A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn đẩy mạnh công tác tuyên truyền quản lý, bảo vệ rừng

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Chợ Đồn tỷ lệ các vụ vi phạm phát, phá rừng có chiều hướng gia tăng và vi phạm quy định đóng cửa rừng của Chính phủ. Trước thực trạng đó, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. 

Lực lượng Kiểm lâm phối hợp tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng tại xã Đại Sảo.
Trong các giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thì công tác tuyên truyền được huyện chú trọng thực hiện. Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể là Kế hoạch số 97-KH/UBND, ngày 29/4/2022 về tuyên truyền, phổ biến và thực hiện kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về chuyển mục đích sử dụng rừng, phát phá rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện năm 2022.
Để nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của rừng, góp phần giảm thiểu tình trạng phát, phá rừng, khai thác rừng trái phép, huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan và UBND 20 xã, thị trấn tập trung tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng; công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt là tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Lâm nghiệp, các văn bản mới về quản lý, bảo vệ rừng, các hành vi bị cấm và mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm chỉ đạo Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không đúng quy định của pháp luật, phá rừng trái pháp luật trên địa bàn được phân công phụ trách. Hạt Kiểm lâm chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất hoặc kiểm tra thường xuyên đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phá rừng trái pháp luật, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không đúng quy định của pháp luật. UBND các xã, thị trấn tổ chức các lực lượng chức năng kiểm lâm địa bàn, công an xã, quân sự thường xuyên tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về phá rừng trái pháp luật, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác không đúng quy định của pháp luật trên địa bàn.
Thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp tổ chức các cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng với hàng nghìn lượt người dân các thôn, bản, cộng đồng dân cư sống tại vùng đệm, vùng lõi các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Mặc dù vậy, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng. Thống kê, năm 2021 lực lực chức năng đã kiểm tra phát hiện và lập biên bản 117 vụ vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp, trong đó, phát phá rừng trái phép 68 vụ, tổng diện tích thiệt hại trên 28,9ha, có 15 vụ vượt mức xử phạt vi phạm hành chính. Trong 5 tháng đầu năm 2022, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chuyên môn đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 71 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; Tang vật tịch thu 27,113 m3 gỗ các loại; Diện tích rừng tự nhiên suy giảm do phá rừng trái pháp luật 15,922 ha.
Nguyên nhân được đánh giá là người dân sống gần rừng còn nhiều khó khăn, lợi nhuận thu nhập cao từ gỗ rừng trồng, các chính sách an sinh xã hội, phát triển sinh kế bền vững cho người dân sống gần, trong các khu rừng tự nhiên chưa đáp ứng, nguồn ngân sách hỗ trợ công tác bảo vệ rừng chưa kịp thời và còn thấp. Chính quyền ở một số xã chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, quyết liệt trách nhiệm quản lý nhà nước về Lâm nghiệp được quy định tại điều 102 Luật Lâm nghiệp; thiếu sát sao trong chỉ đạo các thôn, bản, lực lượng Kiểm lâm, Công an thực hiện bám sát địa bàn, tuyên truyền, phát hiện, xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật khi mới phát sinh. Trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước đang đóng cửa rừng tự nhiên, người dân được giao đất có rừng tự nhiên nhưng chỉ được khai thác, sử dụng lâm sản ngoài gỗ, vì vậy thu nhập của người dân sống gần rừng thấp, khó khăn trong cuộc sống. Nhu cầu của người dân lấy đất để trồng rừng là rất lớn gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phá rừng trái pháp luật với mức phạt tiền cao, tuy nhiên phần lớn không thu được tiền phạt nên hiệu lực, tính răn đe chưa cao…
Để công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới đạt hiệu quả, ngoài chủ động tuần tra ngăn chặn các hành vi phát, phá rừng trái phép; giám sát chặt chẽ việc sử dụng rừng thì cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện công tác lâm nghiệp gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền sát với thực tiễn cuộc sống, kịp thời đối với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Áp dụng hình thức tuyên truyền phù hợp với trình độ của đồng bào các dân tộc nhằm khuyến khích, thu hút được đông đảo người dân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 13-CT/TU ngày 15/5/2017 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 của Ban Thưuòng vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường phòng, ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh và các văn bản, Chỉ thị của cấp trên liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp.
Tác giả: Thu Thúy

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật