A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thường trực HĐND huyện giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện

Thực hiện Chương trình giám sát năm 2022, Thường trực HĐND huyện Chợ Đồn thành lập Đoàn giám sát về việc quản lý, sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện năm 2020, 2021. Vừa qua, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND huyện đã tiến hành giám sát trực tiếp các cơ quan, đơn vị: Phòng Giáo dục –  Đào tạo, Phòng Tài chính – Kế hoạch và các trường học gồm: THCS Phương Viên, THCS Đồng Lạc, Tiểu học Yên Thượng, Mầm non Thị trấn Bằng Lũng.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND huyện giám sát trực tiếp tại trường THCS Phương Viên.
Qua giám sát cho thấy, các cơ quan, đơn vị, trường học đã cơ bản triển khai thực hiện các văn bản của các Bộ, ngành, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và Sở Giáo dục và Đạo tạo như:  Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015; Nghị quyết số 11/2018/NQ-HĐND ngày 17/7/2018 của HĐND tỉnh Bắc Kạn về việc quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập từ năm học 2018 – 2019 đến năm học 2020 – 2021 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về Nghị định Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non; Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021; Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, chi phí học tập; Nghị quyết số 54/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc Quy định cụ thể thực hiện một số nội dung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ và một số chính sách hỗ trợ của địa phương đối với các trường phổ thông có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn…
Công tác lập dự toán và phân bổ, giao dự toán kinh phí sự nghiệp giáo dục được Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học thực hiện theo quy định. Các đơn vị cũng đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với từng năm ngân sách, trong đó, xây dựng kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đơn vị và triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các đơn vị trường học; Thực hiện công khai các nội dung theo đúng quy định của pháp luật…
Tuy nhiên, qua giám sát thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, sử dụng nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện cũng còn một số tồn tại hạn chế như: Việc phê duyệt danh sách học sinh, giáo viên được hưởng chế độ chính sách như: miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn trưa trẻ mầm non 3,4,5 tuổi… còn chậm dẫn đến việc cấp kinh phí cho các trường để chi trả chế độ cho học sinh chưa kịp thời. Trong quá trình quản lý, sử dụng thanh quyết toán các đơn vị còn chưa chủ động giải ngân các khoản chi theo dự toán đã được phê duyệt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở một số trường đã xuống cấp, quá hạn sử dụng. Nhưng nguồn kinh phí cho sửa chữa, mua sắm có hạn, do đó ảnh hưởng phần nào tới chất lượng giảng dạy và học trong nhà trường. Thực hiện biên chế được giao chưa đảm bảo theo định mức. Một số bộ môn thiếu giáo viên phải thực hiện dạy liên cấp, liên trường như: giáo viên môn Tiếng Anh, dẫn đến nhiều giáo viên dạy vượt giờ theo quy định, nhưng việc chi trả chế độ vượt giờ cho giáo viên gặp nhiều khó khăn bất cập. Kế toán làm việc liên trường không được chi trả chế độ, làm thêm giờ tại các trường kiêm nhiệm…
Tại các cuộc giám sát, các  trường có nhiều đề xuất, kiến nghị với Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân huyện như: Nhà nước tiếp tục có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sửa chữa nâng cấp các công trình trường, lớp bị xuống cấp. Chỉ đạo chủ đầu tư sửa chữa, cải tạo các các công trình trường học đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình trong dịp hè để đảm bảo bàn giao đưa vào sử dụng trước khi bước vào năm học 2022 – 2023. Bố trí nguồn kinh phí ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học cho các trường đảm bảo việc học các môn Tin học, Tiếng Anh cho học sinh lớp 3, lớp 7 năm học 2022-2023…
Phát biểu kết luận tại các buổi làm việc, Đồng chí Triệu Đức Phú – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện đề nghị: Thời gian tới, các đơn vị cần làm tốt công tác quản lý tài chính, nhất là hoạt động mua sắm, chi thường xuyên, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí của Nhà nước; ngay từ đầu năm học, chủ động rà soát, lập hồ sơ các chế độ đối với học sinh (miễn, giảm học phí, cấp bù học phí, hỗ trợ chi phí học tập, ăn trưa…) đảm bảo đúng đối tượng, chính xác, hạn chế sai xót để thực hiện hỗ trợ kinh phí kịp thời, đúng quy định. Chủ động rà soát nhu cầu đầu tư, sửa chữa, mua sắm tài sản, trang thiết bị, phục vụ công tác dạy và học báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Các trường học chủ động quan tâm sửa chữa, khắc phục những hư hỏng nhỏ liên quan đến cơ sở vật chất để đảm bảo công tác dạy và học của nhà trường. Chủ động thực hiện các thủ tục thanh quyết toán, giải ngân các khoản chi theo dự toán đã được phê duyệt. Chú trọng công tác giáo dục chuyên môn; thực hiện chặt chẽ công tác xã hội hóa giáo dục…Những ý kiến, kiến nghị đề xuất của các đơn vị sẽ được Đoàn giám sát trình đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.                                        
Tác giả: Ma Thị Oanh – Văn phòng HĐND&UBND huyện Chợ Đồn

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật