A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phụ nữ Chợ Đồn thời kỳ hội nhập

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã luôn tích cực vận động cán bộ, hội viên đoàn kết, năng động, sáng tạo, tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Nhờ biết phát huy tiềm năng thế mạnh ở địa phương, nhiều điển hình phụ nữ đã vươn lên trong phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, qua đó khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập.

 Mô hình nuôi lợn rừng lai của gia đình chị Vũ Thị Thơm, thôn Nà Cọ, xã Đồng Thắng đem lại nguồn thu nhập cao.
Đến thăm mô hình chăn nuôi lợn rừng của chị Vũ Thị Thơm ở thôn Nà Cọ xã Đồng Thắng, chúng tôi ấn tượng với mô hình nuôi lợn rừng lai thương phẩm của gia đình chị. Chị Thơm chia sẻ: từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ không đem lại hiệu quả kinh tế cao mà trên các kênh truyền hình, báo chí thời gian qua có rất nhiều tấm gương hội viên phụ nữ vượt khó làm giàu nên chị đã bàn với gia đình lựa chọn mô hình nuôi lợn rừng lai để đầu tư lớn theo hướng hàng hóa. Để đảm bảo mô hình có hiệu quả, ngoài việc tham gia các lớp tập huấn do hội phụ nữ các cấp tổ chức, bản thân chị đã tìm tòi nghiên cứu từ nhiều nguồn thông tin trên mạng xã hội, gương hội viên có mô hình chăn nuôi tương tự để có thêm kiến thức về cách chọn con giống, cách chăm sóc đàn theo lứa tuổi, cách lựa chọn thức ăn chăn nuôi và tiêm phòng chống dịch để áp dụng cho mô hình của mình. Quan trọng hơn nữa là việc tìm và lựa chọn nguồn giống và đầu ra cho sản phẩm. Trang trại lợn rừng của gia đình chị Thơm nằm ở một khu đồi biệt lập, cách xa nơi dân cư, xung quanh được rào chắn bằng lưới B40. Người muốn vào khu chăn nuôi phải qua khâu khử khuẩn, đây là điều bắt buộc để giảm thiểu rủi ro, hạn chế tác động nguồn bệnh từ bên ngoài. Trang trại có diện tích khoảng 13ha, không gian rộng, thoáng đãng, đầu tư bài bản chính là “chìa khóa” để mô hình chăn nuôi lợn rừng lai của chị thành công. Hiện tại, trang trại lợn rừng lai của gia đình chị Vũ Thị Thơm có tổng đàn trên 500 con, lợn giống và lợn thịt được xuất bán với giá 130.000 – 150.000 đồng/kg. Ngoài ra, chị còn nuôi thêm dúi, ngỗng, đào ao nuôi cá với diện tích 3500 m2 và trồng 12ha rừng quế và mỡ, doanh thu ước đạt mỗi năm từ 2,5 – 3 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động là người dân sinh sống tại địa phương.
 Mô hình chăn nuôi gia súc tập trung của HTX rượu men lá Thanh Tâm, xã Bằng Phúc.
Còn với chị Nông Thị Tâm ở thôn Nà Pài, xã Bằng Phúc lại bắt đầu khởi nghiệp từ mô hình nấu rượu men lá. Từ nghề nấu rượu men lá gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm , năm 2017  chị đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm để mở rộng quy mô sản xuất và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho các thành viên trong Hợp tác xã. Rượu do Hợp tác xã ( HTX) sản xuất được nấu hoàn toàn bằng phương pháp truyền thống. Để tạo ra được những giọt rượu ngon thì từng công đoạn trong quy trình nấu rượu cũng rất tỉ mỉ và cầu kỳ. Đối với công đoạn làm men lá, HTX chuẩn bị từ 19 đến 32 loại cây thuốc Bắc được lấy từ các khu rừng tại địa phương. Ngoài ra, HTX cũng mua sắm thêm cơ sở vật chất, đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng và hệ thống lọc khử các chất độc tố nhờ đó, việc sản xuất được thuận lợi. Về chất lượng, rượu của HTX đến nay đã được các ngành chức năng kiểm chứng, đảm bảo an toàn thực phẩm; được dán tem, nhãn mác đầy đủ; ngoài ra được tham gia vào các hội chợ và các chương trình quảng bá sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, sản phẩm rượu của HTX được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP và xếp hạng sản phẩm 3 sao. Theo đánh giá của nhiều thực khách thì rượu của HTX thơm ngon, êm dịu và có hương vị đặc trưng. Chị Nông Thị Tâm – Giám đốc HTX rượu men lá Thanh Tâm cho biết: “ Hiện nay, HTX có 24 thành viên, trung bình mỗi ngày, HTX nấu từ  300 – 400 lít rượu  xuất bán đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Cùng với nấu rượu men lá, để tận dụng nguồn cám, bỗng rượu, từ năm 2020 đến nay, HTX rượu men lá Thanh Tâm còn mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung đem lại nguồn thu nhập khá. Hiện tại, HTX đang duy trì phát triển đàn lợn trên 200 con, nuôi bán chăn thả 20 con trâu và nuôi nhốt vỗ béo 40 con bò thịt và bò sinh sản. Doanh thu  năm 2021 của HTX đạt gần 5 tỷ đồng”.
Những thành công bước đầu của HTX rượu men lá Thanh Tâm xã Bằng Phúc  đang dần khẳng định đây là hướng đi hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao, phát huy được sức mạnh tập thể và truyền thống, thế mạnh tại địa phương vào phát triển sản xuất nông nghiệp.  Với sự năng động, mạnh dạn học hỏi, luôn lấy chữ tín làm tiêu chí kinh doanh, chị Tâm đã khởi nghiệp thành công  trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế để nhiều phụ nữ học tập. Mô hình phát triển kinh tế của Hợp tác xã rượu men lá Thanh Tâm xã Bằng Phúc đã và đang góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP), đồng thời khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay”.
Bà Hà Thị Khánh – Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Chợ Đồn cho biết: Không chỉ chị Thơm, chị Tâm mà nhiều phụ nữ ở các địa phương trên địa bàn huyện Chợ Đồn thời gian qua đã khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc trong thời kỳ đổi mới. Chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ từ 2016 đến 2021, các cấp Hội phụ nữ huyện Chợ Đồn đã biểu dương 25 gương điển hình phụ nữ phát triển kinh tế với thu nhập trung bình từ 100 triệu đồng đến hơn 500 triệu đồng/năm. Không chỉ nỗ lực trong phát triển kinh tế, các chị em hội viên phụ nữ còn phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống của phụ nữ Việt Nam, làm tốt vai trò người “giữ lửa” trong mỗi gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng nếp sống văn minh, đoàn kết trong cộng đồng dân cư, tiếp tục khẳng định bản lĩnh, trí tuệ  của người phụ nữ Việt Nam hội nhập và phát triển.
  Tác giả: Hương Liễu

 

 


Tin liên quan