A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

Những năm qua, từ các nguồn vốn của Trung ương, của Tỉnh và huyện nhiều công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đã được đầu tư và đưa vào sử dụng phục vụ Nhân dân. Các công trình này đã góp phần không nhỏ vào việc cung cấp nguồn nước đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn.

 Sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người dân khu vực nông thôn.
Xã Yên Phong có tổng số 10 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó có 5 công trình mới đầu tư đưa vào sử dụng năm 2021, số công trình này đã góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước của xã lên 91,9%. Để hoạt động hiệu quả, mỗi công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Yên Phong giao cho 1 đến 2 người thực hiện quản lý, vận hành, điều tiết nước về các hộ gia đình và thu tiền sử dụng nước; hiện nay địa phương đang thực hiện thu 1.500đ/1m3 nước. Số kinh phí này, được Tổ quản lý nước của thôn sử dụng vào mục đích duy tu, bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân, năm 2022 UBND xã Yên Phong đã rà soát, xây dựng kế hoạch nâng cấp, sửa chữa 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, hiện nay địa phương đã trình Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh và UBND tỉnh đã cho chủ trương đầu tư.
Là một trong những hộ dân đang trực tiếp sử dụng nước sinh hoạt tập trung, ông Lường Thanh Kiếm, thôn Bản Noỏng cho biết: trước đây gia đình thường sử dụng nước giếng tự đào, nước suối hoặc dẫn từ trong khe về dùng nên chất lượng nước không đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm 2021, được hưởng lợi từ công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn, ông thấy rất hợp lý, nước cung cấp thường xuyên, thuận lợi cho gia đình trong sử dụng sinh hoạt hằng ngày.
Theo ông Nông Quốc Huấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng, toàn xã hiện có 12 công trình nước sinh hoạt tập trung, trong đó, có 4 công trình được đầu tư năm 2020, các công trình này đều được lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước đến từng hộ dân và lắp đặt đồng hồ đo nước. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận hành, quản lý công trình nước sạch, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Sau khi bàn giao công trình đưa vào sử dụng, địa phương đã thành lập 1 tổ quản lý chung để kịp thời kiểm tra, sửa chữa và thực hiện thu phí với các hộ dân, mức thu là 1.000đ/1m3 nước. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 8 công trình khác đã được đầu tư xây dựng từ năm 2013, các công trình này thực hiện quản lý theo cấp thôn, qua thời gian sử dụng đến nay đã xuống cấp, nhiều hạng mục đã bị hỏng, không cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân. Do đó, để phát huy hiệu quả các công trình nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo phục vụ nước cho người dân sử dụng, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn thực hiện kiểm tra, rà soát, đánh giá các công trình đã được đầu tư lâu và hiện nay đang bị hư hỏng, từ đó phối hợp với các thôn đưa ra phương án quản lý có hiệu quả hơn.
Thống kê trên địa bàn huyện hiện có trên 170 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Nhờ được đầu tư, đến nay, huyện đã đạt được những tiến bộ rõ rệt về cấp nước sinh hoạt nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên trên 90%. Thời gian qua, các công trình nước sinh hoạt không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân vùng sâu vùng xa mà còn tăng thêm trách nhiệm, phát huy sự đoàn kết của cộng đồng dân cư trong quá trình cùng tham gia giám sát, xây dựng, quản lý và sử dụng công trình. Chính từ những công trình cấp nước sinh hoạt này, đời sống của các hộ dân đã từng bước được cải thiện và bảo đảm hơn, góp phần vào việc cải thiện đời sống kinh tế – xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại 1 số xã vẫn còn nhiều công trình không thu tiền nước, hoặc thu nhưng giá thấp, các khoản thu này được sử dụng chủ yếu cho sửa chữa thường xuyên, trợ cấp cho Tổ quản lý… nhưng thu không đủ chi; nhiều công trình hư hỏng không có nguồn kinh phí để sửa chữa. Đa số công trình nước sinh hoạt tập trung nằm tại vùng sâu, vùng xa, một số công trình hiệu quả sử dụng chưa cao, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước so với thiết kế trước khi xây dựng đạt thấp.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình nước sạch, huyện Chợ Đồn xác định tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tham gia quản lý, sử dụng, bảo quản các công trình nước sinh hoạt tập trung. Tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn, các công trình còn đảm bảo nguồn nước, có thể khắc phục, sửa chữa được thì duy tu, sửa chữa phục vụ Nhân dân, giảm tình trạng lãng phí ngân sách Nhà nước. Chỉ đạo các xã, thị trấn và đơn vị được giao quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn thành lập Tổ quản lý công trình; nâng cao năng lực cho Tổ quản lý, vận hành công trình; lập phương án quản lý, vận hành khai thác và bảo trì, bảo dưỡng công trình. Chú trọng bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng, khoanh nuôi rừng. Tuyên truyền Nhân dân không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục được sử dụng để bảo vệ nguồn nước và chất lượng nguồn nước…/.
Tác giả: Thu Thúy

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật