A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành kế hoạch xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc tại huyện Chợ Đồn

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành Kế hoạch số 588 / KH – UBND ngày 16 tháng 9 năm 2022 về việc xây dựng làng nghề trên địa bàn tỉnh năm 2022 -2023, trong đó huyện Chợ Đồn sẽ xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc tại xã Bằng Phúc.

Nghề nấu rượu men lá đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn.

  Theo khảo sát đánh giá, tại xã Bằng Phúc huyện Chợ Đồn hiện có 626 hộ dân thì có 246 hộ đăng ký sản xuất rượu, trong đó có trên 90 hộ đăng ký kinh doanh có nộp thuế. Thôn Nà Bay và Nà Pài có nhiều hộ sản xuất nhất, chiếm hơn một nửa số hộ của toàn xã. Mỗi năm, người dân trong xã sản xuất được khoảng 2 triệu lít rượu. Trên địa bàn xã hiện có 2 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt sản phẩm rượu men lá Bằng Phúc được người tiêu dùng ưa chuộng, có mặt trên thị trường nhiều tỉnh trong cả nước. Rượu men lá Bằng Phúc được sản xuất theo phương pháp lên men và chưng cất theo phương pháp thủ công gia truyền của người dân xã Bằng Phúc từ lâu đời. Nhờ vào thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho người dân xã Bằng Phúc với khí hậu quanh năm mát mẻ, có nguồn nước tinh khiết chảy ra từ trên núi đá cao, nhiều loại thuốc bắc dân tộc phát triển quanh năm, bà con đã sử dụng gần 20 loại cây làm nguyên liệu để chế biến làm men nấu rượu, người Tày gọi là “Men lá”. Gạo nấu rượu, phải lựa chọn loại có thành phần tinh bột đường cao, chỉ xay bỏ vỏ trấu còn nguyên cám, không bị ẩm, mốc, gẫy gạo; gạo được đem nấu chín, để nguội bớt trộn với men rồi đổ vào chum, vại, đậy nắp để ủ trên 30 ngày, đến khi mềm cơm và tiết ra một loại nước màu hơi sánh vàng đục, các cụ thường gọi là “Lẩu Vạng” có vị ngọt, nồng thì đem nấu lấy rượu. Rượu men lá Bằng Phúc có vị rất hấp dẫn, ngọt mát, đậm đà, uống rất dịu, đặc biệt không bị đau đầu.
Để được công nhận làng nghề theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ, hiện xã Bằng Phúc đã đạt tiêu chí: Có tối thiểu 20% tổng số hộ tham gia hoạt động ngành nghề; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận. Tuy nhiên, còn tiêu chí về môi trường cần quan tâm thực hiện để đảm bảo theo quy định. Để triển khai kế hoạch xây dựng làng nghề theo Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Chợ Đồn phối hợp với Sở Nông ngiệp và phát triển nông thôn tổ chức đánh giá, khảo sát thực trạng, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung, tiêu chí theo quy định để đảm bảo đủ điều kiện công nhận làng nghề. Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn và cấp xã thực hiện các nội dung, tiêu chí đảm bảo theo quy định. Chủ động bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, kết hợp lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn để xây dựng làng nghề. Tổ chức lập hồ sơ đề nghị công nhận làng nghề theo tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét công nhận. UBND xã Bằng Phúc huy động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia xây dựng làng nghề theo yêu cầu của cấp trên, tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, hộ gia đình cam kết thực hiện các nội dung quy định về làng nghề. Xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện các nội dung để được công nhận làng nghề Rượu Bằng Phúc gắn với phát triển du lịch cộng đồng và tạo thành chuỗi phát triển du lịch của tỉnh.
Tác giả: Hương Liễu

Tin liên quan