A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn tập trung tiêm phòng định kỳ đợt 2 cho đàn vật nuôi

Thời điểm này, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang tập trung tiêm phòng định kỳ đợt 2 cho đàn vật nuôi, nhằm đảm bảo đàn vật nuôi có sức đề kháng chống lại các loại dịch bệnh.

Thị trấn Bằng Lũng triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi. Những tác hại, nguy cơ lây lan dịch bệnh của đàn gia súc, gia cầm, phần nào làm thay đổi nhận thức của các hộ chăn nuôi, từ đó tuân thủ việc tiêm phòng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Trong đợt 1 tiêm phòng định kỳ năm 2022, đối với Vắc xin Lở mồm long móng tiêm được 3.999 liều, đạt 84,9% KH; Vắc xin Tụ huyết trùng tiêm được 4.460 liều, đạt 94,7% KH; Vắc xin dại chó tiêm được 4.538 liều, đạt 60,1% KH.
Thực hiện Kế hoạch số 178/KH-UBND, ngày 26/8/2022 của Ủy ban nhân dân huyện về tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục và tiêm phòng định kỳ đợt 2 cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện năm 2022. Theo kế hoạch, các địa phương triển khai tiêm phòng từ ngày 06/9 đến ngày 30/10/2022, từ ngày 31/10 đến ngày 10/11/2022 thực hiện rà soát và tiêm phòng bổ sung. Để triển khai tốt tiêm phòng định kỳ đợt 2, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tiếp nhận và bảo quản 5.100 liều vắc xin Lở mồm long móng; 5.100 liều vắc xin Tụ huyết trùng trâu bò; 400 liều vắc xin Viêm da nổi cục  và 2.362 liều vắc xin Dại. Cụ thể: đối với đàn trâu, bò, dê, tiêm vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục; đối với lợn, tiêm vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Dịch tả và Lép tô; đối với chó, mèo, tiêm vắc xin phòng bệnh dại; đối với đàn gia cầm, tiêm vắc xin Newcatson, Tụ huyết trùng.
Theo ngành chuyên môn, thời điểm từ nay đến cuối năm, thời tiết chuyển lạnh kết hợp mưa ẩm tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh trên đàn trâu, bò, lợn, gia cầm. Do đó, người chăn nuôi cần tăng cường chăm sóc kết hợp tiêm phòng đầy đủ để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, một số người dân chăn nuôi vẫn còn chủ quan không chú ý phòng bệnh cho vật nuôi, vẫn còn có địa phương tỷ lệ tiêm phòng định kỳ đợt 1 đạt chưa cao.
Toàn huyện hiện có trên 7.700 con trâu, bò; trên 25.000 con lợn; gần 3.000 con dê; 346 con ngựa; trên 345.000 con gia cầm. Đây là nguồn thu nhập đáng kể của nhiều hộ gia đình, vì thế việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt so với kế hoạch đề ra, sẽ giúp phòng, chống các loại dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Từ đó, giúp các hộ yên tâm phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Tác giả: Thu Thúy

Tin liên quan