A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phỏng vấn Ông Nguyễn Hữu Kết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện về thực trạng và giải pháp công tác quản lý bảo vệ...

Huyện Chợ Đồn có tổng diện tích tự nhiên trên 91.000ha, trong đó, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên 81.000ha, gồm rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất; diện tích đất lâm nghiệp có rừng gần 73.000ha. Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, tuần tra, qua đó đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm Luật quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2022, tình hình vi phạm Luật quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt các vụ phát, phá rừng trái phép trên địa bàn huyện vẫn diễn biến phức tạp. Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng và các giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phóng viên Trung tâm Văn hóa, thể thao và Truyền thông huyện đã có cuộc trao đổi phỏng vấn với ông Nguyễn Hữu Kết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện.

        Ông Nguyễn Hữu Kết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn.
PV: Xin ông cho biết thực trạng công tác quản lý bảo vệ rừng những tháng đầu năm 2022 trên địa bàn huyện?
Ông Nguyễn Hữu Kết: Thực trạng công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện trong những tháng đầu năm, tình hình khai thác vận chuyển gỗ cơ bản ổn định, nhất là tình hình khai thác vận chuyển gỗ quý hiếm trên địa bàn huyện. Tuy nhiên tình hình phá rừng trái pháp luật lại tăng đột biến so với những năm trước đây. Tính đến ngày 15/7/2022, cơ quan chuyên môn đã lập hồ sơ xử lý 138 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có đến 122 vụ phá rừng trái pháp luật, có 8 vụ phá rừng chuyển cơ quan Công an huyện khởi tố hình sự.
          PV: Sau khi các vụ vệc xảy ra, cơ quan chuyên môn đã tham mưu về công tác xử lý như thế nào? Qúa trình xử lý gặp những khó khăn gì?
Ông Nguyễn Hữu Kết: Sau khi các vụ việc xảy ra, cơ quan chuyên môn đã xác định tình trạng phá rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, Hạt Kiểm lâm đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý tình trạng phát phá rừng trái pháp luật trên địa bàn. Công tác kiểm tra, lập hồ sơ xử lý kịp thời đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đối với các vụ việc có dấu hiệu hình sự được trao đổi, thống nhất với cơ quan Công an huyện khởi tố điều tra xử lý theo quy định của pháp luật; đối với vụ việc xử phạt hành chính thuộc thẩm quyền cấp nào xử lý thì cơ quan Kiểm lâm tiến hành chuyển hồ sơ vụ việc đến cấp đó xử lý kịp thời.
Những khó khăn trong xử lý vụ việc vi phạm về phá rừng trái pháp luật: Do các vụ việc phá rừng xảy ra trên địa bàn rộng; tại thời điểm kiểm tra phát hiện vụ việc phá rừng thì chưa xác định được người vi phạm cho nên cơ quan chuyên môn phải tiến hành điều tra xác minh làm rõ vi phạm mất nhiều thời gian. Đối với các vụ việc phá rừng trái pháp luật trên diện tích do UBND xã thì chưa tìm ra được người phát phá rất khó khăn cho việc xử lý vi phạm pháp luật. Kết quả xử lý đa số các đối tượng không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
          PV: Vâng, vậy nguyên nhân xảy ra các vụ vi phạm lâm luật là do đâu, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Kết: Những nguyên nhân xảy ra các vụ việc phá rừng, do nhận thức, ý thức của người dân được giao quản lý bảo vệ rừng thì người dân nhận thức chưa đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên là rừng sản xuất đã được Nhà nước giao cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Cụ thể, người dân chưa nhận thức đầy đủ cho rằng việc phát phá rừng để trồng rừng thì được hưởng lợi từ sản phẩm rừng trồng sau phát phá. Tuy nhiên, thực tế theo quy định của pháp luật hiện hành thì người dân vi phạm không được hưởng lợi gì từ sản phẩm trồng rừng sau khắc phục hậu quả do người dân vi phạm mà sản phẩm rừng trồng đó sẽ thuộc về UBND xã, thôn, bản nơi xảy ra vi phạm.
Công tác tuần tra, kiểm tra rừng của Kiểm lâm chưa đáp ứng được nhiệm vụ giao, cụ thể công tác tuần tra, kiểm tra rừng của một số kiểm lâm địa bàn chưa được thường xuyên để phát hiện sớm vụ vi phạm. Việc ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ảnh vệ tinh nhằm phát hiện sớm các vụ vi phạm phá rừng, mất rừng của Kiểm lâm địa bàn còn một số hạn chế.
Trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của cấp ủy, chính quyền một số xã chưa cao; chưa quyết liệt trong tuần tra, kiểm tra ngăn chặn xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn.
Việc xử lý vi phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền không đủ tính răn đe các đối tượng vi phạm, cụ thể: Xử lý các vụ án về phá rừng ở mức thấp đều ở mức án treo hoặc cải tạo không giam giữ. Các đối tượng chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đạt mức thấp. Công tác cưỡng chế thực hiện còn chậm hiệu quả chưa cao, có nhiều đối tượng không có tài sản để cưỡng chế.
PV:Trong thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện đề ra những giải pháp nào để thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng?
Ông Nguyễn Hữu Kết: Trước thực trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm tiếp tục tham mưu thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 01/7/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tham mưu UBND cấp huyện, xã thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp theo quy định tại Điều 102 Luật Lâm nghiệp; thực hiện việc phân công, phân cấp rõ ràng về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong bảo vệ và phát triển rừng, phát huy vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp, chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành phối hợp cơ quan Kiểm lâm trong công tác tuần, kiểm tra, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình  phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Tác giả: Thu Thúy

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật