A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghĩa Tá phát huy truyền thống quê hương cách mạng

Trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Nghĩa Tá được coi là một trong những cái nôi của Cách mạng với rất nhiều bản được chọn là nơi ở và làm việc của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, ghi dấu chân của các đoàn quân Nam tiến, Bắc tiến… Truyền thống cách mạnh ấy vừa là niềm tin vừa là động lực để địa phương thêm vững bước đi lên trong giai đoạn “cách mạng” mới.

 Đồi Pù Cọ – (thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá – Nơi hai đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến gặp nhau tháng 10/1943)

 

Mạch nguồn lịch sử

Trong kháng chiến chống Pháp, xã Nghĩa Tá là một trong những địa phương được Trung ương Đảng chọn làm vùng An toàn khu, là nơi ở, làm việc của nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước như đồi Pù Cọ nằm trên đỉnh núi thuộc thôn Bản Bẳng là căn cứ quan trọng của Đảng ta trong những năm 1943 – 1945. Nhiều nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các đồng chí: Hoàng Văn Thái, Lê Dục Tôn, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Chu Văn Tấn đã có thời gian sống và làm việc tại đây.  Khuổi Linh – nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh và cơ quan Trung ương Đảng. Tại đây, đồng chí Trường Chinh cùng Văn phòng Trung ương đã chuẩn bị Luận cương cho Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản khóa II (2/1951). Không chỉ có vậy, xã Nghĩa Tá còn vinh dự được Hồ Chủ tịch chọn làm nơi nghỉ chân khi người từ Cao Bằng về Tân Trào vào tháng 5/1945. Ngoài hai di tích lịch sử cấp quốc gia, trên địa bàn xã Nghĩa Tá còn có 3 di tích lịch sử cấp tỉnh là Khu di tích Nà Pay thuộc thôn Nà Kiến, xã Nghĩa Tá. Tại đây, vào các ngày 17-19/5/1945, Bác Hồ và đoàn công tác trên đường từ Cao Bằng về Tuyên Quang đã nghỉ tại nhà ông Ma Văn Thắng. Đây là nơi ghi dấu chuyến đi lịch sử của Bác Hồ từ Pắc Bó về Tân Trào, một chuyến đi vô cùng gian khổ, di chuyển bằng cách đi bộ, trèo đèo, lội suối men theo các con đường mòn đầy nguy hiểm, sự rình rập của bọn giặc, của thú dữ và cả thổ phỉ…

Di tích Nà Kiến thuộc thôn Nà Kiến, xã Nghĩa Tá là nơi học tập và bế giảng khóa II và III Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn và di tích đồi Khuổi Đăm là địa điểm Báo Sự thật (tiền thân Báo Nhân Dân) đóng trong những năm 1947-1950. Ngoài ra, tại xã Nghĩa Tá còn có 6 địa điểm lịch sử đã được ghi dấu là di tích Nà Chang, nơi đặt khu Giao tế, Nhà khách Chính phủ trong kháng chiến chống Pháp; di tích đồi Khuổi Đó, nơi ở và làm việc của Cơ quan Vô tuyến điện Thăng Long từ 1948-1950; di tích nền nhà ông Triệu Phú Dương, là cơ sở cách mạng thời kỳ 1943-1945, nơi gặp gỡ của hai đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến; di tích nền lán Bác Hồ nghỉ chân khi đi công tác năm 1945; di tích xưởng sửa chữa vũ khí cho hai đoàn quân Nam tiến, Bắc tiến và di tích Khuổi Khít, nơi triển lãm biểu dương lực lượng các nước đồng minh năm 1943.

Với những thành tích trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngày 28/4/2000, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho xã Nghĩa Tá theo quyết định số160/KT-CTN ngày 28/4/2000 vào sổ vàng số 12/QP do Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký.

Xứng danh quê hương cách mạng

Trong thời kỳ đổi mới và phát triển, phát huy truyền thống cách mạng , Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nghĩa Tá đã và đang ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp thông qua phong trào xây dựng nông thôn mới. Dưới sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước, cán bộ và nhân dân toàn xã đã đoàn kết, chung sức, chung lòng hăng say lao động sản xuât, mãnh đất  anh hùng Nghĩa Tá đang từng bước khoác lên mình một tấm áo mới. Toàn xã hiện có 9 thôn, bản, với trên 420  hộ dân và 1660 nhân khẩu, gồm đồng bào các dân tộc: Tày, Dao, Kinh, Nùng, Mông cùng sinh sống. Là xã thuần nông, với diện tích tự nhiên trên 4.000ha, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã đã tập trung đây mạnh phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp. Tranh thủ sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, nhiều giống mới được đưa vào canh tác đã giúp địa phương nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Với diện tích đất nông nghiệp gần 200 héc ta; tổng sản lượng lương thực quy hạt của địa phương đạt hơn 968,5 tấn/năm, đưa bình quân lương thực đạt trên 565kg/người/năm. Hầu hết trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, các hộ dân đều đã cơ giới hóa, mua sắm được máy nông nghiệp để phục vụ canh tác, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào cấy lúa, đưa nhiều giống mới năng suất cao vào trồng, tiến hành thâm canh tăng vụ nhằm tăng năng suất cây trồng… Trong phát triển kinh tế rừng, các hộ dân chủ yếu trồng quế và cây nguyên liệu gỗ như mỡ và keo.

Từ các nguồn vốn này, nhiều công trình quan trọng đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn thiện, góp phần làm thay đổi bộ mặt của xã. Có thể kể đến như dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện đã góp phần nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt trên 97,8 %; bê tông hóa được 17,24 km đường giao thông nông thôn các loại; kiên cố hóa được 10 km kênh mương nội đồng. Cơ sở vật chất y tế, giáo dục, văn hóa được đầu tư xây dựng đảm bảo theo các tiêu chí quy định. Đặc biệt, trên địa bàn có Quốc lộ 3C chạy qua là điều kiện thuận lợi để người dân đẩy mạnh kinh doanh, dịch vụ, giao thương hàng hóa.

Được sự đồng thuận hưởng ứng của toàn thể Nhân dân, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thu được kết quả tốt.

Khu hành chính xã được xây dựng khang trang, các công trình thiết chế văn hóa thôn từng bước được đầu tư đầu tư, trường học, trạm xá được đầu tư xây dựng mới, khu trung tâm xã từng bước được quy hoạch và đầu tư xây dựng. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của Nhân dân được cải thiện và nâng cao. Nhiều mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao được thực hiện như mô hình nuôi trâu sinh sản; mô hình trồng chè hoa vàng của Hợp tác xã Hòa Thịnh ; mô hình trồng gừng có liên kết sản xuất gắn với tiêu thị sản phẩm; mô hình trồng dưa, mô hình trồng rừng… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Triệu Văn Tự – Trưởng thôn Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá cho biết: “Hiện nay cây Trà hoa vàng được xác định là cây kinh tế chủ lực của thôn, từ việc chỉ tìm hái hoa Trà trên rừng, nhiều hộ đã đưa về trồng, cùng với việc HTX Hòa Thịnh được thành lập và đầu tư xây dựng thương hiệu Trà hoa vàng, bà con đang tích cực mở rộng diện tích, hứa hẹn trong thời gian tới sẽ tạo sự chuyển biến về kinh tế – xã hội trong thôn.”

Con em địa phương được học tập trong những ngôi trường khang trang, hiện đại.

 

Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36,57 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã chỉ chiếm 7,18%. Đời sống văn hóa, thông tin cơ sở phát triển khá toàn diện. Đến nay, 9/9 thôn có nhà văn hóa thôn đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng được các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Nhân dân và hoạt động cộng đồng. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đông đảo Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Xã duy trì 100% số thôn đạt danh hiệu văn hóa từ năm 2019 đến nay. Công tác vệ sinh môi trường mặc dù không cần nhiều nguồn lực nhưng lại rất khó thực hiện do phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân. Tuy nhiên, tiêu chí này ở địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%. Đa số các hộ chăn nuôi đều có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn được thực hiện bằng cách vận động xây dựng các lò đốt rác thải theo nhóm hộ gia đình. Cảnh quan môi trường từng bước được cải thiện. Các đoạn đường trục thôn, liên thôn giao cho các thôn quản lý được tu bổ, phát quang, quét dọn thường xuyên.

Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội trên địa bàn xã luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm. Đến nay, 100% cán bộ, công chức xã đều đạt chuẩn về trình độ theo quy định. Đảng bộ xã luôn giữ vững danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được thực hiện tốt. Tình hình an ninh chính trị luôn ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Năm 2020, xã Nghĩa Tá đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Nghĩa Tá được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, mỗi người dân trên mảnh đất anh hùng xã Nghĩa Tá đều luôn tích cực tham gia lao động sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội, xây dựng xã nông thôn mới.”

Nghĩa Tá giờ đây đang vươn mình mạnh mẽ và trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết sẽ là điểm tựa giúp người dân địa phương tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, phát triển đi lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Tác giả: Hương Liễu


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật