A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả mô hình “Dân vận khéo” ở Bình Trung

        Tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và Đề án 06 của Tỉnh ủy Bắc Kạn về nâng cao hiệu quả phong trào “Dân vận khéo”, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, các chi, đảng bộ trực thuộc, các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện triển khai sâu rộng tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Qua đó, đã có nhiều mô hình dân vận được đăng ký và công nhận. Ghi nhận phong trào “Dân vận khéo” ở Đảng bộ xã Bình Trung.

 Đảng ủy xã Bình Trung chú trọng triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”.

Để triển khai Đề án 06 có hiệu quả, Đảng ủy xã Bình Trung đã xây dựng kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các Chi bộ căn cứ vào tình hình thực tiễn, chức năng nhiệm vụ để tổ chức thực hiện với những nội dung cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm gắn với phong trào thi đua yêu nước; xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có tính bền vững, sức lan tỏa rộng, thu hút được công đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và mọi tầng lớp Nhân dân tham gia.

Theo đồng chí Hoàng Đức Thiện, Bí Thư Đảng ủy xã Bình Trung, từ công tác định hướng của cấp ủy, đến nay, toàn xã Bình Trung đã xây dựng được 32 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 22 tập thể và 10 cá nhân; các mô hình tập trung ở các lĩnh vực: Xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các  đoàn thể, đoàn viên, hội viên.  Cải cách hành chính, xây dựng công sở, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cố kết cộng đồng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. 

Mô hình “Khéo tuyên truyền, vận động Nhân dân giải phóng mặt bằng và ủng hộ nhân lực, vật lực để xây dựng nhà văn hóa thôn Bản Ca”.

Xây dựng nông thôn mới là lĩnh vực có số lượng mô hình “Dân vận khéo” đăng ký thực hiện nhiều nhất, với 21 mô hình. Tiêu biểu như mô hình “Khéo tuyên truyền, vận động Nhân dân giải phóng mặt bằng và ủng hộ nhân lực, vật lực để xây dựng nhà văn hóa thôn Bản Ca”. Thôn Bản Ca có điểm di tích lịch sử cấp quốc gia nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947”. Đầu năm 2024, từ nguồn vốn hỗ trợ 740 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, thôn Bản Ca được đầu tư xây dựng nhà văn hóa với quy mô 150 chỗ ngồi. Thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, sau khi phương án xây dựng nhà văn hóa được cấp trên phê duyệt, thôn  đã tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân về phương án xây dựng nhà văn hóa và nhận được sự đồng thuận cao của toàn thể nhân dân. Theo đó, để thuận lợi và đảm bảo thời gian thi công, bà con thôn Bản Ca đã đóng góp ngày công thực hiện giải phóng mặt bằng, tiến hành bàn giao cho đơn vị thi công. Đến nay, công trình nhà văn hóa hoàn thành đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân trong thôn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện thể thao của các tầng lớp nhân dân.

Đồng chí Bàn Văn Đức, Bí thư Chi bộ thôn Bản Ca chia sẻ: “Bên cạnh sự hỗ trợ của Chương trình, bà con Nhân dân thôn Bản Ca đã thực hiện xã hội hóa huy động sức dân đóng góp xây dựng 1 nhà bếp và 1 giếng khoan để phục vụ các hoạt động trong thôn”.

 Công trình “Thắp sáng đường quê” được Đoàn thanh niên xã Bình Trung phối hợp thực hiện hiệu quả.

Với mô hình “Khéo tuyên truyền, vận động thu hút đoàn viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong học tập ở các thôn vùng sâu, vùng xa, vùng có đạo” cũng được cấp ủy, chính quyền xã Bình Trung đánh giá cao. Đặc biệt, với nội dung xây dựng nông thôn mới, được sự giúp đỡ của Sở Thông tin và Thông tin tỉnh Bắc Kạn, Đoàn thanh niên xã Bình Trung xã đã phối hợp triển khai công trình “Thắp sáng đường quê”. Thống kê từ năm 2021 đến năm 2024, đã thực hiện lăp được trên 100 bóng đèn bằng năng lượng mặt trời và điện được lắp đặt tại 7/15 thôn. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 140 triệu đồng, trong đó, nguồn Sở Thông tin và Thông tin tỉnh hỗ trợ trên 40 triệu đồng, nguồn xã hội hóa trên 100 triệu đồng. Từ khi có hệ thống điện đường, tạo diện mạo mới cho vùng quê thêm tươi đẹp, người dân phấn khởi, an tâm di chuyển về đêm.

Anh Hoàng Văn Hữu, Bí thư Đoàn xã Bình Trung, cho biết: “Thông qua phong trào “Dân vận khéo”, phát huy mạnh mẽ sức trẻ, khơi dậy tinh thần trách nhiệm và khẳng định vai trò xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng của lực lượng đoàn viên thanh niên trong xã”.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” có sức lan tỏa rộng đã thực sự đi vào đời sống xã hội; khơi dậy và huy động được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị ở cơ sở tạo sự đồng thuận trong nhân dân góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, công tác giảm nghèo ở các địa phương. Góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh của địa phương./.

Tác giả: Thu Thúy

  

 

 

         


Tin liên quan