A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nét đẹp trong trang phục truyền thống của người Dao đỏ xã Ngọc Phái

Từ xa xưa, trang phục là một trong những yếu tố quan trọng chứa linh hồn và bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Ngoài tiếng nói, trang phục là yếu tố đầu tiên để phân biệt các tộc người với nhau, đó còn là nét đẹp văn hóa, chứa đựng tinh hoa, sáng tạo nghệ thuật của từng dân tộc. Đặc biệt, người dân tộc Dao đỏ ở  Bản Cuôn , xã Ngọc Phái đã lưu giữ và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình, với sự cầu kỳ, tỷ mỉ trong từng đường nét, chi tiết và chất liệu, trang phục của người Dao ở nơi đây đã góp phần làm tôn lên nét độc đáo và phong phú riêng có của mình.
 Việc lưu giữ, duy trì và phát triển trang phục, nét văn hóa truyền thống của người Dao đỏ góp phần quảng bá tới khách du lịch thập phương biết tới những giá trị văn hóa truyền thống.
Bà  Đặng Thị Ngoạt ở thôn Bản Cuôn 1, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn đã có hơn 60 năm dệt, thêu trang phục dân tộc mình. Bà cho biết, để hoàn thành một bộ trang phục phụ nữ Dao đỏ phải mất gần một năm, người làm chậm phải mất hai năm. Chính sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong các công đoạn đã tạo nên bản sắc riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ không lẫn với các dân tộc khác. Bộ trang phục nữ Dao đỏ gồm thường phục và lễ phục. Thường phục gồm khăn đội đầu, áo, yếm, dây lưng. Lễ phục gồm khăn, áo dài, dây lưng, quần, váy thêu được cắt, khâu, thêu thùa công phu. Khăn đội đầu cô dâu trong ngày cưới gọi là “Trùm Phả” làm bằng vải tự dệt, nhuộm chàm, trên nền thêu nhiều loại hoa văn. Trang trí trên áo dài và hai bên tà đính dây hạt cườm có đeo tua chỉ mầu đỏ, vàng ở đầu. Đầu tay áo có dải hoa văn thêu sẵn hoặc bằng vải xanh. Dây lưng làm bằng vải chàm, ở hai đầu thêu nhiều hoa văn hình cây cỏ, dấu chân hổ, chung quanh là hình dấu chân mèo mầu xanh, cây hoa, ngôi sao, cây thông, trẻ em. Quần được trang trí chủ yếu nằm ở hai ống với các băng hoa văn nằm ngang từ gấu trở lên ống quần. Váy thêu là một dải vải mầu đỏ, ở giữa có hai hàng hoa văn bằng vải ghép hình răng cưa mầu trắng, dưới đính một hàng tua rua mầu đỏ, xanh, vàng. Yếm được thêu trang trí bằng chỉ mầu sáng, đỏ, vàng, xanh, đính bạc. Quanh cổ yếm, dọc trước ngực yếm trang trí các bông hoa bạc, miếng bạc hình chữ nhật nối tiếp nhau được chế tác thủ công. “Tự hào với nét đặc sắc trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ, coi đây là báu vật tổ tiên để lại nên chúng tôi đã nỗ lực để gìn giữ, truyền lại cho con cháu đời sau”, bà Ngoạt tự hào nói.
Còn với chị Triệu Thị Lý cũng ở thôn Bản Cuôn 1 cho biết: “Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã được mẹ truyền dạy những kỹ thuật thêu dệt váy áo thổ cẩm truyền thống, thấm thoắt vậy mà đã gần 30 năm. Chị Lý cho biết, ở Bản Cuôn hiện có trên 70% phụ nữ biết dệt váy áo truyền thống. Trong trang phục truyền thống của người Dao đỏ, dệt hoa văn trên thổ cẩm là công đoạn phức tạp và mất nhiều thời gian nhất bởi mỗi loại hoa văn lại thể hiện một ý nghĩa riêng. Với người Dao đỏ, màu chủ đạo trên váy áo là màu đỏ, theo quan niệm đây là màu may mắn, mang lại năng lượng tích cực cho bản thân và cộng đồng. Họa tiết, hoa văn thêu trên váy áo thường là chữ Vạn, hình hoa lá, hình quả trám hoặc cây cối, chim muông… với ý nghĩa hòa hợp với thiên nhiên. Đặc biệt, chiếc khăn đội đầu của phụ nữ Dao đỏ được thêu nhiều họa tiết tinh tế: Hình cách đoạn, cây vạn hoa, hình vết chân hổ… Khi đội lên đầu, hoa văn sẽ được khoe ra, tạo vẻ hấp dẫn riêng có của hoa văn trên trang phục”.
Đồng chí Ma Thị Na – Phó Bí thư thường trực huyện uỷ – Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện thăm mô hình hoạt động của Tổ hợp tác đan thêu Bản Cuôn xã Ngọc Phái.
 Đồng chí Ma Thị Na – Phó Bí thư thường trực huyện uỷ – Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện cho biết: “ Năm 2020, huyện Chợ Đồn đã thực hiện việc khảo sát, đánh giá và có phương án hỗ trợ kinh phí đối với một số mô hình bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể. Huyện sẽ lựa chọn một số loại hình văn hóa tiêu biểu tại những địa phương có lợi thế phát triển du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử để duy trì hoạt động và những dịp lễ, tết hằng năm, tiến tới tổ chức thành mô hình du lịch cộng đồng phục vụ khách thăm quan, trải nghiệm. Đối với loại hình nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục dân tộc Dao đỏ, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp hỗ trợ trong việc thành lập Tổ hợp tác đan, thêu Bản Cuôn xã Ngọc Phái nhằm bảo tồn, phục dựng và duy trì nguyên bản nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục dân tộc, truyền dạy cho thế hệ trẻ để bảo đảm kỹ thuật thêu, trang trí không bị mai một. Tới đây sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí để người dân mua sắm nguyên liệu, vật phẩm phục vụ trang trí và mua sản phẩm cho người dân mang đi trưng bày, giới thiệu để hướng tới có thể trở thành một sản phẩm văn hóa  du lịch mang lại giá trị kinh tế cho người dân.”
Trải qua cùng chặng đường lịch sử và thời gian, trang phục truyền thống của các dân tộc luôn có một sức sống vô cùng mãnh liệt, trở thành biểu tượng văn hóa cũng như biểu tượng cho nét đẹp bình dị, đặc trưng riêng có của mỗi dân tộc. Bằng sự khéo léo của đôi bàn tay, người phụ nữ dân tộc Dao đỏ ở xã Ngọc Phái đã dệt nên những bộ trang phục cầu kỳ với từng đường kim, mũi chỉ, hoa văn, họa tiết đẹp mắt. Cái hồn trong trang phục truyền thống cũng như nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Dao đỏ đã, đang và mãi là sản phẩm tinh thần được bà con gìn giữ, bảo tồn. Năm 2018, đồng bào Dao đỏ ở xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn đã vinh dự được đón nhận Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia về “Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là niềm vinh dự của đồng bào dân tộc Dao nói riêng và cộng đồng người Dao ở Bắc Kạn và huyện Chợ Đồn. Đặc biệt, là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển du lịch như huyện Chợ Đồn thì việc lưu giữ, duy trì nét văn hóa truyền thống của người Dao đỏ càng có ý nghĩa quan trọng, góp phần quảng bá tới khách du lịch thập phương biết tới những giá trị văn hóa hóa truyền thống của người dân tộc Dao nơi đây.
Tác giả: Hương Liễu

 

 

 

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật