồng, xã Bằng Phúc); Trà hoa vàng (Hợp tác xã Hòa Thịnh, thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá).
Nhóm thực phẩm có 16 sản phẩm gồm: Khẩu Nua pái (Cơ sở Nông Văn Phương, thôn Bản Chang, xã Lương Bằng); Gạo Japonica (HTX Sơn Lâm, tổ 12, thị trấn Bằng Lũng), Gạo Japonica (HTX Hoàn Thành, thôn Nà Làng, xã Phương Viên); Bún khô (HTX Hồng Luân, thôn Nà Lược, xã Tân Lập); Bánh Phở khô Chợ Đồn Hoàng Hải (Hộ kinh doanh Hoàng Ngọc Hường, thôn Đon Liên, xã Bình Trung); Măng khô (HTX Cao Phong, thôn Bản Eng, xã Xuân Lạc); Hồng Không hạt (HTX Tân Phong, thôn Bản Lác, xã Quảng Bạch); Thịt lợn rừng lai Phúc Thơm Bắc Kạn (Hợp tác xã Quỳnh Trang, thôn Nà Cọ, xã Đồng Thắng); Dế mèn (Cơ sở Triệu Quang Tú, thị trấn Bằng Lũng); Chân giò hầm- Khau nhục Hồng Quân (Cơ sở Nguyễn Thị Nhung, thị trấn Bằng Lũng); Nấm mộc nhĩ nguyên tai (HTX dịch vụ nông nghiệp Hợp Thắng thôn Nà Cọ, xã Đồng Thắng); Khẩu Sli (Cơ sở Nông Hồng Quyên, thị trấn Bằng Lũng); Cơm cháy (Cơ sở Nông Hồng Quyên, thị trấn Bằng Lũng); Bánh trời (Hộ sản xuất Hoàng Thị Điển, tổ 14A, thị trấn Bằng Lũng); Bột củ mài núi (Tổ hợp tác Đại Thắng, Thôn Nà Ngà, xã Đại Sảo).
Sản phẩm Bún khô (HTX Hồng Luân, thôn Nà Lược, xã Tân Lập) được chú trọng nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm trong các khâu sản xuất ( Nguồn ảnh: Phóng viên TTVH).
Năm 2022, UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển 03 sản phẩm OCOP mới đạt 3 sao trở lên; Củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP đã được công nhận, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, dự kiến có 01 sản phẩm có truy suất nguồn gốc quy trình sản xuất: Rượu men lá Bằng Phúc của HTX rượu men lá Bằng Phúc và 01 sản phẩm nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất: Chè Matcha Shan tuyết của Công ty TNHH phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng (Mở rộng quy mô sản xuất từ 10ha lên 14ha và quy trình sản xuất tiên tiến ISO:22000); Củng cố, phát triển các chủ thể OCOP đã tham gia Chương trình và hỗ trợ phát triển 01 tổ chức kinh tế mới tham gia Chương trình năm 2022.
Từ việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, tầm nhìn 2035 của UBND tỉnh Bắc Kạn theo Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XII).
Với những giải pháp đồng bộ, bám sát thực tiễn ở cơ sở, thời gian tới, huyện Chợ Đồn tiếp tục nâng cao nguồn nhân lực, nâng cấp các sản phẩm đã tham gia OCOP và phát triển các sản phẩm đăng ký mới. Đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn về chính sách hỗ trợ, thủ tục đăng ký nhãn hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đã xếp hạng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Giúp nông dân có thu nhập ổn định góp phần phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, kết hợp với phát triển du lịch để Chương trình OCOP luôn xứng đáng là động lực phát triển kinh tế của huyện Chợ Đồn./.
Tác giả: Hà Thị Thanh Nga, Phòng Nông nghiệp và PTNT
 

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật