A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiêm phòng vắc xin biện pháp tích cực phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện đã quan tâm chú trọng phát triển chăn nuôi, góp phần tăng tỷ trọng và giá trị trong cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh đã gây thiệt hại không nhỏ đến chăn nuôi. Do đó, để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn, bảo đảm sản lượng theo kế hoạch, thời điểm này các địa phương trong huyện đã và đang tập trung triển khai tiêm phòng, tăng cường phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi.

 

 Các địa phương tập trung triển khai công tác tiêm phòng định kỳ đợt 1/2022 cho vật nuôi
Chăn nuôi gia súc, gia cầm được xác định là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Những năm qua, các địa phương trong huyện cũng đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa. Theo đó, đã bố trí nguồn lực triển khai các chương trình dự án chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Ngành chăn nuôi đã từng bước đem lại hiệu quả kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân. Bên cạnh chăn nuôi hộ gia đình, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình gia trại, trang trại, Hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi có quy mô lên đến vài trăm con. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do tình hình dịch bệnh phức tạp đã làm ảnh hưởng lớn đến kinh tế của người dân. Số liệu năm 2021 cho thấy, 66 con gia súc mắc bệnh Lở mồm long móng; 242 con lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, với trọng lượng trên 11.000kg; 302 con trâu, bò mắc bệnh Viêm da nổi cục, phải tiêu hủy 23 con với trên 4.000kg. Trước diễn biến của dịch bệnh, cùng với công tác tuyên truyền và khuyến cáo của ngành chuyên môn, ý thức của người dân về công tác tiêm phòng đã được nâng lên. Năm 2021, tiêm Lở mồm long móng cho trâu, bò đạt 95,75% KH; Tụ huyết trùng trâu, bò đạt 98,8% KH; tiêm phòng dại chó đạt 76,23% KH; tiêm vắc xin viêm da nổi cục được 2.844con trâu, bò; thực hiện phun thuốc khử trùng, tiêu độc được 3 đợt với 2,588 lít hóa chất.
Thời điểm những tháng đầu năm thời tiết lạnh, ẩm kéo dài làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, tiềm ẩn nguy cơ các loại dịch bệnh như: cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy trên gia súc, gia cầm, bệnh ngoại ký sinh trùng… phát sinh, lây lan. Thực hiện Kế hoạch số 48/KH-UBND, ngày 4/3/2022 của UBND huyện về việc tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi đợt 1 năm 2022, theo đó, các xã, thị trấn sẽ triển khai tiêm phòng từ ngày 14/3. Hiện nay, 20 xã, thị trấn đang đẩy nhanh việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi; trong đó, đối với đàn trâu, bò, dê, tiêm vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng, bệnh Tụ huyết trùng; đàn lợn, tiêm vắc xin phòng bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, dịch tả và lép tô; đối với đàn chó, mèo, tiêm vắc xin phòng bệnh dại; đàn gia cầm, tiêm vắc xin phòng bệnh Niu cát xơn gà và Tụ huyết trùng. Trên cơ sở đăng ký vắc xin tiêm phòng đợt 1/2022 của UBND các xã, thị trấn, UBND huyện giao chỉ tiêu và phân bổ số lượng vắc xin Lở mồm long móng trâu, bò 5.100 liều; vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò 5.100 liều; vắc xin Dại 6.964 liều. Ngoài đợt tiêm phòng chính, các địa phương tổ chức tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho số gia súc, gia cầm mới phát sinh.
Do đó, để công tác tiêm phòng năm 2022 đạt hiệu quả, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn cùng ngành chức năng liên quan tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cho vật nuôi. Tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc tiêm phòng các loại dịch bệnh cho đàn vật nuôi; các nguy cơ, tác hại của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật như: Dịch tả lợn châu Phi, Lở mồm long móng; Viêm da nổi cục… đồng thời, tổ chức phổ biến Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền các cấp, nhất là các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
Tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, để bảo vệ đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, các địa phương trên địa bàn huyện đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng định kỳ đợt 1 theo đúng kế hoạch, đạt chất lượng, yêu cầu. Cùng với đó, tập trung trung thực hiện việc phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi trước khi nhập con giống và sau mỗi chu kỳ xuất bán; định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm giết mổ bằng vôi bột hoặc hóa chất. Đối với các ổ dịch cũ cũng được theo dõi sát sao, đồng thời phát hiện sớm các ổ dịch mới nhằm kịp thời xử lý, không để lây lan sang diện rộng.Mặt khác, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn; đặc biệt khi người chăn nuôi bổ sung đàn phải tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, kịp thời…
Tác giả: Thu Thúy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật