A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ phong trào nuôi dê thương phẩm tại xã Yên Thịnh

Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua huyện Chợ Đồn đã khuyến khích người dân phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô hộ gia đình, gia trại, trang trại, thành lập các tổ hợp tác(THT), hợp tác xã (HTX)…. Nắm bắt được điều này, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Yên Thịnh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi dê theo hình thức bán chăn thả, nhờ đó, chất lượng đàn dê được nâng lên, đặc biệt nâng cao hiệu quả kinh tế tạo nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.
Thống kê toàn xã Yên Thịnh hiện có trên 10 hộ dân thực hiện nuôi dê theo quy mô hộ gia đình, tổ hợp tác và hợp tác xã, với tổng đàn trên 500 con. Hầu hết là nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên và bán chăn thả. Từ nuôi dê đã góp phần cùng địa phương thực hiện hoàn thành tiêu chí chí thu nhập trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.
 Hợp tác xã Việt Hoàn nuôi dê thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao
Ông Bùi Văn Sĩ, thôn Bó Pết, xã Yên Thịnh cho biết: Nuôi dê vốn đã gắn bó với gia đình ông từ nhiều năm qua, tuy nhiên do thiếu vốn, kỹ thuật, không nắm bắt được thị trường nên việc chăn nuôi chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Để mở rộng quy mô chăn nuôi và nâng cao thu nhập, sau thời gian nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi dê lớn trong và ngoài địa phương, tháng 6/2020 ông Sĩ cùng 6 thành viên khác đã góp vốn thành lập HTX Việt Hoàn chuyên về chăn nuôi dê thương phẩm. Ngoài HTX ông Sĩ còn phát triển thêm 5 tổ hợp tác nuôi dê khác trong và ngoài địa phương, hiện nay HTX đang duy trì tổng đàn dê trên 400 con. Từ những kinh nghiệm nuôi dê hộ gia đình và nuôi theo hình thức THT, HTX, ông Sĩ khẳng định nuôi dê có ưu điểm là vốn đầu tư ít, rủi ro thấp, nhanh được bán, đặc biệt phù hợp với điểu kiện, thời tiết địa phương. Đầu ra của con dê cũng khá thuận lợi, vì thịt ngon, chắc nên các thương lái thường tự tìm đến tận nơi để mua. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi đồng bộ, dê của HTX phát triển và tăng đàn khá nhanh, ít bị dịch bệnh. Nếu không ảnh hưởng của dịch Covid-19 giá dê thương phẩm khá cao, tuy nhiên trong năm 2021 do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên giá dê giảm còn khoảng 120.000đ/kg và tiêu thụ chậm hơn. Ngoài ra, năm 2021 HTX tập trung việc nhân giống dê cho các thành viên và THT phát triển, do đó lượng dê xuất bán chưa nhiều, tổng thu nhập của HTX đạt khoảng trên 500 triệu đồng. Phát triển kinh tế tập thể có vai trò rất quan trọng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, theo tính toán nếu thuận lợi trong chăn nuôi và tiêu thụ mỗi năm HTX dự kiến sẽ xuất bán ra thị trường khoảng 300 con dê thương phẩm. Do đó, với những kinh nghiệm và lợi thế về nuôi dê, thời gian tới HTX Việt Hoàn và các THT sẽ tập trung duy trì, mở rộng quy mô đàn dê; đồng thời, chú trọng trong khâu liên kết tiêu thụ sản phẩm và phát triển diện tích trồng quế để nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Cùng với ông Bùi Văn Sĩ, gia đình ông Nguyễn Văn Quảng, thôn Bản Vay, xã Yên Thịnh, cũng là một trong những hộ tiêu biểu trong phong trào chăn nuôi ở địa phương. Thời gian qua, cùng với nuôi trâu sinh sản, ông đã đầu tư nuôi thêm dê thương phẩm. Theo ông Quảng, dê là con vật dễ nuôi, thức ăn cho dê dễ kiếm như, các loại lá cây, cỏ voi, lá sung, lá mít, chuồng trại đơn giản. Do đó, để đàn dê phát triển tốt, ông luôn chú trọng đến công tác phòng bệnh và vệ sinh chuồng trại, thực hiện phương châm 3 sạch “Ăn sạch, uống sạch và ở sạch”, chuồng trại phải thông thoáng, tránh nắng nóng, ẩm ướt vào mùa hè và gió lạnh vào mùa đông, như vậy mới nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Hiện tại, ông đang duy trì đàn dê trên 20 con, hàng năm nuôi dê đã giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định.
Ông Nông Đình Huế, Chủ tịch UBND xã Yên Thịnh cho biết: Để giúp người dân phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, những năm qua, địa phương đã phối hợp với các ngành chuyên môn triển khai một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách ưu đãi của Chính phủ, tỉnh, huyện về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân… qua đó, đã tạo ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp cho người dân địa phương. Do đó, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Yên Thịnh tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn được tiếp cận các nguồn vốn, chương trình, dự án, đề án do tỉnh, huyện triển khai để đầu tư vào những lĩnh vực có thế mạnh; góp phần giữ vững tiêu chí thu nhập để thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất liên kết bao tiêu sản phẩm tại địa phương.
Tổng đàn dê trên toàn huyện hiện có trên 2.000 con, tập trung nhiều ở các xã như: Yên Thịnh, Nam Cường, Xuân Lạc, Bằng Lãng… tuy nhiên, hiện nay người dân chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại, HTX chưa nhiều. Với những hiệu quả từ nuôi dê đem lại, cấp chính quyền và ngành chuyên môn từ huyện đến cơ sở cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai các mô hình nuôi dê cho hiệu quả cao; đồng thời tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh để ngừơi dân yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi.
Tác giả: Thu Thúy

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật