A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn bán trú bậc học Mầm non

Xác định công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được đặt lên hàng đầu. Những năm qua, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ, các trường Mầm non trên địa bàn huyện đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn bán trú cho trẻ, qua đó góp phần đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện cả về trí lực lẫn thể lực.

 Giờ ăn trưa của trẻ tại trường Mầm non Đại Sảo.

Toàn huyện hiện có tổng số 18 trường Mầm non, với 148 lớp (trong đó có 3 nhóm trẻ tư thục), 3.176 trẻ, 100% trường tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ. Với đối tượng phục vụ là trẻ em, số lượng suất ăn lớn, do vậy, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, nhà trường luôn đặc biệt quan tâm đến chất lượng các bữa ăn cho trẻ nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại trường Mầm non xã Đại Sảo, có tổng số 6 lớp học với 122 trẻ ăn bán trú, gồm trường chính và 2 điểm trường lẻ. Để phục vụ bữa ăn bán trú cho trẻ bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng và quan trọng nhất là bảo đảm an toàn thực phẩm, khu vực bếp ăn của nhà trường luôn được vệ sinh sạch sẽ. Hệ thống thiết bị trong nhà bếp được trang bị đầy đủ với tủ bảo quản thực phẩm, bồn rửa thực phẩm rau củ quả, thịt sống, dụng cụ chế biến, khay đựng thức ăn. Chén, bát, thìa, đũa được phân loại và sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Việc lưu mẫu thức ăn cũng được nhân viên cấp dưỡng thực hiện theo đúng quy định.

Cô Triệu Thị Hòe, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Đại Sảo cho biết: “Ban Giám hiệu nhà trường thực hiện việc giám sát thường xuyên đảm bảo sao cho bữa ăn của các con được an toàn tuyệt đối. Thực hiện giám sát từ nguồn thực phẩm vào, đến quy trình chế biến thức ăn, chia khay đều được nhà trường kiểm tra kỹ lưỡng”.

Với mục tiêu, đảm bảo sức khỏe cho trẻ được đặt lên hàng đầu, thời gian qua trường Mầm non Yên Mỹ đã đặc biệt chú trọng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong bữa ăn cho 79 trẻ đang theo học tại trường. Các cô nuôi sinh được khám sức khỏe định kỳ, tập huấn về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó,  từ khâu nhận thực phẩm, nhà trường luôn bảo đảm tuân thủ theo đúng quy tắc; trường thực hiện ký hợp đồng cung cấp thực phẩm, rau, củ, quả với các hộ gia đình tại địa phương có nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng và rau sạch. Chế độ ăn uống của trẻ được thay đổi theo lịch ăn hàng ngày với các món ăn đa dạng, cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

Chị Đặng Thị Chu, cô nuôi trường Mầm non Yên Mỹ chia sẻ: Với vai trò là cô nuôi, để đảm bảo cho trẻ ăn hết xuất, hết khẩu phần ăn, nhân viên phục vụ nhà bếp thực hiện nghiêm túc các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện tốt 10 lời khuyên vàng trong chế biến thực phẩm; sử dụng bếp 1 chiều, khi sơ chế thức ăn phải đeo khẩu trang, khăng tay, sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, có lưu mẫu thức ăn theo quy định…”

 Tiết học của cô và trò lớp mẫu giáo nhỡ trường Mầm non Yên Mỹ.

 Với độ tuổi mầm non, chất lượng bữa ăn bán trú rất quan trọng vì trẻ có nhiều giờ ăn tại trường. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ, các trường học cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng bữa ăn bảo đảm đủ chất, đủ lượng, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng ngày, khâu tiếp phẩm đều có sự giám sát của Ban Giám hiệu, nhân viên y tế, nuôi sinh để kiểm tra chất lượng thực phẩm trước khi chế biến. Các trường thường xuyên tổ chức các cuộc họp chuyên môn, bồi dưỡng kiến thức liên quan đến an toàn thực phẩm cho đội ngũ này với mục đích hướng đến tạo được sự hài lòng của trẻ và các bậc phụ huynh. Đồng thời, các trường học đều phối hợp với gia đình chăm sóc đảm bảo trẻ phát triển cân đối cả về thể chất lẫn tinh thần, thực hiện việc phòng chống dịch bệnh như vệ sinh hằng ngày và khử khuẩn hàng tuần khu vực trường lớp. Giữ mối liên hệ với phụ huynh học sinh về dinh dưỡng, cách vệ sinh cá nhân ăn uống để học sinh không chỉ tăng về cân nặng mà còn đảm bảo sức khỏe, tăng sức đề kháng cho trẻ...

Để phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, mất VSATTP, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hằng năm đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, nâng cao trình độ, kỹ năng cho nhân viên nuôi sinh. Các trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện VSATTP, đảm bảo sức khỏe cho trẻ mỗi ngày đến trường,..

Tác giả: Thu Thúy

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu