A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Chợ Đồn thực hiện tiêm vắc xin định kỳ đợt 1 cho đàn vật nuôi

       Để chủ động phòng tránh, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh cho đàn vật nuôi ngày 04 tháng 3 năm 2024, UBND huyện Chợ Đồn đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND về việc tiêm phòng vắc xin định kỳ đợt 1 cho đàn vật nuôi trên địa bàn huyện Chợ Đồn, năm 2024. Theo kế hoạch, hiện nay các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã bắt đầu đồng loạt tổ chức tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

 Tiêm phòng cho chó tại thôn Nà Khảo, xã Đại Sảo vào ngày 27/3/2024. 

Các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc đợt 1 năm 2024 đối với từng loại gia súc, gia cầm như sau: Đối với đàn trâu, bò, tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, bệnh tụ huyết trùng; với đàn lợn, tiêm phòng bệnh dịch tả lợn, bệnh tụ huyết trùng; lợn nái, lợn đực giống tiêm phòng bệnh lở mồm long móng; đàn gà tiêm phòng bệnh Niu cát xơn, bệnh cúm gia cầm; đàn vịt, tiêm phòng bệnh dịch tả vịt, bệnh cúm gia cầm; đàn chó mèo, tiêm phòng bệnh dại. Thời gian tiêm phòng từ 07/3/2024 đến ngày 10/5/2024 sẽ kết thúc tiêm đợt 1.

Hiện tại các xã, thị trấn đang triển khai tiêm phòng đồng loạt, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cấp gần 14.000/15.120 liều vắc xin cho các xã thị, trấn. Đối với vắc xin Dại, toàn huyện đã triển khai tiêm phòng được 45,24% tổng đàn (riêng đối với xã Đại Sảo, đang có dịch dại trên đàn chó đã triển khai tiêm phòng dại chó được 335/372 con tổng đàn và 28 con mèo).Với phương châm đúng kế hoạch, đúng thời điểm, đúng đối tượng, đúng quy trình kỹ thuật, an toàn, hiệu quả cao trong công tác tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm, huyện Chợ Đồn phấn đấu trong đợt tiêm đại trà, tỷ lệ tiêm phòng các bệnh "đỏ” cho đàn lợn, tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc đạt từ 90% trở lên, tỷ lệ tiêm phòng tụ huyết trùng đàn trâu bò đạt trên 80% tổng đàn; tiêm phòng bệnh dại đàn chó mèo tăng từ 10 - 15%;

Tiêm vắc-xin phòng bệnh là một trong những biện pháp tích cực, chủ động nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, vì vậy, các cấp, các ngành chuyên môn tập trung tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; chủ động cung ứng kịp thời, đầy đủ tới từng xã, bản cơ số thuốc cho công tác phòng trừ dịch bệnh; cùng với đó, các hộ chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học từ sản xuất giống, tới quá trình chăm sóc, hạn chế dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi.

Tác giả: Triệu Thị Hoàn, Trung tâm DVNN


Tin liên quan