A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Chợ Đồn

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Chợ Đồn luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm với nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, nhờ đó nhiều người sau học nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững.
Chợ Đồn  là huyện đông dân cư, nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, đại bộ phận người dân sống ở vùng nông thôn bằng nghề nông nghiệp, hầu hết người dân trong độ tuổi lao động chưa được đào tạo nghề. Thực tế này ảnh hưởng không nhỏ tới việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng và vật nuôi. Huyện đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí kinh phí cho các hoạt động đào tạo nghề. Ưu tiên những đối tượng lao động là con em gia đình chính sách; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số  được tham gia học nghề và giới thiệu việc làm, nhằm đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực nông thôn. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện là đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Để công tác đào tạo nghề đạt kết quả cao, Trung tâm đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khảo sát, nhằm bổ sung danh mục ngành, nghề đào tạo theo nhu cầu của người lao động. Trong đó, tập trung nội dung chương trình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được lựa chọn học những nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và tình hình sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, ngoài việc tuyển chọn đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ, Trung tâm luôn quán triệt phương châm đào tạo là: Học đi đôi với hành, nội dung lý thuyết và thực hành được cân đối phù hợp, trong đó ưu tiên việc thực hành. Để đánh giá kết quả, sau mỗi khóa đào tạo Trung tâm đều tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo và rút ra những bài học kinh nghiệm, để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp hơn trong đào tạo nghề.

Các lớp học nghề được triển khai tại các địa phương góp phần nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm tại huyện.
Ông Hứa Văn Chấn – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Đồn cho biết: Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương, hàng năm Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Chợ Đồn đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân các địa phương, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tuyển sinh và phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề theo tinh thần “dạy những cái nông dân cần.
Theo đó, với lao động trẻ thì hướng nghiệp cho họ học những ngành nghề nhằm chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp để có thể làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đối với lao động có điều kiện sản xuất thì hướng nghiệp cho họ bằng cách học nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ như các mô hình chăn nuôi, trồng trọt… nâng cao năng suất và thu nhập cho người lao động. Trung tâm đã thực hiện phân nhóm đối tượng để tổ chức đào tạo đa dạng các ngành nghề, phù hợp với lứa tuổi và các nhóm đối tượng, liên kết, phối hợp với các trường nghề trong và ngoài tỉnh  xây dựng hệ thống chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy theo hướng gọn nhẹ, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng, tổ chức các lớp đào tạo nghề lưu động, giảng dạy ngay tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các học viên tham gia học nghề. Bình quân mỗi năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Chợ Đồn đào tạo cho trên 450 lao động nông thôn trên địa bàn.
Hiệu quả rõ nét nhất của công tác đào tào nghề cho lao động nông thôn ở Chợ Đồn  là người dân đã biết áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình. Nếu như trước đây, nhiều người dân xã Ngọc Phái sống chủ yếu dựa vào nghề nông, thì nay họ đã dần thay đổi nhận thức trong chọn nghề để làm ăn sinh sống. Gia đình anh Triệu Tài Văn ở thôn Bản Cuôn 2 xã Ngọc Phái là ví dụ điển hình. Năm 2020,  anh tham gia lớp học nghề kỹ thuật xây dựng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức tại địa phương.  Mặc dù thời gian học tập không dài, chỉ 3 tháng, nhưng sẵn có sự đam mê làm xây dựng và ham học hỏi, nên anh Văn đã nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật, kỹ năng cơ bản trong nghề xây dựng. Sau thời gian học nghề, anh kết hợp với một nhóm các anh em cùng làm nghề xây dựng trong thôn trực tiếp nhận các công trình để kiếm thêm thu nhập. Ban đầu khi mới vào nghề, anh chỉ nhận những công trình nhỏ do vậy thu nhập đạt mức 3 đến 4 triệu đồng mỗi tháng, nhưng  đến nay sau quá trình tích luỹ kinh nghiệm từ thực tiễn, anh cùng anh em trong nhóm xây dựng đã mạnh dạn nhận những công trình lớn hơn để nâng cao thu nhập lên 7-8 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập ổn định, anh đã dần sắm sửa được nhiều vật dụng có giá trị, con cái được chăm sóc tốt hơn. Theo suy nghĩ của anh Văn thì được Nhà nước hỗ trợ học nghề chính là người dân đã được trao “cần câu cơm”, giúp cho những người nghèo có nghề để kiếm sống lâu dài và mang lại thu nhập ổn định.
 Còn với chị Đặng Thị Hòa ở thôn Khau Chủ xã Đồng Thắng thì sau khi tham gia lớp đào tạo  nghề chăm sóc và phòng trị bệnh cho lợn được tổ chức tại địa phương do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức năm 2016 chị đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại phát triển mô hình chăn nuôi lợn quy mô hàng trăm con. Cũng như nhiều nông dân khác trước đây khi chưa được đào tạo nghề chị vẫn chăn nuôi theo phương thức, tập quán cũ vì vậy hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Giờ đây khi đã được đào tạo nghề, nắm được kỹ thuật chăn nuôi, chị đã tự tin biết cách chọn lựa con giống tốt, biết chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn lợn của gia đình.  Chăn nuôi lợn nay đã góp phần thu nhập đáng kể cho gia đình chị.  Hay như mới đây trong tháng 8 năm 2022, chị Ma Thị Tiềm ở thôn Bản Mới , xã Nam Cường cùng nhiều chị em trong thôn đã đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề nuôi và phòng trị bệnh cho lợn và gia súc được tổ chức tại địa phương. Chị Tiềm chia sẻ: Gia đình chị hiện đang nuôi lợn và dê xong chưa có nhiều kiến thức về cách chăm sóc và phòng bệnh vì vậy cũng đã gặp những rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Giờ đây khi đã được đào tạo nghề, nắm được kỹ thuật chăn nuôi, chị  đã tự tin biết cách chọn lựa con giống tốt, biết chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của gia đình  để tiếp tục đầu tư, mở rộng phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập.”

Chị Ma Thị Tiềm thôn Bản Mới, xã Nam Cường phát triển mô hình chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 20 con để nâng cao thu nhập.
Trên đây chỉ là 3 trong tổng số hàng nghìn lao động nông thôn trên địa bàn huyện Chợ Đồn sau khi được đào tạo nghề đã phát huy được hiệu quả. Báo cáo về kết quả đào đạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của huyện Chợ Đồn giai đoạn 2010 – 2015 cho thấy,  toàn huyện đã có 2859 lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt 142,99% trong đó số lao động được đào tạo nghề nông nghiệp là gần 1900 lao động, đào tạo nghề phi nông nghiệp được 977 người, tỷ lệ người lao động có việc làm sau khi học nghề đạt trên 90,3%. Giai đoạn 2016 – 2020  đã có trên 2200 lao động được đào tạo nghề trong đó nhu cầu chủ yếu của học viên là các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp với trên 1400 lao động tham gia học, có trên 800 lao động tham gia các ngành nghề phi  nông nghiệp.  Nhiều học viên sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất mới, mang lại việc làm và thu nhập lâu dài. Nhiều nghề có tỷ lệ tìm được việc làm cao như: Sửa chữa xe máy; xây dựng dân dụng, cơ khí… Đối với các nghề nông nghiệp, học viên sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và vật nuôi từ đó tăng nguồn thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đồng chí Ma Doãn Kháng – Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Chợ Đồn cho biết:  Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện đề ra mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng tay nghề và đào tạo thường xuyên nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành tương ứng với trình độ được đào tạo, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, gắn thực hiện đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giảm nghèo bền vững. Do vậy, hàng năm  UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên  huyện và các đơn vị dạy nghề trên địa bàn huyện, tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các ngành nghề chủ yếu như: kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật chăn nuôi thú y; chế biến phân vi sinh; chăn nuôi thủy sản nước ngọt, trồng nấm… và đào tạo các ngành nghề phi nông nghiệp như kỹ thuật sửa chữa máy nông nghiệp; xây dựng… Các đối tượng tham gia học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc đối tượng người có công.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, thời gian tới huyện Chợ Đồn sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề. Tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình học nghề  gắn với giải quyết việc làm, tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm giới thiệu và giúp học viên tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định sau đào tạo góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững của huyện.
Tác giả: Hương Liễu

 

 

 

 


Tin liên quan