A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả kinh tế từ nuôi dúi của hội viên nông dân xã Yên Phong

Trong những năm gần đây, nhiều hội viên nông dân ở xã Yên Phong đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế từ mô hình nuôi dúi sinh sản và thương phẩm, đem hiệu quả kinh tế cao. Cùng với các loại vật nuôi truyền thống như lợn, dê, trâu, bò thì nuôi dúi được xem là mô hình mới, có nhiều triển vọng làm giàu cho người nông dân.

Hội Nông dân huyện thăm mô hình nuôi dúi của ông Hoàng Đình Chuyên, thôn Bản Lanh.
Dúi là động vật gặm nhấm, sống chủ yếu ở các khu rừng nhiều tre, nứa. Trong tự nhiên, dúi thường ăn các loại củ, quả, măng tre, rễ cây rừng, do vậy thịt thơm ngon và được xem là đặc sản, giá thành khá cao. Là động vật hoang dã nhưng vẫn có thể nuôi, nhân giống, thuần chủng, do đó, trước nhu cầu của thị trường về dúi sinh sản và thương phẩm, nhiều hội viên nông dân xã Yên Phong đã đầu tư xây dựng chuồng nuôi, bước đầu mang lại nguồn thu nhập khá cho hộ gia đình.
Ông Hoàng Đình Chuyên, thôn Bản Lanh, xã Yên Phong đầu tư nuôi dúi từ tháng 7 năm 2021, hiện tại ông đang đang duy trì nuôi 70 con dúi. Vừa làm vừa học hỏi, ông Chuyên đã cải tạo tầng âm của ngôi nhà để xây dựng chuồng nuôi dúi. Chuồng dúi thiết kế khá đơn giản, không tốn nhiều diện tích, có thể xây hoặc dùng gạch men gắn lại với nhau theo kích thước cao khoảng 60cm, rộng 50cm và dài 50cm, thiết kế thoáng mát; bố trí nơi ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Thức ăn chính của dúi đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là tre, vàu, mía, ngô, thân cây và củ sắn… Theo ông Chuyên, để dúi phát triển tốt, người nuôi cần phải nắm được kỹ thuật nuôi cũng như hiểu rõ tập tính sinh trưởng của loài động vật này, đặc biệt công tác phòng 1 số bệnh như: cúm, sốt, tiêu chảy, rụng răng…
Nhận thấy giá trị kinh tế từ nuôi dúi, ông Lý Văn Bách, thôn Bản Lanh và một số hộ trong thôn, xã đã mạnh dạn đầu tư. Đến nay, sau thời gian gần 3 năm đầu tư nuôi dúi, từ 15 con giống ban đầu đã nhân đàn lên 300 con, trong quá trình nuôi, ông đã chọn lọc và cung cấp dúi giống cho nhiều hộ dân trong và ngoài xã, tính riêng những tháng đầu năm 2022 từ bán dúi giống ông đã thu về trên 60 triệu đồng. Với những kinh nghiệm đã có của mình, ông sẵn sàng chia sẻ cho những người có đam mê nuôi dúi ở trong và ngoài địa phương cùng tham gia phát triển kinh tế để lan tỏa mô hình tạo nguồn thu nhập ổn định, từ đó nâng cao đời sống của hộ dân khu vực nông thôn.
Theo thống kê của Hội nông dân xã Yên Phong, trên địa bàn xã hiện nay có trên 50 hộ thực hiện nuôi dúi sinh sản và thương phẩm, với số lượng từ 10 con đến vài trăm con/hộ. Gía bán dúi thịt hiện nay dao động từ 450 – 500.000đ/kg, dúi giống có giá khoảng 700.000đ/kg. Dúi sinh sản nhanh, một năm khoảng 2 đến 4 lứa, mỗi lứa khoảng 2 đến 5 con, dúi con đẻ ra nuôi khoảng 3 – 4 tháng là có thể bán. Dúi hầu như không cần uống nước, phân khô, ít mùi, thường 2 đến 3 ngày mới dọn chuồng 1 lần, mất ít công chăm sóc. Hiện nay, dúi được xếp vào loại đặc sản nhờ thịt ngon, mát, giàu đạm, đặc biệt dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro. Tiêu biểu 1 số hội viên đã đầu tư nuôi với số lượng từ 100 con trở lên và đem lại hiệu quả kinh tế như: Liêu Đình Hùng, thôn Pác Là; Ma Doãn Tuyên, thôn Pác Toong; Nguyễn Văn Sơn, thôn Bản Lanh; Tá Hữu Biên, thôn Khau Tọoc… Mô hình nuôi dúi ở xã Yên Phong hiện nay chủ yếu là tự phát, các hộ dân tự học hỏi kinh nghiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng, do đó trong quá trình nuôi cũng gặp một số khó khăn về vốn, khoa học kỹ thuật, cách phòng bệnh, đã có trường hợp gặp rủi ro gây thiệt hại về kinh tế. Do đó, việc mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là các biện pháp phòng bệnh đang là nhu cầu của các hộ nuôi dúi ở xã Yên Phong hiện nay.

Dúi giống được các hộ chọn lọc để bán ra thị trường.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Phong cho biết: Trên cơ sở số lượng các hội viên đang thực hiện nuôi dúi, tới đây Hội nông dân xã sẽ tham mưu để thành lập Tổ hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác nuôi dúi, từ đó liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hội viên nông dân.
Với mục tiêu tạo điều kiện cho hội viên nông dân trong huyện có điều kiện tiếp cận nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đầu năm 2022 đã có 10 hộ nuôi dúi sinh sản của xã Yên Phong được vay nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với số tiền 480 triệu đồng. Mới đây, Hội Nông dân huyện tiếp tục tổ chức thẩm định Dự án chăn nuôi Dúi sinh sản trên địa bàn xã Yên Phong, để tạo điều kiện cho 5 hộ hội viên nông dân vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, với tổng số tiền 100 triệu đồng, thời hạn vay 36 tháng.
Nuôi dúi sinh sản, thương phẩm đang là một hướng đầu tư mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương hội, Hội Nông dân huyện cho vay phần nào giúp các hộ có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô chăn nuôi, mở ra hướng mới phát triển kinh tế cho hội viên nông dân xã Yên Phong./.
Tác giả: Thu Thúy

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật