A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về Chuyển đổi số

Huyện Chợ Đồn đã và đang tăng cường tuyên truyền về Chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp; nâng cao văn hóa khai thác và ý thức sử dụng công nghệ thông tin nhằm hướng tới các ứng dụng lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, góp phần hình thành xã hội thông tin, gắn kết với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho người sử dụng.
Tăng cường tuyên truyền về Chuyển đổi số
Huyện đã tập trung tuyên truyền về các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, địa phương về chuyển đổi số, an toàn thông tin, các cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; các giải pháp phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số như: Y tế, Giáo dục, Nông nghiệp, Kế hoạch, Tài chính, Ngân hàng,… Phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân bao gồm kỹ năng truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân để người dân có ý thức chấp hành pháp luật, an tâm sử dụng mạng internet, mạng xã hội, thực hiện các thủ tục hành chính hay giao dịch điện tử trên không gian mạng, tham gia chính quyền điện tử, góp phần xây dựng  không  gian mạng an toàn, tích cực, hiệu quả.
Tuyên truyền về những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức; các dịch vụ công chất lượng, kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi, thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.

 Công chức xã Đồng Thắng trao đổi công việc trên môi trường mạng.
Đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch Chuyển đổi số, huyện đã và đang tiếp tục  đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện nền tảng cơ bản Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay tổng số máy tính trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức đạt 100%. Tại cấp xã có 412 máy tính/395 cán bộ, công chức, cơ bản các xã đạt tỷ lệ 01 người/ máy tính; 100% các cơ quan Nhà nước đều sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng; 100% các cơ quan, phòng ban, UBND các xã, thị trấn, các trường học đã triển khai và sử dụng hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; Tỷ lệ văn bản trao đổi dưới dạng điện tử được ký số theo quy định đạt khoảng 90%; cấp xã đạt khoảng 60%. Mọi hồ sơ yêu cầu giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả cập nhật và quản lý trên phần mềm Một cửa điện tử. Số liệu tổng hợp đến 26/10/2021, hệ thống một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông của huyện đã tiếp nhận 12.356 hồ sơ, trong đó 12.186 hồ sơ đã được giải quyết và trả kết quả. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tại cấp huyện đạt 66,5% (197/269 TTHC); tại cấp xã đạt 45% (46/102 TTHC). Ngoài ra, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND huyện và các xã, thị trấn cũng đã được đầu tư, nâng cấp như: máy tính, máy photo, máy scan phục vụ nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết các TTHC, một số điểm đã có Hệ thống tra cứu điện tử, Hệ thống lấy số tự động. Từ cấp huyện đến xã duy trì hiệu quả hệ thống các hội nghị trực tuyến từ Trung ương, tỉnh đến huyện, xã.
Về phát triển kinh tế số, xã hội số, đa số doanh nghiệp đã biết ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tình hình hoạt động mạng lưới Bưu chính, viễn thông ổn định. Phổ cập dịch vụ mạng di động 3G/4G và điện thoại di động thông minh ở hầu hết các thôn, bản. Trong điều kiện dịch Covid -19 diễn biến ngày càng phức tạp, huyện đã tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ như: trong công tác dạy và học; quản lý Sổ sức khỏe điện tử, quyét mã QR trên phần mềm CP- Covid -19; triển khai ứng dụng Zalo để thực hiện thông tin liên lạc kịp thời và hiệu quả  công việc,…
Giải pháp thực hiện Chuyển đổi số trong thời gian tới
Xác định thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay, thực hiện các kế hoạch của tỉnh, UBND huyện Chợ Đồn sẽ tập trung triển khai chuyển đổi số trên 03 lĩnh vực về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng Internet, sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành; hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống một cửa điện tử; phần mềm quản lý tài sản, phần mềm tài chính – kế toán; hệ thống truyền thanh thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương trên môi trường mạng. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi số, đặc biệt là trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Năm 2021 huyện đã ban hành kế hoạch số 153/KH – UBND ngày 29/10/2021 UBND huyện về phát triển Chính quyền số và bảo đảm An toàn thông tin mạng trên địa bàn huyện Chợ Đồn năm 2022 và kế hoạch số 162/KH – UBND ngày 19/11/2021 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu phấn đấu 100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các cơ quan hành chính Nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên Hệ thống thông tin báo cáo phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành; 80% cuộc họp của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể (trừ các cuộc họp mật) được tổ chức trực tuyến; 100% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử; Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ 100% đơn vị hành chính cấp xã, trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; 100% TTHC có đủ điều kiện, được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ giải quyết đạt từ 50% trở lên.
Là địa phương giàu tiềm năng về khoáng sản, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi, các sản phẩm OCOP, dịch vụ và du lịch,..tuy nhiên về mặt bằng chung huyện vẫn phát triển chậm. Do đó, huyện xác định tập trung thực hiện “chuyển đổi số” sẽ mở ra cơ hội để huyện có điều kiện vươn lên, phát triển nhanh và bền vững hơn.
Tác giả: Nông Đuổng

Tin liên quan