A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển nghề thêu thổ cẩm của đồng bào Dao Bản Cuôn

 Tổ thêu hoa văn trang trí trên trang phục người Dao đỏ thôn Bản Cuôn I

trao đổi kinh nghiệm các mẫu thêu biểu trưng ATK Chợ Đồn

Theo phong tục từ xưa, con gái dân tộc Dao trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá để tự tay dệt váy cưới cho mình. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, các thiếu nữ được các bà, các mẹ dạy cách thêu thùa. Nhìn vào quần áo là mọi người biết được người con gái, người phụ nữ đó có khéo léo hay không. Một bộ trang phục truyền thống của đồng bào Dao phải dệt, thêu mấy tháng mới xong. Theo thời gian cùng với sự phát triển của xã hội, đồng bào Dao đã ít mặc trang phục truyền thống mà chỉ mặc vào các dịp lễ, hội, khi con gái lấy chồng. Dù vậy nghề thêu thổ cẩm vẫn là nghề mà các các bà, các mẹ, các chị thôn Bản Cuôn I, Bản Cuôn II, xã Ngọc Phái duy trì, truyền dạy với mong muốn giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Chúng tôi có dịp trò chuyện cùng các thành viên Tổ thêu hoa văn trang trí trên trang phục người Dao đỏ thôn Bản Cuôn I, xã Ngọc Phái. Chị Triệu Thị Sỉnh cho biết: Xuất phát từ việc không muốn để nghề thêu thổ cẩm của dân tộc mai một dần, tháng 4/2021,Chi hội phụ nữ của thôn đã thành lập Tổ hợp tác với 16 thành viên do chị làm tổ trưởng. Hoạt động của tổ là nhận hàng về thêu theo nhu cầu của khách đặt, sáng tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương để bán cho khách thăm quan chợ đêm do huyện tổ chức hoặc khách du lịch có nhu cầu mua quà làm kỷ niệm.

Chị Triệu Thị Thanh năm nay 28 tuổi, là thành viên Tổ thêu hoa văn trang trí trên trang phục người dao đỏ. Chị cho biết trước khi lấy chồng chị đã được học từ mẹ các nét cơ bản trong thêu thổ cẩm, tuy nhiên đến nay đặc biệt là khi tham gia vào tổ hợp tác chị mới có điều kiện để học hỏi kinh nghiệm từ các thành viên khác để tạo ra nhiều sản phẩm đẹp và chất lượng hơn.

Hầu hết các thành viên của Tổ thêu hoa văn trang trí trên trang phục người Dao đỏ thôn bản Cuôn I, xã Ngọc Phái đều cảm thấy tự hào vì mình đã tiếp tục giữ gìn nghề truyền thống, thêu ra những đường nét hoa văn để trang trí trên những bộ quần áo dân tộc, trên các phụ kiện khác như túi vải, khăn, mũ, …Tuy nhiên chị em đều mong muốn sản phẩm của mình làm ra bán được bán nhiều hơn trên thị trường, điều đó không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn tạo được thu nhập cho họ.

Để giữ gìn, bảo tồn và phát triển những nét đẹp bản sắc trong văn hóa của đồng bào dân tộc Dao. Thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tích cực tham mưu cho UBND huyện đẩy mạnh các hoạt động sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của dân tộc Dao, quan tâm định hướng các thành viên Tổ thêu hoa văn trang trí trên trang phục người Dao đỏ thiết kế các sản phẩm gắn với phát triển du lịch vùng ATK trên các sản phẩm túi, mũ, áo,… để  phục vụ nhu cầu khách hàng, đảm bảo về lâu dài nghề thêu có giá trị kinh tế bán ra thị trường, bày bán tại các điểm thăm quan du lịch ATK Chợ Đồn, các gian hàng chợ đêm, các hoạt động giới thiệu quảng bá trong và ngoài  tỉnh.

Đồng bào Dao đỏ tại thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn đã vinh dự được đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là niềm vinh dự của đồng bào dân tộc Dao nói chung và cộng đồng người Dao Bắc Kạn cũng như đồng bào Dao đỏ thôn Bản Cuôn nói riêng,  tạo động lực góp phần bảo tồn, giữ gìn những nét đẹp của bộ trang phục truyền thống của người Dao đỏ đang dần mai một. Hiện nay, huyện Chợ Đồn cũng đang trong quá trình triển khai thực hiện Đề án Quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện Chợ Đồn giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và được công nhận là huyện ATK. Đây là những điều kiện thuận lợi để đồng bào Dao Bản Cuôn, xã Ngọc Phái phát triển nghề thêu thổ cẩm truyền thống.

Sau khi thành lập Tổ hợp tác, Tổ thêu hoa văn trang trí trên trang phục người Dao đỏ sẽ bận rộn hơn, sau những giờ làm việc đồng áng, các chị lại miệt mài làm việc, truyền kinh nghiệm, hướng dẫn cách chọn vải, cắt, dạy thêu từng đường kim mũi chỉ, cách thêu các hoa văn, họa tiết cho nhau. Những sản phẩm hiện nay các chị đang hoàn thiện là sản phẩm biểu trưng ATK Chợ Đồn trang trí trên nền túi du lịch, ví cầm tay, khăn quàng cổ, mũ trẻ con, gối thổ cẩm… Hi vọng, từ đôi bàn tay khéo léo của các chị phụ nữ dân tộc Dao Bản Cuôn sẽ góp phần phần đưa các sản phẩm mang tính địa phương đến nhiều nơi trong cả nước và cả nước ngoài./.


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật