A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xã Xuân Lạc tập trung thực hiện Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi

Ngay sau khi huyện Chợ Đồn ban hành Nghị quyết thông qua Đề án khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò, ngựa và phát triển trâu, bò sinh sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, xã Xuân Lạc đã tập trung tuyên truyền về cơ chế, chính sách của Đề án, qua đó đã thu hút được nhiều nông hộ tham gia. Đến nay, sau một năm triển khai thực hiện đàn trâu, bò phát triển tương đối ổn định.

 

Đề án triển khai tại xã luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo huyện, các cơ quan, phòng ban chuyên môn.
Ông Nông Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lạc cho biết: Năm 2021, sau khi Đề án triển khai tại xã, số lượng hộ đăng ký tham gia khá đông với trên 40 hộ ở 5 thôn, trong khi theo Đề án thì kế hoạch mỗi năm chỉ được tham gia từ 1-2 hộ/ 1 xã. Vì vậy, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án của xã đã tổ chức họp xét và lựa chọn được 06 hộ/3 thôn đủ điều kiện tham gia trước.
Theo báo cáo của UBND xã Xuân Lạc, sau một năm thực hiện Đề án với 06 hộ tham gia thực hiện chăn nuôi trâu, bò sinh sản với quy mô 11 con gồm 02 trâu đực giống sinh sản, 06 con trâu cái sinh sản, 03 con bò cái sinh sản thì đến thời điểm tháng 10/2022 trong 09 con trâu, bò cái đã có 05 con đẻ, sinh sản tăng đàn được 02 Nghé và 03 Bê, hiện còn 04 con trâu cái đang chửa, 02 con trâu đực giống phát triển bình thường. Từ những hiệu quả bước đầu trong thực hiện Đề án, năm 2022 xã tiếp tục có 12 hộ ở 07 thôn tham gia, trong đó nuôi trâu sinh sản 10 hộ, số lượng 19 con; nuôi bò sinh sản 02 hộ, số lượng 05 con, hiện nay có 14 con đang chửa.
Tham gia Đề án huyện hỗ định mức 15 triệu đồng/con cho chăn nuôi trâu, bò sinh sản, tương ứng 63%, mức hỗ trợ tối đa đối với bò là 03 con cái hoặc 01 con đực giống, trâu 02 con cái hoặc 01 con đực giống, 70% chi phí hỗ trợ mua vật tư. Đối với các hộ nuôi vỗ béo sẽ hỗ trợ cho hộ có quy mô nuôi từ 5-10 con ngựa, 5-20 con trâu, bò. Ngoài ra các hộ tham gia cũng được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn các biện pháp về vệ sinh phòng bệnh, tiêm phòng vắc xin, chủ động phòng bệnh truyền nhiễm trong chăn nuôi; một số bệnh thường gặp trên trâu, bò, ngựa và cách phòng, xử lý khi trâu, bò mắc bệnh.

Phát triển chăn nuôi gia súc khiến cho đời sống của nhiều hộ dân xã Xuân Lạc có cuộc sống ổn định hơn.
Là địa phương có tổng số đàn gia súc lớn nhất toàn huyện, tổng đàn trâu của xã hiện tại có gần 1000 con, đàn bò trên 300 con. Những năm gần đây chăn nuôi gia súc tại xã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội chung của xã, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn. Việc triển khai Đề án tại xã sẽ tạo ra thay đổi lớn về nhận thức trong phát triển chăn nuôi, sử dụng tối đa tiềm năng lợi thế diện tích hiện có, phát triển nhanh trâu, bò vỗ béo theo hướng thâm canh gắn với bảo vệ môi trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân. Bên cạnh đó, giúp các  hộ chăn nuôi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự cung, tự cấp sang chăn nuôi chuyên biệt. Hơn nữa với các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, … sẽ giúp người dân có ý thức chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn trâu, bò hơn.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, do mới triển khai thực hiện Đề án nên việc chăn nuôi tại địa phương quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán; phương thức chăn nuôi mang tính quảng canh, năng suất thấp; người chăn nuôi chưa gắn kết với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi còn hạn chế. Hàng năm thời tiết diễn biến khắc nghiệt, rét đậm, rét hại, dịch bệnh trên đàn gia súc ảnh hưởng tới phát triển của đàn gia súc; giá cả vật nuôi biến động dẫn đến ảnh hưởng tâm lý người dân chăn nuôi.
 Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ chăn nuôi làm tốt công tác chăm sóc đàn vật nuôi và phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét, chăm sóc tốt diện tích trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc; tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao để phát triển chăn nuôi. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án, xã mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp, sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn để công tác phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã được thuận lợi và thu được nhiều kết quả tích cực.
Tác giả: Nông Đuổng

Tin liên quan