A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hợp tác xã An Bình phát huy vai trò tập thể trong phát triển kinh tế nông thôn

Năm 2021, Hợp tác xã (HTX) An Bình thôn Nà Tùm, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn được thành lập với 7 thành viên, sau hơn 2 năm duy trì phát triển, đến nay HTX có 18 thành viên. Vốn điều lệ thành lập hợp tác xã là 1.200.000.000 (một tỉ hai trăm triệu đồng), quy mô sản xuất vừa, với ngành nghề kinh doanh trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính hiện nay là sản xuất Kẹo lạc An Bình (sản phẩm đạt OCOP 3 sao); chế biến các sản phẩm trà từ các loại cây dược liệu như: chè hoa vàng, chè giảo cổ lam, chè nụ vối; liên kết sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản như: dưa chuột, củ cải, củ kiệu, chăn nuôi gà, vịt, lợn thương phẩm…

Sản xuất Kẹo lạc An Bình, sản phẩm đạt OCOP 3 sao của HTX An Bình.

Hợp tác xã An Bình thành lập trong tình hình dịch bênh covit-19 bùng phát nên trong quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn ít, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị bó hẹp, công tác quảng bá, tiếp thị không thể thực hiện theo như mong muốn, kế hoạch đề ra. Các thành viên hợp tác đa số làm nghề nông, chưa được tập huấn, tiếp cận với cách thực hoạt động của mô hình hợp tác xã do vậy khi thấy sản phẩm nông nghiệp từ tay mình chăm bón làm ra tiêu thụ chậm, chưa có thị trường có phần e ngại. Chị Triệu Thị Thủy là Giám đốc của hợp tác xã khi đó đã phải trực tiếp tham gia cùng bà con sản xuất các mặt hàng nông sản, vừa tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, vừa tìm hiểu, kết nối, liên kết phát triển các sản phẩm khác, làm phong phú, đa dạng các sản phẩm, mặt hàng của hợp tác xã. Năm 2021, doanh thu của Hợp tác xã chỉ đạt trên 400 triệu đồng; năm 2022 đạt trên  600 triệu đồng, với doanh thu này mặc dù chưa cao nhưng cũng đã duy trì được những sản phẩm của hợp tác xã, đồng thời động viên, tạo được niềm tin để các thành viên của HTX tiếp tục vượt khó trong giai đoạn này.

 Sản xuất trà túi lọc từ các loại cây dược liệu sẵn có tại địa phương của HTX An Bình.

Là Hợp tác xã còn non trẻ, nhưng ngay từ khi mới thành lập, HTX đã xác định phương châm hoạt động là sản xuất phải gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân, vì vậy trong năm 2021, HTX đã liên hệ với chính quyền địa phương xã Ngọc Phái để đăng ký thực hiện Dự án phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm củ kiệu thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với quy mô 2ha/năm, thực hiện trong 3 năm; chủ động tìm kiếm các Công ty, Doanh nghiệp, bạn hàng có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản và liên kết với các hộ dân để tạo ra các sản phẩm nông sản như: gà thương phẩm, vịt thương phẩm, lợn thương phẩm, ckiệu, dưa chuột, củ cải

Để tạo điều kiện, giúp đỡ bà con sản xuất nông sản, HTX liên kết cung ứng giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm cho 23 hộ dân (trong đó có: 3 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo, 4 hộ mới thoát nghèo) với hơn 1.000 con gà thương phẩm, 1.300 con vịt thương phẩm, 90 con lợn thương phẩm, 2 ha diện tích đất trồng kiệu,… Việc phát triển sản xuất liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông sản đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân trên địa bàn xã Ngọc Phái, các xã lân cận trên địa bàn huyện Chợ Đồn và đặc biệt là các thành viên của HTX, sự phát triển thành công của HTX đã góp phần cho xã Ngọc Phái hoàn thành tiêu chí nông thôn mới số 13 về tổ chức sản xuất trong quá trình phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Song song với quá trình phát triển các sản phẩm, Hợp tác xã luôn luôn tìm hiểu nắm bắt thị trường, tiếp cận các mô hình phát triển nông lâm nghiệp; sản xuất chế biến các sản phẩm nông sản với nguyên liệu sẵn có tại địa phương; liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các nông hộ trên địa bàn xã Ngọc Phái và một số xã trong huyện Chợ Đồn như: xã Lương Bằng, xã Bằng Lãng,…một số xã của huyện Ba Bể như xã Đồng Phúc, Hoàng trĩ,…; tích cực tham gia hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP của huyện Chợ Đồn.

Bà Triệu Thị Thủy giám đốc HTX cho biết: Để duy trì và phát triển đươc, HTX xác định phải thực hiện tốt việc gắn kết phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm bằng chữ tín với bà con- những người cung cấp nguồn nguyên liệu cho HTX, phải có lòng tin sự chia sẻ 3 chiều giữa HTX và các hộ nông dân và cơ quan quản lý nhà nước, vừa có sự khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất, vừa chia sẻ, giúp đỡ cả trong cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm và quảng bá, tiếp thị đưa sản phẩm  ra thị trường. Đặc biệt sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng về chất lượng, mẫu mã, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng yên tâm với nguồn nguyên liệu cung cấp làm ra sản phẩm của HTX.

 HTX An Bình cung ứng vật tư, cây giống cho bà con nông dân.

HTX đã liên kết sản xuất với các hộ nông dân xã Ngọc Phái trồng củ kiệu với hơn 2ha/vụ, giá thu  mua 8000đ/1kg; sau khi trừ hết chi phí người dân thu về hơn  170 triệu đồng. Liên kết sản xuất với các hộ nông dân xã Ngọc Phái trồng dưa chuột 2ha, sản lượng đạt 30 tấn/1ha, giá thu mua 10.000đ/kg, sau khi trừ hết chi phí người dân thu về hơn  80 triệu đồng; Liên kết sản xuất với các hộ nông dân xã Lương Bằng, Bằng Lãng chăn nuôi gà thương phẩm: Quy mô từ 800-1000 con gà/1 chu kỳ, sản lượng đạt 1.620 kg, giá thu mua 80.000đ/1kg, người dân  thu về khoảng hơn 38 triệu đồng sau trừ chi phí. Liên kết sản xuất với các hộ nông dân xã Bằng Lãng với mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm: Quy mô 30 con, sản lượng đạt 2.500kg, giá xuất bán  45.000đ/1kg, sau khi trừ hết chi phí  người dân thu về hơn 15 triệu đồng. Liên kết sản xuất với các hộ nông dân xã Đồng Phúc trồng củ cải: Quy mô hơn 3ha, sản lượng đạt hơn 160 tấn, giá thu mua 2.000đ/kg, Sau  khi trừ hết chi phí người dân thu về hơn 190 triệu đồng. HTX thanh toán đầy đủ cho bà con  ngay khi thu mua, nông sản, thương phẩm. Trong sản xuất, Hợp tác xã ứng dụng máy sấy nhiệt, máy nghiền, máy hàn nhiệt để sản xuất, chế biến các sản phẩm: kẹo lạc An Bình, chè hoa vàng, chè hoa vàng túi lọc, chè giảo cổ lam túi lọc, chè nụ vối túi lọc…

Thu nhập bình quân của các thành viên HTX đối với thành viên là lao động thường xuyên từ 4,5-5,5 triệu đồng/ tháng; với thành viên là lao động không thường xuyên từ 2 – 4 triệu đồng/ 1 tháng; được hưởng quyền lợi theo luật HTX năm 2012 và các quyền lợi khác theo quy chế hoạt động của HTX như thăm hỏi động viên trong việc  hiếu, hỷ… HTX đã  hỗ trợ bằng tiền mặt 50% cho một số thành viên tham gia bảo hiểm tự nguyện theo mức lương tối thiểu vùng, đồng thời cung ứng dịch vụ và bao tiêu sản phẩm cho các sản phẩm của thanh viên HTX. Các hộ nông dân tham gia cung ứng nông sản được Hợp tác xã hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cho ứng trước vật tư thiết yếu để phục vụ sản xuất, hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm theo giá hợp đồng liên kết, tạo việc làm,  tăng thu nhập.

Mô hình liên kết trồng củ kiệu tại xã Ngọc Phái.

Bằng những cách làm riêng của mình với những bước đi vững chắc, năm 2023 (doanh thu quý I năm 2023), doanh thu của HTX đạt trên 300 triệu đồng. Trong đó doanh thu từ phát triển sản phẩm hơn 110 triệu đồng, doanh thu từ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hơn 130 triệu đồng, doanh thu từ hoạt động khác hơn 140 triệu đồng, phát triển được vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua hợp đồng liên kết giữa hợp tác xã với các hộ dân.

Bà Thủy cho biết: Trong thời gian tới hướng phát triển của HTX là đổi mới, duy trì nâng cao chất lượng sản phẩm Ocop của HTX, thực hiện các mô hình liên kết gắn với hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho các thành viên HTX và bà con nông dân, nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm mới có thương hiệu, có uy tín sản xuất từ nông sản sạch; Đồng thời HTX tiếp tục hoạt động theo phương chấm dân chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; luôn tuân thủ quy định của pháp luật, lấy lợi ích của thành viên làm mục tiêu cho hoạt động của HTX; tập hợp thành viên, đoàn kết,  tích cực, linh hoạt trong giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và tích cực phối hợp, tham gia các hình thức tuyên truyền quảng bá để tiêu thụ sản phẩm, phát triển HTX bền vững.

 

Bà Triệu Thị Thủy Giám đốc HTX tham gia các hoạt động trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP của huyện Chợ Đồn.

Có thể thấy, HTX An Bình thôn Nà Tùm, xã Ngọc Phái đã có nhiều cách làm mới đem lại hiệu quả cho thành viên và HTX. Các thành viên HTX, bà con nông dân và đối tác liên kết tin tưởng yên tâm sản xuất, kinh doanh, gắn bó, chung tay góp sức phát triển HTX bền vững; đời sống của các thành viên ngày càng được nâng lên rõ rệt, HTX An Bình đã khẳng định được vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế nông thôn góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn huyện./.

Tác giả: Hà Tuyết - Phòng VH&TT

 

         


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật