A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi thay trên quê hương cách mạng Chợ Đồn

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Chợ Đồn đã ra sức thi đua, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, phấn đấu xây dựng địa phương ngày một phát triển bền vững.

 

 

              Thị trấn Bằng Lũng – Trung tâm huyện lỵ của huyện ngày càng phát triển.

 

Quyết liệt trong đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo
Ở giai đoạn sau khi tái lập tỉnh Bắc Kạn ( năm 1997), huyện Chợ Đồn có rất nhiều khó khăn, điển hình như: Thu ngân sách năm 1998 chỉ đạt hơn 2,7 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt trên 15.000 tấn; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 50%. Hoạt động dịch vụ thương mại chưa phát triển, cả huyện mới có hơn 250 hộ đăng ký kinh doanh. Đến năm 2000 mới có 8 xã có điện lưới quốc gia,..Khó khăn là vậy nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, huy động nguồn lực đầu tư, thực hiện nhiều quyết sách đúng, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của huyện. Huyện cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các loại cây mũi nhọn như: cây chè, cây ăn quả, đưa tiến bộ kỹ thuật và sản xuất, thay thế dần các giống kém năng suất bằng các giống lúa, ngô lai cho năng suất cao. Bên cạnh đó, tập trung trồng rừng,
Ông Triệu Đình Nhất, thôn Nà Bay, xã Bằng Phúc kể về quãng thời gian từ năm 1990 đến 2005: “ Thời kỳ đó, xã Bằng Phúc rất khó khăn về đường giao thông, kinh tế – xã hội còn chậm phát triển, đời sống của người còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên với lợi thế là địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển về trồng rừng, cây chè nên ông đã tích cực nêu gương sáng trong việc thực hiện các mô hình kinh tế, khi người dân trong thôn thấy gia đình ông thực hiện có hiệu quả nên bắt đầu thực hiện theo. Từ năm 2012-205 toàn thôn Nà Bay có 08 hộ trồng rừng, sau khai thác thu về trên 4 tỷ đồng. Đối với trồng và chăm sóc cây chè hiện nay thôn có khoảng 80% số hộ dân toàn xã trồng, nâng số hộ có thu nhập khá khoảng 37 hộ”.
Còn tại vùng đất xã Xuân Lạc, những năm gần đây được Đảng và Nhà nước hỗ xây dựng hạ tầng, nhất là thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chủ trương đưa các loại cây, con giống mới vào sản xuất đã góp phần nâng cao đời sống của người dân. Ông Ma Duy Phi Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lạc phấn khởi cho biết: Trước đây nhắc đến xã Xuân Lạc chỉ hình dung về một xã vùng cao đường xá đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều tập quán lạc hậu thì nay câu chuyện đó đã thành dĩ vãng, Xuân Lạc ngày nay đã có nhiều đổi mới, rất nhiều tuyến đường nông thôn mới khang trang, đẹp đẽ đến tận các thôn có đồng bào Mông sinh sống như: Pù Lùng, Tà Han, Cốc Slông,… Kinh tế – xã hội phát triển tỷ lệ trẻ đến tuổi đi học được đến trường tăng so với trước đây, bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy,…
Ông Hứa Ngọc Hân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bằng Lũng cũng chia sẻ: Thị trấn Bằng Lũng là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng, đầu mối giao lưu và trao đổi hàng hóa với các xã trong huyện, cùng với sự phát triển của huyện, hiện nay kinh tế – xã hội của địa phương đã có những phát triển vượt bậc, từ những quyết sách đúng đắn, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đến nay địa phương có hơn 450 cơ sở kinh doanh với trên 600 lao động tham gia, có khoảng 25 công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, với trên 400 hộ dân có thu nhập bình quân từ 50 -70 triệu đồng/tháng; nhiều cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nhiều tuyến đường đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang, các khu dân cư được đầu tư theo quy hoạch tạo nên một thị trấn ngày càng văn minh, sạch đẹp.
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, xã Xuân Lạc tích cực xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.

 

Những thành tựu quan trọng đổi mới sau 25 năm
Đến nay trải qua 25 năm xây dựng, giờ đây Chợ Đồn đã thay đổi rõ nét, kinh tế phát triển đúng hướng với nông – lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại – dịch vụ là chủ đạo. Năm 2020, bình quân thu nhập đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, tổng thu ngân sách toàn huyện đến ngày 06/12 đạt 115.122 triệu/ 112.800 triệu đồng, đạt 104 % kế hoạch năm 2021, tăng gấp 50 lần so với năm 1998. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 29.000 tấn, huyện cũng tập trung trồng rừng, đến giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 toàn huyện đã trồng rừng được trên 5.000ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng của toàn huyện lên  80,5%. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khá toàn diện, mạng lưới giao thông liên huyện, liên xã cơ bản được nhựa hóa, cứng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương phát triển, thu hút đầu tư.
Trên địa bàn huyện có khoảng 100 doanh nghiệp, HTX đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; giai đoạn từ năm 2017-2021 huyện tập trung trồng các loại cây như: Chè Shan tuyết, cải tạo và trồng mới cây hồng không hạt, tập trung thực hiện chương trình “ Mỗi xã, phường một sản phẩm. Năm 2021 huyện có 08 sản phẩm OCOP mới, nâng tổng số sản phẩm hiện có của huyện lên 28 sản phẩm. Từ sự năng động trong phát triển kinh tế đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại huyện, hết năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của huyện sơ bộ còn 14,5% (tính theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 – 2020). Song song với đó, hệ thống trường, lớp cơ bản được xây dựng kiên cố, khang trang, lĩnh vực văn hóa – xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền tiếp tục được coi trọng, bộ máy chính quyền các cấp từng bước tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, quốc phòng – an ninh được củng cố, giữ vững.
Tiết mục văn nghệ của CLB Đàn và hát dân ca ATK Chợ Đồn tại Lễ công bố Biểu trưng ATK – một hoạt động góp phần nhận diện thương hiệu văn hóa, du lịch cho vùng đất ATK.

 

Đồng chí Ma Thị Na- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: Nhìn lại 25 năm xây dựng, phát triển với sự đoàn kết, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự đồng lòng của Nhân dân, huyện Chợ Đồn đã có bước tiến quan trọng, từng bước thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 Đảng bộ huyện Chợ Đồn tiếp tục đề ra 04 chương trình trọng tâm đó là: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi môi trường đầu tư, minh bạch, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy tối đa lợi thế của địa phương. Tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử, khôi phục một số lễ hội truyền thống của địa phương.
Với truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động, học tập, tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Chợ Đồn sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, xây dựng và phát triển huyện Chợ Đồn ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng.
Tác giả: Nông Đuổng

 

 


Tin liên quan