A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo và sinh sản

 Ông Lăng Văn Khiêm, thôn Bản Lanh, xã Phương Viên thực hiện nuôi trâu vỗ béo và trâu, bò sinh sản

Gia đình ông Lăng Văn Khiêm, thôn Bản Lanh, xã Phương Viên đã thực hiện nuôi trâu từ năm 1986, nhưng nuôi số lượng ít chủ yếu là để phục vụ cày kéo sản xuất nông nghiệp. Thời gian gần đây, nhận thấy hiệu quả từ nuôi trâu, bò đem lại, ông Khiêm tiếp tục đầu tư nhân đàn, hiện nay ông đang nuôi 10 con trâu, bò sinh sản và 7 con trâu nuôi theo hình thức vỗ béo (nuôi nhốt).Từ khi tăng đàn cũng như đầu tư nuôi trâu vỗ béo, ông thấy hiệu quả kinh tế cao hơn. Theo ông Khiêm, nuôi trâu, bò quan trọng là tìm mua con giống chất lượng, sau đó đem về thực hiện chăm sóc, phòng bệnh. Đối với nuôi vỗ béo, phải đảm bảo nguồn thức ăn cần thiết cho trâu như: cỏ voi, cám ngô, cám gạo, bã bia, bống rượu…để tăng trọng lượng cho trâu. Sau thời gian khoảng 2 đến 3 tháng nuôi vỗ béo là trâu có thể xuất bán, trung bình mỗi con cho lãi khoảng 4 đến 5 triệu (chưa trừ chi phí). Đối với gia súc nuôi để sinh sản, ông Khiêm thực hiện chăn thả tự nhiên, tính trung bình mỗi con trâu nghé khoảng 6 tháng tuổi có giá bán từ 12 đến 13 triệu/ con.Về thị trường tiêu thụ cơ bản thuận lợi, ông Khiêm chủ yếu đem trâu, bò đi bán tại chợ Nghiên Loan, huyện Pác Nặm hoặc thương lái tự đến nhà mua.

Với ông Nguyễn Văn Quảng, Tổ trưởng Tổ Hội nghề nghiệp chăn nuôi trâu, bò sinh sản thôn Bản Vay, xã Yên Thịnh thì bằng việc thực hiện nuôi trâu sinh sản đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Hiện nay, ông Quảng cùng 9 thành viên khác của Tổ đang duy trì tổng đàn trâu, bò là 69 con, trong đó riêng ông Quảng đang nuôi 13 con trâu. Để đàn trâu phát triển tốt, đặc biệt là sinh sản theo đúng chu kỳ, ông Quảng chú trọng công tác phòng bệnh, thực hiện tiêm phòng định kỳ hằng năm; Về thức ăn, cùng với chăn thả tự nhiên, ông còn mua thêm bã bia, trồng trên 3.000m2 cỏ voi để bổ sung cho trâu. Qua thời gian đầu tư nuôi trâu sinh sản ông Quảng cho biết, mỗi năm đàn trâu sinh sản được 4 nghé, mỗi con sau khi nuôi khoảng 12 – 14 tháng có giá khoảng 18 – 20 triệu đồng.

Có thể thấy rằng, bên cạnh lợi ích chính là mang lại thu nhập cao trong thời gian chăn nuôi, giúp các hộ quay vòng vốn thì mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo và sinh sản còn giải quyết được nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác chăn nuôi hiện nay. Cụ thể, giảm tình trạng thả rông gia súc; tăng hiệu quả quản lý đàn trong việc chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh; tận dụng được nguồn phụ phẩm để tái đầu tư, nâng cao tỷ lệ tăng trưởng đàn trâu, bò của huyện; góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn, nhất là giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo thống kê toàn huyện hiện có gần 8.000 con trâu, bò được người dân nuôi theo các hình thức như: Thả rông, bán chăn thả và nuôi nhốt vỗ béo. Trong đó, có khoảng trên 80 hộ nuôi trâu, bò, ngựa vỗ béo theo hình thức nuôi nhốt, số gia súc này tập trung nhiều ở các xã Bằng Phúc, Xuân Lạc, Yên Thịnh, Phương Viên… Những năm gần đây, việc chăn nuôi gia súc đã đóng góp không nhỏ vào phong trào phát triển kinh tế của huyện. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển sang chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Để tạo động lực giúp người dân phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thực hiện đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, mới đây UBND huyện đã triển khai Đề án khuyến khích hỗ trợ phát triển chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, ngựa và chăn nuôi trâu, bò sinh sản giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu của Đề án là duy trì tổng đàn trâu, bò, ngựa trên 8.000 con, phấn đấu vỗ béo xuất chuồng trên 1.000 con/năm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 200 tấn/năm; tăng giá trị chăn nuôi trâu, bò, ngựa trên 20 tỷ đồng/năm. Đối với nuôi trâu, bò sinh sản đến năm 2025 ước có 900 bê, nghé được sinh ra. Mỗi địa phương có ít nhất 01 mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo hướng thâm canh. Khoảng 125 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được tiếp cận chính sách và thoát nghèo bền vững; 300 hộ gia đình; 10 tổ chức được tiếp cận chính sách của Đề án. Phấn đấu thành lập từ 01 Hợp tác xã hoạt động liên kết giữa các hộ chăn nuôi. Hỗ trợ người dân chuyển đổi từ chăn nuôi vỗ béo bán chăn thả sang hình thức nuôi nhốt hoàn toàn.

Theo đó, để triển khai hiệu quả Đề án, thời gian tới các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục tiêu và các chính sách của Đề án tới người dân, từ đó từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình thành các gia trại, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã có liên kết sản xuất chăn nuôi, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa./.


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật