A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Để quả hồng không hạt vươn xa

Những ngày này, người trồng hồng ở Chợ Đồn đang tích cực thu hái những diện tích quả hồng đã chín để bán ra thị trường. Đây là cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, góp phần đem lại thu nhập cho nhiều hộ dân.
Hồng không hạt Chợ Đồn là giống hồng ngâm không hạt, thu hoạch từ tháng 7 đến giữa tháng 9 âm lịch hàng năm, là một loại quả có vỏ màu vàng đỏ khi chín; tai quả to, có vị ngọt dịu đến ngọt đậm sau khi ngâm, quả nhiều cát đường và rất giòn. Từ việc người dân ở một số xã khu Bắc của huyện trồng nhỏ lẻ, manh mún phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày ở thời điểm những năm 2010 thì mấy năm gần đây, đặc biệt là vào năm 2017 sau khi đã được chứng nhận VietGap, loại cây trồng này đã giúp người dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu ngay tại địa phương, Tuy nhiên từ năm 2019, cây hồng không hạt xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, đặc biệt là bệnh thán thư làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây, cây bị khô cành, lá quả bị rụng, chất lượng, sản lượng giảm.
Xác định hồng không hạt là cây trồng chủ lực của huyện, huyện Chợ Đồn đã triển khai nhiều chương trình dự án, chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng này như: hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng, cụ thể năm 2018, huyện trồng mới được 50ha hồng không hạt thì đến nay toàn huyện đã phát triển được khoảng 300ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 150ha, tập trung ở các xã Quảng Bạch, Đồng Lạc, Tân Lập, Nam Cường…. . Huyện Chợ Đồn cũng đã lựa chọn Hợp tác xã Tân Phong ở Bản Lắc, xã Quảng Bạch để xây dựng vườn ươm sản xuất cây giống bằng phương pháp chiết ghép.  Huyện cũng phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo quản quả để nâng cao năng suất, chất lượng quả nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người dân; đồng thời, tạo đầu ra ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá. Điển hình như đã triển khai Dự án “Phát triển sản xuất một số cây trồng hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn”.  Dự án đã tập huấn, chuyển giao công nghệ trồng thâm canh mới, cải tạo, chăm sóc cây hồng không hạt cho khoảng 200 lượt cán bộ, người dân trong vùng.
Sau thời gian tham gia dự án, các hộ đã áp dụng kỹ thuật đốn tỉa, tạo hình, bón phân, thu hoạch quả theo đúng quy trình hướng dẫn, đặc biệt đã nắm được quy trình về phòng trừ sâu bệnh hại cho cây hồng. Trước khi cải tạo năng suất chỉ đạt trên 41 tạ/ha, sau khi cải tạo năm thứ 3 năng suất đạt trên 56 tạ/ha, vượt trên 15 tạ/ha, với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg thì lợi nhuận thu được sau khi cải tạo đạt trên 29 triệu đồng/ha.

 Do được hướng dẫn về cách chăm sóc, xử lý sâu bệnh trên cây hồng nên vụ thu hoạch năm 2022 gia đình ông Nông Sỹ Lập, thôn Nà Áng, xã Đồng Lạc dự kiến đạt năng suất, chất lượng hơn so với năm 2021.
Khi được hỏi về hiệu quả của cây hồng không hạt, ông Nông Sỹ Lập, thôn Nà Áng, xã Đồng Lạc chia sẻ: Gia đình ông có 6.000m2 hồng không hạt đã cho thu hoạch, trong 2 năm (2020, 2021 ) do ảnh hưởng của bệnh thán thư nên sản lượng hồng bị giảm, tuy nhiên được sự quan tâm của các sở, ngành cấp tỉnh, huyện trong việc hướng dẫn chăm sóc, xử lý sâu bệnh nên năm nay quả hồng to đẹp, sản lượng đạt khoảng 3 tấn, cao gấp 3 lần so với vụ 2021.
Bên cạnh đó, để từng bước xử lý các loại bệnh trên cây hồng, từ năm 2021 đến hết năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm sinh học Nông nghiệp Công nghệ cao – Viện Di truyền Nông nghiệp thực hiện “Mô hình thử nghiệm xử lý bệnh trên cây hồng không hạt tại xã Quảng Bạch, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn” với quy mô 1ha (400 cây) thực hiện tại 3 hộ thôn Bản Lác. Sau khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật, xử lý nấm bệnh bằng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ thì tỷ lệ cây nhiễm bệnh thán thư thấp hơn hẳn. Các đợt lộc trong năm cây ít bị rụng lá, hoa và quả non hình thành nhiều. Cây phục hồi tốt từ 70-87%, ra nhiều lộc, nhiều rễ mới, bộ rễ khỏe.

 Quả hồng không hạt của huyện Chợ Đồn vị ngọt dịu đến ngọt đậm sau khi ngâm, quả nhiều cát đường và rất giòn.
 Ông Triệu Văn Ngự, Giám đốc Hợp tác xã Tân Phong cho biết: HTX hiện nay phát triển được khoảng 4 ha, từ khi được các cấp ngành quan tâm hỗ trợ người dân trong việc chăm sóc theo khoa học kỹ thuật, thực hiện các biện pháp xử lý bệnh trên cây hồng, quả hồng cơ bản có chất lượng hơn. Hiện nay HTX đang tập trung thu hoạch quả hồng của các thành viên cũng như của nhân dân trong vùng để bán cho thương lái, giá bán giao hiện nay khoảng 20-30 nghìn đồng/kg quả chưa ngâm. Do ảnh hưởng của bệnh hán thư nên 2 năm qua quả hồng không đảm bản chất lượng nên kế hoạch triển khai dây chuyền chế biến sản phẩm hồng không hạt của HTX phải ngừng hoạt động. Thời gian tới, nếu quả hồng chất lượng đảm bảo, HTX sẽ tiếp tục thực hiện sản xuất chế biến từ loại quả này để bán ra thị trường.
Hiện tại, sản lượng hồng của huyện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Hi vọng thời gian tới, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và người dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, xử lý sâu bệnh, quả hồng không hạt của huyện Chợ Đồn sẽ đảm bảo chất lượng, tăng năng suất, từng bước vươn xa hơn, có mặt nhiều hơn ở các Tỉnh, Thành  trong và ngoài  nước.
Tác giả: Nông Đuổng

 

 


Tin liên quan