A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người Dao ở Chợ Đồn

Trong xã hội hiện đại, nhiều nét đẹp văn hoá truyền thống có nguy cơ mai một. Vậy nên, việc bảo tồn giá trị, tinh hoa văn hoá truyền thống được người Dao ở huyện Chợ Đồn nêu cao trách nhiệm giữ gìn.

Người dân thôn Bản Ca (xã Bình Trung) chú trọng việc lưu giữ nét văn hóa dân tộc Dao trong các dịp lễ, tết.

Dân ca là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Dao nói chung. Để giữ gìn bản sắc này, mỗi khi có thời gian, hay mỗi dịp lễ, tết, vào nhà mới, đám cưới bà con thường hát những bài dân ca Dao truyền thống nói về tình yêu đôi lứa, những điều răn dạy, quá trình xây dựng cuộc sống mới; bên cạnh đó, các nghệ nhân còn sáng tác lời mới có nội dung về ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước truyền lại cho con, cháu... Đặc biệt, hiện nay người Dao còn chủ động mang làn những điệu của dân tộc mình đến với dịp lễ hội xuân, cầu mùa để con, cháu biết đến.

Bà Bàn Thị Vân, Bản Ca, xã Bình Trung, chia sẻ thêm: “Mong muốn đem làn điệu Páo dung của dân tộc mình được giao lưu, biểu diễn tại các dịp lễ, tết, để con cháu biết và lưu truyền sang đời sau”

Cùng với thêu áo trên trang phục truyền thống hay làn điệu hát dân ca, việc lưu giữ chữ viết được người Dao trên địa bàn huyện Chợ Đồn rất chú trọng. Là người am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, chữ viết của người Dao, ông Đặng Hành Phi ở thôn Nà, xã Tận Lập luôn trăn trở về việc bảo tồn, gìn giữ các nét văn hóa dân tộc mình, bởi lớp trẻ ngày nay không nhiều người quan tâm đến việc lưu giữ, bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc. Từ thực tế ấy, mỗi ngày ông Phi đã sưu tầm, viết, biên soạn và phổ biến các cuốn sách dạy chữ viết Nôm - Dao, sách về tâm linh, tập tục của người Dao Tiền cho cộng đồng người Dao ở các địa phương trong và ngoài huyện.  

          Với ông Triệu Xuân Minh ở thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, nhận thấy chữ viết dân tộc Dao có nguy cơ mai một, thời gian qua ông đã nỗ lực sưu tầm, bảo quản và truyền dạy chữ Nôm Dao cho con em đồng bào Dao tại địa phương và vùng lân cận. Ông đã tổng hợp những vấn đề chính vào một quyển giáo án, với các nội dung về cội nguồn của người Dao; giáo dục con người về đạo đức và nhân nghĩa; những câu chuyện cổ và triết lý đời sống; cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình; cũng như về mối quan hệ gắn bó và sự đoàn kết của bà con dân tộc Dao, cùng với tinh thần học hỏi và sự giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và cuộc sống.

Ông Triệu Xuân Minh chia sẻ: “Việc học chữ Nôm Dao giúp hiểu về nhân nghĩa, tránh tổn thương nhân phẩm con người, không hại đến vật, không phạm trời và trần gian. Anh em cần giữ chừng mực, hòa khí, thấu hiểu triết lý đời sống để tự giác không phạm các tệ nạn xã hội. Người học chữ Dao tốt sẽ nhận biết lẽ sống, hiếu thảo với cha mẹ và nhân đạo với mọi người”.

 Ông Triệu Xuân Minh. thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái mở lớp học miễn phí truyền dạy chữ Nôm Dao.

Tiếng nói và chữ viết là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Theo đó, những người như ông Đặng Hành Phi, xã Tân Lập và ông Triệu Xuân Minh, xã Ngọc Phái thật đáng trân trọng, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Dao. Đây là một trong những tín hiệu tích cực gieo niềm hy vọng việc dạy chữ Nôm Dao sẽ phần nào giúp giới trẻ Dao tiếp cận các lịch sử, khoa học, giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của dân tộc mình thông qua việc đọc được những cuốn sách cổ do cha ông để lại, đồng thời bảo tồn được một nét văn hóa đặc sắc của người Dao.

          Tại huyện Chợ Đồn, có nhiều khu dân cư có người Dao đỏ và Dao Tiền sinh sống ở các xã như: Ngọc Phái, Tân Lập, Bình Trung, Bản Thi… Nhiều năm qua, cộng đồng dân tộc Dao trên địa bàn huyện đã tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Cụ thể như văn hóa thêu họa tiết trên trang phục, lễ hội cầu mùa, lễ cấp sắc, hát páo dung…. Hiện nay, huyện Chợ Đồn đang tập trung các nguồn lực để phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc trên địa bàn nói chung, trong đó có bản sắc văn hóa người Dao nói riêng.

 Ông Ma Doãn Kháng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn tham mưu hướng dẫn các đơn vị, cơ sở từng bước thực hiện tốt việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc. Hiện nay, huyện đang quan tâm, chú trọng xây dựng và tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ văn hóa, nghệ ở cơ sở hoạt động, từ đó sẽ góp phần vào sự phát triển và gìn giữ di sản văn hóa của cộng đồng, làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân, tích cực xây dựng đời sống văn hoá ở địa phương”.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Dao sẽ góp phần quan trọng để huyện Chợ Đồn từng bước xây dựng thành công Đề án quản lý và phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2020 – 2025 trong thời gian tới.

Tác giả: Thu Thúy


Tin liên quan