A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình nuôi trồng nấm sò tại xã Ngọc Phái

Để góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả, huyện Chợ Đồn khuyến khích các địa phương chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao, nhiều cá nhân đã mạnh dạn áp dụng và triển khai các mô hình kinh tế có triển vọng, có bước phát triển rõ rệt cả về quy mô lẫn chất lượng. Mô hình nuôi trồng nấm sò tại xã Ngọc Phái cũng đang là một mô hình kinh tế vừa khai thác tốt tiềm năng lợi thế vừa tạo việc làm và nâng cao nguồn thu nhập cho người dân.

 Để đạt hiệu qua kinh tế, chị Hằng phải thường xuyên chăm sóc nấm sò theo quy đình.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng nấm sò của chị Nông Thị Hằng tại thôn Phiêng Liềng, xã Ngọc Phái vào dịp nấm đang bắt đầu cho thu hoạch. Bắt đầu thực hiện mô hình này vào tháng 8/2021 với 01 vạn bịch nấm, chị Hằng cho biết: quy trình kỹ thuật trồng nấm sò không quá khó, chủ yếu đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ, cẩn thận thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, nguyên liệu đến chăm sóc và thu hoạch, nhất là phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra quá trình phát triển của nấm để có biện pháp can thiệp kỹ thuật kịp thời giúp nấm phát triển tốt hơn.
Theo kinh nghiệm trồng nấm của chị Hằng nhận thấy giai đoạn đầu rất vất vả và quan trọng nhất là khâu cấy giống và theo dõi phôi. Khi bịch nấm được cấy chuyển vào nơi ươm, nhà ươm cần thoáng mát, sạch sẽ được che chắn cẩn thận và không cần nhiều ánh sáng để nấm tạp không xâm nhập vào. Sau 20 – 25 ngày bịch nấm phát triển tốt, nấm lan trắn cả bịch thì có thể rạch bịch, có thể dùng dao sắc, nhọn rạch 4 – 6 đường xung quanh; khoảng cách các đường rạch đều nhau, chiều dài vết rạch 3 – 4 cm theo chiều dọc bịch nấm.
Chị Nông Thị Hằng, xã Ngọc Phái chia sẻ: Bản thân chị đã trải qua nhiều việc làm, trong quá trình làm việc, chị đã đi tới nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình nông nghiệp tiêu biểu và bắt đầu có đam mê với cây nấm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của việc trồng nấm cao gấp nhiều lần so với trồng lúa thông thường trong khi nguồn nguyên liệu tại địa phương khá dồi dào, chị Hằng đã quyết định xây dựng mô hình trồng nấm tại gia đình. Sau khi trồng thử nghiệm thành công, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng lều lán và bắt đầu trồng nấm. Đồng thời cũng mạnh dạn đầu tư mua sắm thêm máy móc hiện đại khác, với mong muốn xây dựng một quy trình khép kín trong sản xuất nấm, để tạo ra những sản phẩm nấm sạch, an toàn. Nhờ tận dụng được nguồn nguyên liệu sản xuất bịch phôi nấm có sẵn tại địa phương như mùn cưa, cám ngô… nên cũng đã giảm thiểu được rất nhiều chi phí”…
Giai đoạn cuối cùng là chăm sóc và thu hái nấm,các bịch nấm phải treo cách nhau 10 – 15 cm để khi nấm ra không bị chạm vào nhau và dễ thu hái. Giữa các hàng tạo lối đi rộng 40 cm để đi lại, chăm sóc. Khi nấm bắt đầu mọc, tiến hành tưới nước theo nguyên tắc tưới nước dạng sương mù, thời gian tưới kéo dài trong một lần tưới đảm bảo bề mặt mũ nấm thường xuyên có lớp nước đọng ở trên. Đặc biệt, phải luôn giữ nhiệt độ thích hợp để nấm sinh trưởng và phát triển tốt (từ 18 – 250C); khi nấm được thu hoạch, hái 1 – 2 lần/ngày (sáng sớm, chiều tối), hái đúng độ tuổi sẽ đạt năng suất, chất lượng cao nhất.
Nấm sò được xem là một loại thực phẩm rau sạch, giàu dinh dưỡng, chất khoáng, protein, vitamin và là nguồn dược liệu quý. Nguyên liệu để sản xuất nấm có trong các phế phẩm như mạt cưa, mía đường, rơm rạ, gỗ mục… Đây là những nguyên liệu rẻ và có sẵn. Thời gian trồng nấm Sò khoảng 8 tháng. Nấm sò có chu kỳ sinh trưởng ngắn ngày, vòng quay vốn nhanh do đó hạn chế được tối đa rủi ro. Mặt khác, nấm là thực phẩm có giá trị kinh tế cao trong khi công nghệ trồng và sơ chế nấm không phức tạp, phù hợp với trình độ lao động ở nông thôn…Nấm sò mọc tập trung thành cụm nên khi nấm đủ lớn cần hái sạch cả cụm, không để sót phần gốc, hái nấm đúng độ tuổi sẽ đạt năng suất, chất lượng cao.Thời gian thu hái nấm từ 40 – 50 ngày kể từ ngày hái đầu tiên và thu hái nấm vào buổi sáng, nếu bảo quản lạnh 100C- 150C trong thùng nước đá có thể duy trì được 3 ngày. Ngoài ra có thể chế biến sản phẩm, phơi khô nấm thời gian bảo quản được vài tháng. Khi bịch phôi nấm đã hết dinh dưỡng trở thành một màu đen, chị tiến hành thu gom các bịch nấm , đập bịch dùng vôi bột rắc từng lớp và ủ đống lại để làm phân bón cho cây trồng.  Lúc nào gia đình chị cũng có từ 03 – 4 công nhân lao động vệ sinh và phụ giúp chăm sóc, hái nấm hàng ngày. Vào lúc cao điểm để sản xuất phôi nấm, chị thuê khoảng 15 công nhân hộ băm rơm, xử lý rơm, trộn rơm vôi…và trả tiền theo thời gian làm việc tại xưởng. Mỗi ngày, chị thu hái bình quân từ 20 – 30 kg nấm; thời điểm nấm ra nhiều cho sản lượng lên đến 50 kg/ngày và thời gian cho thu hoạch liên tục khoảng 3 tháng. Hiện, giá bán nấm dao động từ 40 – 50 nghìn đồng/kg, Nấm sò sau khi thu hái xong đem giao cho các điểm buôn bán lẻ tại các xã Yên Thịnh, Yên Thượng, Xuân Lạc ,thị trấn Bằng Lũng và Hà Nội. Nấm của gia đình  làm ra đến đâu bán hết đến đó vì chị không sử dụng chất kích thích hay thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm an toàn đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.
Hiện nay gia đình chị có 1 vạn bịch nấm đang cho thu hoạch. Theo kế hoạch trong thời gian tới, gia đình chị Hằng sẽ sản xuất cho đủ khoảng 05 vạn bịch nấm mới để có thể cung cấp đủ nấm ra thị trường. Nhận thấy trồng nấm sò đem lại hiệu quả, cho năng suất cao, giá cả ổn định, được người tiêu dùng ưa chuộng, thời gian tới, cùng với những kinh nghiệm tích lũy được, chị tiếp tục học tập tìm hiểu quy trình kỹ thuật sử dụng vi sinh trong sản xuất nấm sò để duy trì và phát triển bền vững cho ra thị trường sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình./.
Tác giả: Hoàng Lan

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật