A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn điệu hát Pá dung ở Chợ Đồn

Cùng với việc sáng tạo ra những bộ trang phục truyền thống cầu kỳ, lạ mắt, hát Pá dung là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc Dao Chợ Đồn, là phương tiện chuyển tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày.
Để hiểu rõ về làn điệu Pá dung của đồng bào dân tộc Dao huyện Chợ Đồn, chúng tôi tìm về thôn Bản Ca xã Bình Trung, nơi có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Là một trong những bậc cao niên ở thôn Bản Ca đam mê, tâm huyết với làn điệu Pá dung – một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Dao, ngay từ khi còn nhỏ, bà Bàn Thị Xuân đã mày mò, tự học hát qua các bậc cha ông đi trước. Bà Xuân cho biết: “Để có thể hát được làn điệu Pá dung hay, thuần thục thì người học phải mất khá nhiều thời gian, đồng thời phải có chất giọng khỏe, truyền cảm. Cái khó nhất trong hát Pá dung là học cách lấy hơi, nhấn nhá âm điệu lên, xuống sao cho đúng, rồi mới học thuộc hết phần lời. Dù đã hơn 60 tuổi, nhưng hằng ngày bà vẫn thường xuyên luyện tập để có thể đạt độ nhuần nhuyễn nhất trong từng câu hát”.
Qua những điều bà Xuân chia sẻ và tìm hiểu thực tế chúng tôi mới thấy, phải trải qua sự khổ luyện mới có thể hát thành thạo làn điệu Pá dung. Bởi vậy, hiện ở  Bản Ca, còn rất ít người có giọng hát Pá dung sánh được với bà Xuân. Ngoài hát hay, bà Xuân còn sáng tác, tự đặt lời, thường xuyên ghi chép, cất giữ cẩn thận các làn điệu Pá dung nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc cho thế hệ con cháu sau này. Đối với người Dao ở Bản Ca, hát Pá dung luôn mang ý nghĩa quan trọng, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt của đồng bào. “Khi biểu diễn các làn điệu Pá dung, trai, gái thường chọn lối hát đối đáp. Ở đâu có người Dao thì ở đó có làn điệu Pá dung độc đáo bởi đó là tiếng lòng của người Dao được truyền tải thông qua những âm điệu trầm bổng của từng câu hát nhằm gửi gắm niềm tin, khát vọng về một cuộc sống no ấm, tốt đẹp hơn”, bà Xuân tự hào cho biết.

Bà Bàn Thị Xuân truyền dạy những làn điệu hát Pá dung cho các chị em phụ nữ trong thôn.

Ông Bàn Văn Đức, Bí thư chi bộ thôn Bản Ca cho biết: “Thôn có 72 hộ thì hiện chỉ còn có gần 20 người còn biết hát các làn điệu Pá dung trong đó những người già am hiểu về các làn điệu Pá Dung chỉ còn khoảng 6 – 7 người. Người Dao xưa thường dùng câu hát Pá Dung trong các dịp như hội xuân, thời kỳ nông nhàn sau Rằm tháng Bảy âm lịch hay hát vào các lễ Cấp sắc, đám cưới hỏi và cả trong những điệu ru con, khi lên nương, làm rẫy…Giá trị văn hóa lớn nhất ở đây chính là những định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương mình, gìn giữ và phát huy những từ ngữ trong các làn điệu dân ca hàm chứa sâu sắc mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, anh em, tình yêu đôi lứa, trong lao động sản xuất… để truyền dạy cho thế hệ sau. Trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất, họ tự sáng tác cho phù hợp với thực tế nhưng vẫn giữ nguyên giai điệu mang sắc thái đặc trưng của dân tộc Dao. Những phong tục tập quán, những nét sinh hoạt hàng ngày được đúc kết và thể hiện qua những câu hát”.
Ông Bàn Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: “Theo tiếng nói của dân tộc Dao, Pá dung có nghĩa là ca hát, hát Pá dung là hát dân ca của dân tộc Dao. Hát Pá dung ra đời và phát triển từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Dao. Pá dung được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Dao ở Chợ Đồn từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, hiện nay, đa phần lớp trẻ không mấy mặn mà với làn điệu hát Pá dung, do đó, nguy cơ mai một  các làn điệu Pá dung là rất lớn.”
Năm 2020, hát Pá Dung của đồng bào Dao tỉnh Bắc Kạn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như một sự tôn vinh nét văn hóa độc đáo này. Thế nhưng, câu hát Pá Dung đang có nguy cơ bị mai một, đặt ra cho chính quyền, ngành văn hóa và người Dao ở các địa phương của tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Chợ Đồn nói riêng những trăn trở để gìn giữ di sản văn hóa này.
 Câu lạc bộ hát Pá Dung thôn Bản Ca được thành lập tháng 12/2021 là tiền đề để huyện bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hoá  đặc sắc của loại hình di sản văn hoá phi vật thể này.
(Nguồn ảnh Hà Tuyết)
Bà Hà Thị Tuyết – Phó trưởng Phòng Văn hoá thông tin huyện Chợ Đồn cho biết: “Để bảo tồn làn điệu Pá dung, thời gian qua, Phòng Văn hoá thông tin huyện đã tham mưu và triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào người Dao gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình đồng thời tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về Pá dung đang lưu giữ trong nhân dân,  hằng năm trong các dịp lễ hội, khuyến khích người dân tổ chức hát Pá dung, tổ chức sân chơi, vui ca  hát cho nhân dân nhằm đưa Pá dung trở lại phục vụ cuộc sống, gắn với các hoạt động trong các lễ hội văn hóa để người dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia, nhất là thế hệ trẻ góp phần bảo tồn hát Pá dung của đồng bào Dao nơi đây. Năm 2021, Phòng Văn hoá thông tin huyện đã tham mưu UBND huyện thực hiện hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ hát Pá dung thôn Bản Ca gồm 20 thành viên, ngoài ra các xã có dân tộc Dao sinh sống nhiều như Lương Bằng, Nghĩa Tá, Tân Lập, Bản Thi cũng vẫn đang tiếp tục được người dân lưu giữ truyền miệng, thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng các nhóm, các câu lạc bộ hát Pá dung hướng tới truyền dạy các làn điệu hát Pá Dung cho thế hệ trẻ nhằm bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hoá đặc sắc của loại hình di sản văn hoá phi vật thể này.”
Tác giả: Hương Liễu

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật