A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mùa xuân ở Bản Ca, xã Bình Trung

Thôn Bản Ca, xã Bình Trung với 100% đồng bào Dao sinh sống. So với trước đây, hiện nay đời sống của đồng bào đã có nhiều đổi thay, kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao.  Sự thay đổi đó ngoài sự quan tâm tâm đầu tư của Nhà nước còn có sự nỗ lực vươn lên của chính những người dân nơi đây.
Trong niềm vui chào đón xuân Nhâm Dần, chúng tôi có mặt cùng đồng bào Dao thôn Bản Ca, xã Bình Trung để cùng hòa mình trong không khí của Lễ hội Cầu mùa tháng giêng. Đây là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của thôn đã được duy trì nhiều năm qua. Tuy nhiên do năm nay ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên thôn cũng chỉ tổ chức phần Lễ không tổ chức phần hội như mọi năm nên ít người tham gia. Ông Bàn Văn Củng, người cao tuổi của thôn cho biết: Cứ vào sáng mùng 4 Tết hàng năm, ông và nhiều gia đình khác đều chuẩn bị đồ ăn để mang đến cúng ở đình Bản Ca. Việc làm này mang ý nghĩa, đầu xuân năm mới đến đình xin trời đất giúp cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt; cầu cho mọi người dân trong thôn bình an, mạnh khoẻ.

 

Lễ Cầu mùa của đồng bào Dao thôn Bản Ca tổ chức vào ngày mùng 4 Tết Nhâm Dần.
Lễ hội Cầu mùa mang đậm dấu ấn riêng của dân tộc Dao ở thôn Bản Ca. Theo người dân ở đây, Lễ Cầu mùa đã có truyền thống từ lâu đời, Lễ thường được tổ chức vào 4 dịp trong năm đó là tháng giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 8 âm lịch. Để tổ chức Lễ hội Cầu mùa, mỗi gia đình sẽ cùng nhau đóng góp đồ Lễ để thờ cúng mang tính lòng thành như: gạo, rượu trắng, lợn, gà, …tất cả các sản vật phải do tự tay các hộ trồng được, nuôi được, sau đó tập trung tại đình Bản Ca để tổ chức. Nghi Lễ cúng tế trong buổi Lễ diễn ra trang nghiêm, cầu cho mọi người trong thôn luôn khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, người dân phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, mùa màng được bội thu, không có dịch bệnh xảy ra, gia đình, hàng xóm, làng bản sống hòa thuận, đoàn kết.
Thôn Bản Ca, xã Bình Trung hiện nay có 72 hộ, những năm qua từ sự đầu tư của Nhà nước, sự đồng lòng nỗ lực của người dân đời sống của nhân dân trong thôn ngày càng phát triển, đặc biệt là  kinh tế rừng, hiện nay toàn thôn có khoảng 100 ha rừng đã được bà con trồng, nhiều hộ thu nhập cao từ trồng rừng, trung bình từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, có hộ dự kiến thu nhập đến 10 tỷ đồng từ trồng cây lâm nghiệp. Ngoài trồng rừng, đồng bào Dao thôn Bản Ca còn tích cực sử dụng các loại giống cây trồng năng suất cao để cấy lúa, chăn thả cá, nuôi gia súc, gia cầm,…Từ những nỗ lực trong phát triển kinh tế mà giờ đây thôn Bản Ca chỉ còn 13 hộ nghèo/72 hộ dân của thôn; thôn có khoảng 40% số hộ có nhà xây kiên cố, nhiều gia đình sắm sửa được nhiều vật dụng thiết yếu sinh hoạt gia đình.

 

Nhờ tích cực phát triển kinh tế mà đời sống của đồng bào Dao thôn Bản Ca từng bước được thay đổi.
Ông Bàn Văn Nguyên, Trưởng thôn Bản Ca phấn khởi nói với chúng tôi: Bản Ca hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với trước đây, bà con không chỉ tập trung phát triển kinh tế để nâng cao đời sống mà còn đoàn kết cùng nhau giữ gìn những giá trị văn hóa của truyền thống dân tộc. Cùng nhau bảo vệ di tích lịch sử Bản Ca – là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947.
Di tích lịch sử Bản Ca đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Cùng với sự phát triển của thôn, thời gian tới nơi đây không chỉ là là địa điểm thu hút khách du lịch đến nghiên cứu lịch sử mà khách du lịch còn có thể đến thăm quan, tham gia các hoạt động văn hóa cộng đồng đặc sắc của đồng bào Dao huyện Chợ Đồn.
Tác giả: Nông Đuổng – Đức Trọng

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật