A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại tại xã Phương Viên

 Ông Triệu Văn Ninh, Tổ trưởng THT Tổng Chiêu, xã Phương Viên  thực hiện mô hình trồng gừng.

Triển khai Chương trình FFF giai đoạn II, các cơ chế, chính sách liên quan tới tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) được thúc đẩy thông qua các diễn đàn đa ngành. Trong 2 năm qua (2020 – 2021), các nhóm hộ tham gia chương trình đã được tham gia  hội thảo, tập huấn nhằm hỗ trợ xây dựng kế hoạch hoạt động; đồng thời tìm ra những khó khăn, vướng mắc và nhận được sự quan tâm từ các cấp, ngành hỗ trợ giải quyết.

Theo Bà Văn Thị Dịu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Viên: Sau khi được Ban Quản lý chương trình FFF giai đoạn II tỉnh lựa chọn xã Phương Viên là một trong ba xã của tỉnh Bắc Kạn tham gia chương trình FFF giai đoạn II, Hội nông dân xã đã xây dựng kế hoạch, tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập nhóm nòng cốt cộng đồng ở cấp xã. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ như: Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuấtcho thành viên nhóm nòng cốt, các tổ hợp tác, HTX, nông dân làm rừng và trang trại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu được lợi ích làm việc theo nhóm; giúp các Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX) tiếp cận vốn ưu đãi từ nhiều chương trình khác nhau; nâng cao năng lực cho các thành viên thông qua xây dựng kế hoạch làm việc theo nhóm; tìm đối tác, đơn vị thu mua sản phẩm với giá tốt hơn.

Thông qua thực hiện Chương trình FFF, các mô hình canh tác theo hướng hữu cơ ngày càng được nhân rộng. Trên địa bàn xã Phương Viên đã thực hiện hiệu quả mô hình lúa Japonica, lúa Bao Thai với 32 hộ tham gia. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh trực tiếp hướng dẫn các THT, HTX thực hiện công tác kiểm tra đồng ruộng, đôn đốc thành viên tuân thủ đúng quy trình sản xuất hữu cơ để tiến hành cấp chứng nhận hữu cơ (PGS) sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Tổ chức đào tạo về kỹ năng, phương pháp kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS.

Trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế rừng, tiêu biểu như THT Tổng Chiêu, xã Phương Viên, với 6 thành viên do ông Triệu Văn Ninh làm Tổ trưởng, đã xây dựng mô hình trồng cây gỗ lớn trên 7ha; trồng gừng diện tích 04ha; cây xạ đen với 25.000 cây trên diện tích 3ha, trong đó Chương trình FFF hỗ trợ 6.000 cây giống, số còn lại chính quyền xã hỗ trợ giống, phân bón từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. HTX Hoàn Thành xây dựng mô hình trồng dược liệu (cây khôi nhung) dưới tán rừng với diện tích 5ha, trong đó Chương trình FFF hỗ trợ hơn 1.000 cây giống và mô hình trồng lá dong.Hiện nay, Hội Nông dân các cấp tiếp tục đôn đốc các THT, HTX phát triển mô hình trồng cây gỗ lớn. Hưởng lợi từ chương trình, các thành viên THT, HTX cũng như nhiều người dân trên địa bàn đã có những thay đổi về nhận thức trong việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng và trồng các cây dược liệu dưới tán rừng; biết cách khai thác tài nguyên rừng một cách hiệu quả, hợp lý.

Ngoài ra, việc xây dựng mạng lưới liên kết, hợp tác giữa các THT, HTX cũng được đẩy mạnh thông qua hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số mô hình tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các THT, HTX đã thảo luận kế hoạch nhằm năng cao năng lực sản xuất, kết nối thị trường, xây dựng mô hình sản xuất đáp ứng mục tiêu giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình FFF giai đoạn II đã cho thấy nhiều tín hiệu khả quan, mở ra hướng phát triển sản xuất bền vững cho các nhóm cộng đồng và hộ nông dân. Tạo sự thay đổi về tư duy, nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Bà con đã quan tâm đến việc sản xuất sản phẩm sạch thông qua quy trình canh tác hữu cơ, quan tâm đến sức khỏe bản thân cũng như sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với đó là chuyển đổi nhận thức về tính hiệu quả kinh tế rừng, chú trọng đầu tư trồng rừng gỗ lớn, biết đầu tư, khai thác dược liệu dưới tán rừng để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Thời gian tới, Hội nông dân xã Phương Viên tiếp tục duy trì hoạt động nhóm nòng cốt cộng đồng ở cấp địa phương;lồng ghép các hoạt động nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân cũng như các THT, HTX chủ động trong lập kế hoạch, nâng cao năng lực sản xuất; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để nângquy mô hoạt động của THT lên thành HTX; khai thác, phát huy tối ưu lợi thế của địa phương để cải thiện sinh kế cho người dân,từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp một cách bền vững./.


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật