A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người dân trong huyện tập trung thu hoạch quýt

Toàn huyện hiện có trên 500ha cây cam, quýt, tập trung chủ yếu ở các xã Đồng Thắng, Phương Viên, Đại Sảo, Ngọc Phái…Thời điểm này, qủa quýt đang bước vào thời kỳ thu hoạch, theo đó người trồng quýt trên địa bàn huyện đang tập trung thu hái quả để bán cho các thương lái trong và ngoài địa phương.
Chị Lường Thị Báy, thôn Pác Gỉa, xã Đồng Thắng có khoảng hơn 2.000 cây quýt đang cho thu hoạch. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, những ngày này chị và các thành viên trong gia đình tập trung thu hoạch quả quýt chín đem bán. Cây quýt đã được gia đình chị trồng từ năm 2014, bình quân mỗi năm thu được khoảng 5 đến 6 tấn quả, với giá bán dao hiện nay từ 5 đến 7.000đ/kg, gia đình cũng thu về vài chục triệu đồng. Năm nay, lượng quả quýt sai nhiều hơn so với năm 2021, thời điểm này chị đã bán được trên 2 tấn quả. Theo chị Báy, để nâng cao thu nhập, chị đã trồng gối, xen dưới gốc quýt hơn 300 khóm lá dong, trên 1.000 cây quế cùng 1 số loại cây mỡ, trà hoa vàng… riêng cây lá dong đã được thu hoạch; để cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn ở vụ sau, khi thu hoạch xong chị sẽ đốn tỉa cây và bón phân, phòng bệnh.

Chị Lường Thị Báy, thôn Pác Gỉa, xã Đồng Thắng thu hoạch quýt.
Thống kê, toàn xã Đồng Thắng hiện có gần 450ha cam, quýt, trong đó diện tích cho thu hoạch 328ha. Những năm qua, cùng với sản xuất nông, lâm nghiệp, trồng cây ăn quả cam, quýt đã trở thành cây chủ lực đem lại nguồn thu nhập cho người dân trên địa bàn. Theo anh Hoàng Trung Đại, trưởng thôn Pác Gỉa, toàn thôn có 30 hộ dân thì có 28 hộ tham gia trồng cam, quýt, với diện tích khoảng 9ha, một số hộ trồng quýt cho thu nhập cao như: ông Triệu Đình Tứ, Nông Thị Điểm, Triệu Văn Hiếu… mỗi hộ trồng trên 1ha, hàng năm cho thu hoạch từ vài chục triệu đến trên 100 triệu đồng. Nhận thức được giá trị từ loại cây ăn quả này, nhiều hộ gia đình đã chú trọng chăm sóc, mở rộng diện tích và đầu tư mở đường cho xe máy đến tận vườn, đồi quýt để thuận lợi trong khâu chăm sóc cũng như vận chuyển quýt khi thu hoạch. Chính vì vậy, hiện nay đường vào khu vực vườn cam, quýt ở các thôn phần lớn được mở rộng, việc thu hái và vận chuyển quả ra ở những điểm tập kết mua khá thuận lợi. Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng và thương hiệu cam, quýt, địa phương tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần tập thu hoạch những diện tích đã chín đều đạt đủ độ ngọt, không nên hái quả khi còn quá xanh để tránh vị chua cũng không để quá chín khi thời tiết mưa khiến quả bị rụng.
Cam, quýt là cây trồng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân trên địa bàn, nhưng trong vài năm trở lại đây nhiều diện tích quýt đã có dấu hiệu suy thoái, già cỗi, cây bị bệnh hoặc vườn thiếu lao động chăm sóc, cải tạo, năng suất thấp; bên cạnh đó, quả quýt không có đầu ra ổn định, giá cả thị trường bấp bênh… Trước thực tế đó, nhiều hộ dân đã chủ động trồng xen hoặc chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp như, quế, mỡ hoặc lá dong vào dưới tán cây quýt. Ông Lường Minh Vương, thôn Cốc Quang, xã Đồng Thắng là một trong những hộ thực hiện trồng xen cây quế vào dưới tán cây quýt từ năm 2021, với mục đích sau thời gian diện tích quýt già cỗi sẽ chuyển sang chăm sóc quế không để bỏ trống diện tích đất canh tác.

Thương lái thu mua tại xã Đồng Thắng.
Cây cam, quýt ở Chợ Đồn nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý, rất thuận lợi để cho sản phẩm cây ăn quả này có thể cạnh tranh, mở rộng phạm vi tiêu thụ. Tuy nhiên, áp lực lớn từ vùng cây ăn quả của các tỉnh lân cận cũng như tác động của dịch bệnh khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, mặc dù địa phương đã có những hình thức hỗ trợ như tham gia các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối để đưa hàng hóa vào các siêu thị, tham gia sàn thương mại điện tử…
Để cây ăn quả có múi của huyện có thể cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, các địa phương tiếp tục vận động người dân thực hiện tốt việc chăm sóc, nâng cao năng suất cây trồng bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, áp dụng quy trình canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hoặc chuyển đổi những diện tích bị sâu bệnh, thoái hóa sang các cây có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện canh tác.
Tác giả: Thu Thúy
 

Tin liên quan