A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình Ngân hàng bò mang lại hiệu quả cho phụ nữ nghèo Chợ Đồn

Mô hình “Ngân hàng bò” được Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn triển khai nhằm giúp các hộ nghèo do hội viên phụ nữ đứng chủ có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo trên toàn tỉnh Bắc Kan. Tại huyện Chợ Đồn mô hình này đang phát huy hiệu quả tốt, cần được đầu tư nhân rộng trong thời gian tới.
 Mô hình “Ngân hàng bò” đã và đang phát huy được hiệu quả, giúp nhiều hội viên phụ nữ có cơ hội thoát nghèo.

Năm 2014, Thông qua Hội LHPN huyện Chợ Đồn, hội viên phụ nữ nghèo các xã Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Bằng Lãng và thị trấn Bằng Lũng đã được tiếp nhận nhận 17 con bò cái sinh sản, từ dự án mô hình Ngân hàng bò của tỉnh Bắc Kan, đối tượng hưởng lợi là những hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ đứng chủ, chương trình hỗ trợ ban đầu cho mỗi hộ 01 triệu đồng để làm chuồng bò, 250.000 đồng tiền phối giống.

Điểm khác biệt so với các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo khác, mô hình “Ngân hàng bò” giúp cho mỗi hộ nghèo một con bò sinh sản, các hộ tham gia mô hình, khi bò giống sinh sản lứa thứ nhất, phải nuôi dưỡng bê con đủ 12 tháng tuổi nếu là bê cái sẽ thực hiện luân chuyển bê cho gia đình khác (nếu sinh bê đực thì hộ gia đình sẽ có trách nhiệm chuyển bê con cho Ban quản lý xã để phối hợp với Hội LHPN, thống nhất giá bán và nộp tiền vào quỹ, để tiếp tục mua bò giống cho hộ gia đình khác, sau lứa sinh đầu tiên, con bò giống sinh sản sẽ thuộc quyền sở hữu của gia đình đó. Nhờ vậy, đã khuyến khích người dân chăm chỉ lao động, chăm sóc vật nuôi để được hưởng lợi .

Đến nay, sau hơn 8 năm thực hiện mô hình đã sinh sản được 21 con bò, trong đó trong đó có 12 con bò mẹ, 3 con bê đực, 6 con bê cái. Số bò đã luân chuyển 18 lần theo quy chế, nhờ đó 12 hộ hội viên phụ nữ đã thoát nghèo. Mô hình “Ngân hàng bò” đã và đang phát huy được hiệu quả. Với hình thức này, không chỉ có những hộ phụ nữ nghèo tham gia mô hình được hưởng lợi, mà sau này còn nhiều hội viên phụ nữ nghèo khác cũng sẽ được nhận bò giống thông qua hình thức luân chuyển.

Việc triển khai dự án “Ngân hàng bò” đã có ý nghĩa thiết thực trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ sinh kế, góp phần giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình và xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững. Để dự án duy trì bền vững, các hộ chăn nuôi cần chú ý hơn về khâu chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, chủ động kiểm tra, theo dõi con giống, có như vậy mô hình mới tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp thêm nhiều hội viên phụ nữ có cơ hội thoát nghèo./.

                                                      Tác giả: Đức Trọng


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật