A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn tập trung thực hiện phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông xuân năm 2022-2023

Để chủ động đối phó trước những diễn biến bất thường của thời tiết hạn chế thiệt hại do rét đậm, rét hại kéo dài cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2022-2023. Ủy ban nhân dân huyện Chợ Đồn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương tập trung thực hiện phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2022-2023.

người dân xã Bản Thi chú trọng tăng cường thức ăn xanh cho đàn bò
Cụ thể: Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị cùng phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo quyết liệt việc triển khai, tổ chức thực hiện công tác phòng chống rét tại cơ sở; Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong vụ Đông xuân 2022-2023; Tích cực chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư sản xuất, thức ăn, chuồng trại, cây giống, con giống; kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra, đặc biệt là rét đậm, rét hại; Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và đề xuất các biện pháp giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh trong công tác phòng, chống rét cho cây trồng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi, thủy sản, phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất.
Đồng thời đưa ra nội dung chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống rét đối với sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, gồm: Trồng trọt, trong điều kiện thuận lợi tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân khẩn trương làm đất, chuẩn bị đầy đủ vật tư phân bón, giống, thực hiện gieo trồng đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng cây màu vụ Đông; sản xuất các cây trồng theo hợp đồng liên kết sản xuất – tiêu thụ. Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại: Khuyến cáo nông dân không gieo trồng trong những ngày giá rét, nhiệt độ thấp dưới 150C. Cây rau, màu chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối để cây khoẻ mạnh tăng cường khả năng chống rét. Tăng cường áp dụng các biện pháp che chắn, phủ luống để tăng khả năng giữ ẩm, giữ ấm cho cây. Diện tích gieo mạ xuân: Khi gieo cần phải chọn nơi tưới tiêu chủ động, tiện cho chăm sóc và bảo vệ; khi nhiệt độ xuống dưới 150C đảm bảo 100% diện tích mạ phải được che bằng nilon trắng và đủ độ ẩm trong luống mạ sau khi che. Cây giống lâm nghiệp trong vườn ươm, thực hiện các biện pháp che chắn chống rét cho cây khi nhiệt độ xuống dưới 150C, hàng ngày vào sáng sớm và chiều tối tưới nước giữ ẩm cho cây. Cây ăn quả, thực hiện các biện pháp cắt tỉa tạo tán, tăng cường bón phân, tủ gốc giữ ẩm cho cây, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển sớm ngay khi thời tiết ấm.
Đối với Chăn nuôi: Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại cho phù hợp để đảm bảo phòng chống rét. Chuồng nuôi đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp vào chuồng. Trong những ngày giá rét, áp dụng chế độ chăn thả muộn, đưa vật nuôi về chồng sớm. Không chăn thả, không bắt trâu, bò làm việc khi thời tiết rét đậm, rét hại; khi thời tiết rét đậm, rét hại kèm theo mưa và nhiệt độ xuống dưới 12oC, đưa trâu, bò vào nơi nuôi nhốt để kiểm soát và tiến hành chăm sóc tại chuồng nuôi. Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp đối với trâu, bò già, yếu, gia súc non để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh. Vận động người dân thu gom các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò, ngựa trong mùa đông, như: Rơm, rạ; thân, lá cây ngô, ngọn lá mía, dây khoai lang, lá sắn, cây lạc…; hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý, chế biến (Ủ rơm với U rê, ủ chua thức ăn) để dự trữ và nâng cao giá trị dinh dưỡng của thức ăn; tận dụng diện tích đất không sử dụng trồng cây vụ đông, đất hoang, đất trống xung quanh vườn nhà để trồng cỏ, trồng ngô dày làm thức ăn cho trâu, bò. Bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo… (khoảng 0.5-1kg/con/ngày). Đảm bảo nước uống đầy đủ cho gia súc hàng ngày, trong những ngày giá rét cho gia súc uống nước ấm có hoà muối với lượng khoảng 5g/100 kg thể trọng; Đàn lợn: Khẩu phần ăn phải đảm bảo, đầy đủ chất dinh dưỡng; Với gia cầm, tăng cường lượng thức ăn cho gà, cho gia cầm uống nước ấm và bổ sung một số loại vitamin, men tiêu hóa, chất điện giải nâng cao sức đề kháng, những ngày giá rét không thả gia cầm ra vườn, đồi. Thực hiện che chắn để tránh gió lùa trong chuồng. Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng bệnh cho vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh; thực hiện tiêm phòng định kỳ và đầy đủ các loại vắc xin. Đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; hàng ngày cần theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc bệnh dịch.
Đối với thuỷ sản, khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản với những đối tượng thủy sản chưa đủ kích cỡ thu hoạch tiến hành nuôi lưu qua đông cần thực hiện công tác phòng, chống rét. Duy trì mực nước ao nuôi độ sâu trên 1,5 m, chủ động nguồn nước vào, ra trường hợp ao nuôi không đảm bảo độ sâu,  Thả bèo cho 1/2 đến 1/3 diện tích ao về phía Bắc để chắn gió, hoặc dùng tre làm giàn có bạt, nilon, lá cọ,… che phủ để tránh gió lùa, tăng khả năng giữ nhiệt; dưới đáy ao sử dụng các sọt rơm, rạ (đã được tưới vôi và phơi khô) để làm chỗ trú đông cho cá khi trời rét đậm, rét hại.
Bên cạnh việc tăng cường thực hiện các nội dung, biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các cơ quan đơn vị chuyên môn ngành nông nghiệp, các ngành liên quan phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, người dân thực hiện tốt các nội dung phòng chống rét và nắm tình hình, thống kê, tổng hợp kịp thời thiệt hại do rét đậm, rét hại, dịch bệnh của cây trồng, vật nuôi, báo cáo UBND huyện để có biện chỉ đạo. Chủ động đề xuất, thực hiện hỗ trợ để thực hiện hỗ trợ cho các hộ gia đình bị thiệt hại trong sản xuất do rét đậm gây ra.
Vụ Đông Xuân năm 2022-2023, huyện Chợ Đồn có kế hoạch sản xuất hơn 240 ha cây trồng trong vụ đông; hơn 1.770 ha lúa và hơn 700 ha cây rau màu vụ xuân; hơn 9.300 con đại gia súc hơn 26.000 con lợn, hơn 2.700 con dê, hơn 250.000 con gia cầm và 355 diện tích ao nuôi thủy sản đang duy trì nuôi.
Với việc chủ động trong công tác chỉ đạo của UBND huyện, sự hướng dẫn, đôn đốc, tuyên truyền, khuyến cáo cơ quan, đơn vị chuyên môn ngành nông nghiệp huyện cùng các ngành đoàn thể các cấp đồng hành cùng người dân trong việc chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản sẽ giảm thiểu được thấp những thiệt hại và chủ động ứng phó với các tình huống do rét gây ra./.
Tác giả: Hà Thị Thanh Nga, Phòng Nông nghiệp và PTNT

Tin liên quan