A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng khoa học công nghệ góp phần nâng cao chất lượng, sản phẩm cây trồng

Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật nên mẫu mã, chất lượng sản phẩm, diện tích cây ăn quả có giá trị trên địa bàn huyện ngày càng được mở rộng, nâng cao. Trong đó, nhiều loại cây đặc trưng như hồng không hạt, chè shan tuyết, chè hoa vàng, đào toáng… đang được phát triển theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Ông Triệu Hữu Quan, thôn Nà Lịn, xã Tân Lập thu hoạch hồng trên những diện tích sau cải tạo.
Gia đình ông Triệu Hữu Quan, thôn Nà Lịn, xã Tân Lập là hộ được tham gia trồng mới, cải tạo diện tích hồng không hạt theo Dự án “Phát triển sản xuất một số cây trồng hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ huyện Chợ Đồn” do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai từ năm 2017 đến 2021. Hưởng lợi từ Dự án, ông Quan và các hộ dân đã được tập huấn, chuyển giao công nghệ trồng thâm canh mới, cải tạo, chăm sóc cây hồng không hạt. Qua tập huấn ông đã biết cách phòng trừ sâu bệnh, cách tạo tán, quả hồng mẫu mã đẹp hơn, to hơn, năng suất tăng, dễ dàng thu hái, chăm sóc. Hiện nay, ông Quan đã trồng được trên 400 cây hồng không hạt, trong đó có gần 40 cây đã được chăm sóc, cải tạo và cho quả, tính riêng vụ hồng năm gia đình ông đã bán ra thị trường trên 1 tấn hồng, với giá bán trung bình 20.000đ/1kg.
Dự án đã triển khai trồng mới 10ha và cải tạo 3,5ha cây hồng không hạt tại hai xã Tân Lập và Quảng Bạch. Các hộ trồng hồng trên địa bàn đã áp dụng kỹ thuật đốn tỉa, tạo hình, bón phân, thu hoạch quả theo đúng quy trình hướng dẫn, đặc biệt đã nắm được cách phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây hồng. Sau cải tạo cây sai quả, quả to và mẫu mã quả đẹp hơn, năng suất trước khi cải tạo chỉ đạt trên 41 tạ/ha, sau khi cải tạo năm thứ 3 năng suất đạt trên 56 tạ/ha, với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg thì lợi nhuận thu được sau khi cải tạo đạt trên 29 triệu đồng/ha. Dự án được triển khai đã góp phần nâng diện tích hồng của toàn huyện lên khoảng 300ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 150ha.
Chè Shan tuyết cũng là một trong những cây có thế mạnh của huyện, toàn huyện có trên 340ha, diện tích cho thu hoạch là hơn 328ha, riêng xã Bằng Phúc có trên 320ha. Phát huy thế mạnh về cây chè, với những diện tích hiện có, những năm qua địa phương thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất để hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, cải tạo, thâm canh và chế biến theo chuỗi giá trị để mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân. Cụ thể như: giai đoạn 2016 – 2020 thực hiện Nghị quyết số 05/2015/NQ-HĐND của HĐND huyện về hỗ trợ thực hiện phương án cải tạo, thâm canh diện tích cây chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc, đã trồng được trên 165 ha chè Shan tuyết, trong đó thực hiện trồng cải tạo được trên 22ha, trồng bổ sung được gần 142ha; trên 200 hộ dân được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc” đã xây dựng 30ha chè canh tác theo quy trình VietGap, hữu cơ; hỗ trợ Hợp tác xã Hồng Hà – xã Bằng Phúc máy móc, quy trình chế biến các loại sản phẩm Hồng trà, Bạch trà. Sản phẩm chè Shan tuyết Bằng Phúc được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2018. Đặc biệt, với thương hiệu sản phẩm OCOP, chè Shan tuyết đã được vươn xa hơn, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.
Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh đã góp phần tăng năng suất, giá trị cây trồng, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đến nay, toàn huyện đã có 23 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt hạng 3 sao OCOP, trong những tháng đầu năm 2022, đã có thêm 3 sản phẩm được huyện đánh giá đạt tiêu chuẩn 3 sao, đủ điều kiện tham gia hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm OCOP đã và đang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển sản xuất cũng như khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Ứng dụng khoa học công nghệ đang là xu thế và giải pháp hữu hiệu giúp nâng tầm giá trị các sản phẩm và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Do đó, thời gian tới huyện tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác nâng cao ý thức tổ chức sản xuất; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cán bộ làm công tác chuyên môn chủ động phối hợp phổ biến đồng bộ các biện pháp kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến, bảo quản. Quan tâm xây dựng phương án quảng bá, xúc tiến thương mại để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm. Sử dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, đầu tư để triển khai đến người dân và các tổ chức thực hiện các mô hình, qua đó phát huy thế mạnh, tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Tác giả: Thu Thúy

 


Tin liên quan