A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng bào ATK Chợ Đồn giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống

Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống của mỗi dân tộc không những chứa đựng giá trị lịch sử, nhân văn mà còn là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc. Trước nguy cơ trang phục truyền thống các dân tộc đang dần bị mai một, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện ATK Chợ Đồn đã có những cách làm để giữ gìn, bảo tồn những giá trị nghệ thuật trong từng bộ trang phục.
Huyện ATK Chợ Đồn gồm 07 dân tộc trong đó chủ yếu là các dân tộc thiếu số như Tày, Nùng, H Mông, Dao…Mỗi dân tộc đều có trang phục thể hiện nét độc đáo, ý nghĩa và sự sáng tạo riêng có của dân tộc mình như trang phục người Nùng với những đường nét đơn giản, hài hòa, hoa văn không cầu kỳ mà thiên về tạo dáng; trang phục dân tộcH Mông, dân tộc Dao thì đa dạng về kiểu dáng, màu sắc…Những nét đặc trưng đó trên trang phục đã được đồng bào nơi đây giữ gìn và truyền lại cho các thế hệ.

 

 Chị Triệu Thị Sỉnh chia sẻ về trang phục truyền thống của người Dao đỏ.
Chị Triệu Thị Sỉnh ở thôn Bản Cuôn 1 xã Ngọc Phái là Tổ trưởng Tổ hợp tác thêu và đan lát Bản Cuôn, xã Ngọc Phái chia sẻ: Ngay từ khi 12 -13 tuổi chị đã được mẹ truyền dạy những kỹ thuật thêu dệt váy áo thổ cẩm truyền thống. Trang phục truyền thống của người Dao đỏ phải đầy đủ khăn quấn đầu, áo trong, áo ngoài, váy và vải bó chân. Dệt hoa văn trên thổ cẩm là công đoạn phức tạp và mất nhiều thời gian nhất. Bởi mỗi loại hoa văn lại thể hiện một ý nghĩa riêng. Do vậy, để hoàn thành một bộ váy áo thổ cẩm, người phụ nữ phải mất hằng tuần để nhuộm vải, chọn chỉ, thêu dệt. Với người Dao đỏ, màu chủ đạo trên váy áo là màu đỏ, theo quan niệm đây là màu may mắn, mang lại năng lượng tích cực cho bản thân và cộng đồng. Họa tiết, hoa văn thêu trên váy áo thường là chữ Vạn, hình hoa lá, hình quả trám hoặc cây cối, chim muông… với ý nghĩa hòa hợp với thiên nhiên. Đặc biệt, chiếc khăn đội đầu của phụ nữ Dao đỏ được thêu nhiều họa tiết tinh tế: Hình cách đoạn, cây vạn hoa, hình vết chân hổ… Khi đội lên đầu, hoa văn sẽ được khoe ra, tạo vẻ hấp dẫn riêng có của hoa văn trên trang phục”
Để phụ nữ Dao biết thêu dệt thổ cẩm truyền thống, ngoài sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy chính quyền đặc biệt là Phòng văn hóa thông tin huyện trong việc hỗ trợ thành lập Tổ hợp tác, mở lớp mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm còn có sự đóng góp rất lớn của các bà, các chị nhiều kinh nghiệm trong thôn như bà Đặng Thị Ngoạt, bà Bàn Thị Sỉnh, chị Triệu Thị Lý, chị Phùng Thị Lưu….trong việc bỏ công sức truyền dạy lại kỹ năng dệt vải thổ cẩm cho phụ nữ trong thôn bản. Từ vài người biết nghề, thạo nghề, nhờ có các bà, các chị mà hiện 70% số phụ nữ  ở thôn Bản Cuôn 1 đã thành thạo nghề dệt thổ cẩm truyền thống.Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, bà Bàn Thị Sỉnh, một trong những người nhiều tuổi, dày  dặn kinh nghiệm trong thêu dệt trang phục của dân tộc Dao đỏ cho biết:  “Phụ nữ Dao ngày xưa là phải biết thêu thùa, may vá. Đó cũng là cách lưu giữ bản sắc dân tộc của người Dao đỏ mà ông bà, cha mẹ truyền lại. Chị em trong thôn vẫn thường hướng dẫn nhau cách thêu thùa trên trang phục. Các bà, các mẹ mỗi khi rảnh lại cùng ngồi thêu, những ngày cuối tuần, các con, cháu không đi học lại được các bà, các mẹ hướng dẫn học thêu để sau này có thể tự thêu trang phục cho mình|”.
Bằng đôi bàn tay khéo léo, sự say mê và kiên trì sáng tạo, theo thời gian bà Sỉnh đã may, thêu rất nhiều bộ áo quần và các trang phục Dao đỏ cho các em, con, cháu, họ hàng xa gần.Những sản phẩm thêu của bà Sỉnh đã theo chân người Dao đỏ Bản Cuôn 1 đi nhiều nơi, đến các ngày hội của xã, huyện, tỉnh, ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc. Những sản phẩm may thêu độc đáo ấy thể hiện tâm hồn và bản sắc dân tộc của người Dao đỏcần được gìn giữ và phát huy.
Việc bảo tồn trang phục truyền thống còn được thực hiện thông qua việc mặc trang phục trong các dịp lễ, Tết hay những ngày quan trọng ở địa phương.  Chị Bàn Thị Vui – Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Bản Ca, xã Bình Trung chia sẻ: trước đây, trong cuộc sống hàng ngày, đồng bào dân tộc Dao vẫn thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ người sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình ngày càng giảm, nhất là ở nam giới và người trẻ tuổi. Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, trong đó có nét đẹp trang phục dân tộc Dao, cấp ủy, chính quyền địa phương và các hội đoàn thể trong thôn cũng đã tích cực tuyên truyềnđể nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn, phát triển bản sắc văn hóa. Như Chi hội phụ nữ thôn Bản Ca đã phát động phong trào và khuyến khích, động viên cán bộ, hội viên, phụ nữ mặc trang phục dân tộc vì vậy như đã thành thông lệ, trong mỗi chương trình, sự kiện được tổ chức tại thôn, xã, chị em đều mặc trang phục của dân tộc mình như giao lưu văn nghệ, thể thao giữa các xã hoặc trong đám cưới, các dịp lễ tết, hội xuân…
Bà Hà Thị Tuyết – Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: “Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã tích cực tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, phòng ban, UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đó bao gồm việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số. Phối hợp với Sở Văn hóa thể thao và du lịch thực hiện khảo sát, kiểm kê các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn trong đó có trang phục truyền thống của các dân tộc để từ đó có phương án duy trì, bảo tồn các di sản.”
Việc bảo tồn trang phục truyền thống là yêu cầu cấp thiết hiện nay do đó cùng với các cấp chính quyền địa phương, mỗi người dân cần nêu cao ý thức, tự hào về giá trị của những di sản văn hóa dân tộc nói chung và trang phục truyền thống nói riêng từ đó có những đóng góp thiết thực trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình. Theo phòng Văn hóa thông tin huyện, tới đây, phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện lựa chọn một số loại hình văn hóa tiêu biểu tại những địa phương có lợi thế phát triển du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử để duy trì hoạt động và những dịp lễ, tết hằng năm, tiến tới tổ chức thành mô hình du lịch cộng đồng phục vụ khách thăm quan, trải nghiệm từ góp phần tích cực trong việc bảo tồn, lưu giữ và khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong đó có nét đẹp của trang phục dân tộc truyền thống.
                                    Tác giả: Hương Liễu

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật