|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành giáo dục huyện Chợ Đồn tập trung Chuyển đổi số

Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Chợ Đồn đã và đang có nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số. Ngành xác định Chuyển đổi sô đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ tích cực đổi mới phương thức dạy và học.
Từng bước chuyển đổi số
Đón đầu trong công cuộc chuyển đổi số, trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục huyện Chợ Đồn đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ, mang lại hiệu quả tích cực. Ngành đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp (VNPT, Viettel…) hỗ trợ triển khai cập nhập cơ sở dữ liệu và sử dụng thí điểm hệ sinh thái giáo dục VNEdu của tập đoàn VNPT. Triển khai cho 100% cán bộ, giáo viên các đơn vị trường học ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý và giảng dạy; 100% các trường học kết mạng Internet đáp ứng cơ bản các hoạt động của nhà trường. Nhiều đơn vị trường học quan tâm đầu tư máy chiếu, ti vi cho các lớp học để ứng dụng CNTT trong dạy học. Tiếp tục khai thác sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu ngành GD$ĐT trên hệ thống VNEDU qua các phân hệ Quản lý nhà trường, tổ chức các kỳ thi, xét tốt nghiệp THCS trên hệ thống.

 Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trường Mầm non thị trấn Bằng Lũng đã xây dựng các video bài giảng gửi cho học sinh đảm bảo kế hoạch năm học.
Đối với hoạt động dạy và học trực tuyến trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện, Phòng GD&ĐT Chợ Đồn đã tham mưu chỉ đạo, triển khai công tác dạy và học trực tuyến, kết quả năm học 2021-2022, 17 trường Tiểu học và 13 Trường THCS đã tổ chức dạy học trực tuyến. Tổng số học sinh các trường triển khai học trực tuyến là 5.937 em cả cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, trong đó có 5.146 em được tham gia học tập trực tuyến đạt 86,67%, ngoài những nội dung học tập trực tuyến được giáo viên hướng dẫn, các em còn được thầy cô giao thêm các nội dung học tập thông qua Zalo các nhóm lớp để củng cố thêm kiến thức cho bài học và có sự phản hồi đánh giá sản phẩm học tập của học sinh từ phía giáo viên. Đội ngũ giáo viên tích cực học hỏi, thích ứng nhanh với việc dạy học trực tuyến.
Bà Hứa Hoàng Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin sẽ phát huy hiệu quả tích cực hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, quản lý điều hành, hoạt động chuyên môn. Năm học 2022-2023 ngành Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ triển khai thực hiện phần mềm Quản lý giáo án điện tử trên hệ sinh thái VNEDU đối với tất cả các đơn vị trường học trực thuộc, đồng thời chỉ đạo các nhà trường phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan, tuyên truyền thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025; nâng cao hiệu quả hoạt động của các website trường học…
Mục tiêu thực hiện Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030
Thực hiện Kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 15/6/2022 của Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, Ngành GD&ĐT huyện sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như: Triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy – học phục vụ bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, bài giảng dạy trên truyền hình, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác…giúp kết hợp học trên lớp và học trực tuyến); đổi mới công tác kiểm tra – đánh giá, phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Triển khai 100% đơn vị quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục có Trang, Cổng thông tin điện tử, cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.Tập trung Chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục, điện tử hóa và thực hiện ký số toàn bộ các văn bản quản lý của ngành, cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4; xây dựng nền tảng quản trị giáo dục thông minh góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.
 Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số ngành giáo dục và đào tạo, đảm bảo kết nối với các hệ thống Đô thị thông minh của huyện nhằm xây dựng hệ thống tác nghiệp, điều hành mang tính tổng thể, tích hợp liên ngành cao trên cơ sở kết nối, chia sẻ, dùng chung dữ liệu và nguồn lực giúp tối ưu chi phí, nâng cao khả năng dự báo chính xác làm nền tảng cho việc xây dựng và triển khai các chính sách tổng thể; Phổ cập hệ thống quản lý trường học số.Triển khai nền tảng quản lý mã định danh, xác thực người dùng trên môi trường số của ngành giáo dục; xây dựng văn hoá số trong ngành giáo dục. Nghiên cứu, triển khai thí điểm hệ thống lớp học thông minh tại một số trường,….
 Thực hiện Chuyển đối số đối với ngành giáo dục, đặc biệt tại các trường học sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ về phương pháp dạy học, áp dụng CNTT vào dạy và học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Khi thực hiện Chuyển đổi số, giáo viên là yếu tố có tính quyết định thành công hay không. Vì vậy, yêu cầu mỗi giáo viên cần có kỹ năng sử dụng công nghệ, phải chuyển đổi tư duy để tiếp cận tri thức mới và trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Mặt khác, tư duy và năng lực quản lý của lãnh đạo nhà trường phải thay đổi và đươc trang bị kiến thức và tư duy số để có thể làm chủ công nghệ.
Tác giả: Nông Đuổng

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật