A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không chủ quan lơ là khi đã được tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng chống COVID-19

Với mục tiêu “bảo vệ sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết, trước hết”, đồng thời chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo thực hiện chiến lược “5K + vắc xin”, huyện Chợ Đồn đã sử dụng vắc xin được cấp để đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho toàn dân .
Tiêm vắc xin phòng COVID -19 cho người dân tại Trung tâm y tế huyện Chợ Đồn.
Tính đến nay, huyện Chợ Đồn đã tiếp nhận 69.186 liều vắc xin được Bộ Y tế cấp. Tổng số vắc xin đã sử dụng là 69.171, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1 của đối tượng trên 18 tuổi là 33.776/35.275 đạt 95,75 %; Tỷ lệ tiêm mũi 2 của đối tượng trên 18 tuổi là 31.765/33.776 đạt 94,04 %; Tỷ lệ tiêm mũi 3 của đối tượng trên 18 tuổi là 1.928/31.765  đạt 6,06 %; Tỷ lệ tiêm mũi 1 đối tượng từ 12 – 17 tuổi đến hết ngày 09/02/2022 là 3.581/3.726 đạt 96,10 %; Tỷ lệ tiêm mũi 2 đối tượng từ 12-17 tuổi đến ngày 09/02/2022 là 3.378/3.581 đạt 94.33 %.Theo đánh giá của ngành y tế huyện, các chiến dịch tiêm vắc xin đã và đang nhận được sự tham gia, đồng thuận tích cực của các tầng lớp nhân dân. Với tỷ lệ tiêm chủng cả mũi 1 và mũi 2 đạt tiến độ theo kế hoạch, là điều kiện quan trọng để huyện sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo đánh giá cấp độ dịch của Bộ y tế, huyện Chợ Đồn thuộc nhóm cấp độ 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh là điều quan trọng để địa phương giữ vững địa bàn “An toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới” một cách chủ động, hiệu quả, thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, từ thực tế tại các địa phương cho thấy, một số người dân đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác. Một số người khi được tiêm đủ 2 mũi, có giấy xác nhận tiêm chủng đã xuất hiện tâm lý chủ quan, cho rằng bản thân đã “miễn nhiễm” với COVID-19, không thực hiện nghiêm các khuyến cáo về phòng chống dịch theo quy định 5K. Nhất là khi hiện nay, nhiều dịch vụ thiết yếu đã được mở cửa trở lại, nếu người dân không chú trọng các biện pháp phòng dịch cơ bản thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là điều rất dễ xảy ra.
Đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, đã có các trường hợp từ các địa phương khác về địa phương ăn tết, thăm thân hoặc lao động, công tác tuy nhiên với suy nghĩ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trước đó và cả những người thân, bạn bè với các trường hợp này đã chủ quan, lơ là, cho rằng được tiêm phòng là đủ bảo vệ, miễn nhiễm với dịch bệnh, nên không khai báo y tế, không có ý thức tự cách ly, theo dõi sức khỏe, tổ chức ăn uống, đi lại, tham gia các hoạt động tại những nơi đông người. Khi có kết quả xét nghiệm, có trường hợp dương tính với COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của nhiều người dân. Đặc biệt là ngành y tế đã rất vất vả trong việc điều tra, truy vết, cách ly, giám sát các trường hợp mắc bệnh cũng như những người liên quan đến ca bệnh mới phát hiện.
Bác sĩ Nông Văn Quân – Giám đốc Trung tâm y tế huyện Chợ Đồn cho biết: “Lợi ích và hiệu quả mà vắc xin phòng COVID-19 đã được nghiên cứu và qua thực tế đã được các nước trên thế giới và trong nước công nhận. Vắc xin giúp bảo vệ bản thân người được tiêm khỏi nhiễm bệnh, nếu như mắc bệnh thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn, giảm tỷ lệ nằm viện và giảm khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh. Tuy nhiên, không một loại vắc xin nào đạt hiệu quả 100%. Sau tiêm vắc xin, người tiêm vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Và ngay cả khi tất cả mọi người dân đều được tiêm vắc xin thì cũng chỉ là cách tạo miễn dịch cộng đồng, là một biện pháp phòng ngừa chứ không thể tiêu diệt được vi rút SARS-CoV-2. Hơn nữa, dù tiêm đủ 2 mũi, nhưng vắc xin vẫn cần có thời gian để phát huy tác dụng. Các nghiên cứu cho thấy, sau khi tiêm vắc xin mũi 1, hiệu quả phòng các biến thể của COVID-19 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở lên, vắc xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng từ 60% – 90% tùy loại vắc xin.”
Như vậy, vắc xin phòng COVID-19 không thể bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh. Những người đã tiêm vắc xin vẫn có thể bị mắc bệnhtrở thành người mang vi rút và lây bệnh cho người khác khiến dịch có thể bùng lên tại vùng có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp do đó ngành y tế khuyến cáo,  dù người dân đã được tiêm đủ cả 2 mũi vắc xin vẫn phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, chủ động bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, chú trọng thực hiện các biện pháp 5K của Bộ Y tế: “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế”.
Theo thống kê của Trung tâm y tế huyện Chợ Đồn, số người trên 18 tuổi còn hơn 4% chưa được tiêm (tức còn hơn 1 nghìn người) là những người có bệnh nền, người mắc bệnh ung thư…. và đặc biệt số trẻ em dưới 12 tuổi  trên toàn quốc cũng như trên địa bàn huyện chưa được tiêm. Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, do đó đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo của huyện về phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được thực hiện đồng bộ, thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch.Với phương châm: “5K + vắc xin + truyền thông + công nghệ”, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, địa phương trong huyện đang tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm, nguyên tắc, phương châm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh để nhân dân đề cao cảnh giác, không hoang mang.
Tiếp tục thực hiện tốt tiêm phòng vắc xin toàn dân, tuân thủ nghiêm quy định 5K, cùng các giải pháp phòng chống dịch theo sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, góp phần giữ vững địa bàn an toàn, vùng xanh, cấp độ 1 – nguy cơ thấp (bình thường mới) theo Nghị quyết số 128 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, khuyến khích mỗi người dân thực hiện khai báo y tế tự nguyện, khai  báo điện tử, đăng ký thông tin để lấy mã và sử dụng mã QR-Code, cài đặt các ứng dụng PC-Covid, sổ sức khỏe điện tử. Để phòng chống dịch có hiệu quả, chúng ta phải tiến hành đồng bộ rất nhiều việc, trong đó có một việc rất cần thiết, quan trọng, không thể không làm và phải làm thường xuyên đó là nâng cao ý thức tự giác của người dân để chủ động, linh hoạt trong phòng, chống dịch.
Thực hiện: Hương Liễu

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật