A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những cây cầu “Nối nhịp bờ vui”

Cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước, những năm gần đây huyện Chợ Đồn đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng những cầu dân sinh . Những cây cầu được xây dựng kiên cố bắc qua các con suối để kết nối các tuyến giao thông trên địa bàn được ví như “Nối nhịp bờ vui” của bà con Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

 Đoàn thanh niên xã Quảng Bạch và người dân lao động đổ bê tông mặt cầu dân sinh thôn Bản Lác.

Là huyện có diện tích đất tự nhiên trên 91.000 ha, phân bố trên 20 xã, thị trấn, 227 thôn, tổ. Tại một số xã vùng cao, nhiều thôn bản bị chia cắt bởi các con suối nhỏ nên việc đi lại của người dân gặp không ít khó khăn. Trong điều kiện ngân sách của Nhà nước còn hạn hẹp, cấp ủy, chính quyền địa phương đã kết nối được nhiều nhà tài trợ, nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu dân sinh cho các thôn còn bị chia cắt bởi sông suối. Những cây cầu dân sinh bằng bê tông cốt thép có quy mô vừa và nhỏ nhưng đã đáp ứng được mong đợi của nhiều người dân giúp giải quyết việc đi lại thuận lợi, an toàn.

 Bản Lác là thôn nằm cách xa trung tâm xã 5km, với 70 hộ dân sinh sống, trước đây, tuyến giao thông huyết mạch của thôn bị chia cắt bởi con suối, đặc biệt là con em đi học và bà con đi họp thôn đều phải qua tuyến đường này. Hằng năm, người dân phải huy động ngày công dựng cầu tạm bằng cây tre để phục vụ đi lại. Không có cầu đã gây trở ngại về giao thông và ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế của bà con nơi đây. Cuối năm 2022, người dân Bản Lác vô cùng phấn khởi khi được Nhóm thiện nguyện Tâm từ bi Hà Nội tài trợ xây dựng cầu. Cùng với sự đóng góp của người dân và chính quyền địa phương, tháng 2/2023 cây cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, dài hơn 7m, rộng 3,3m với tổng nguồn vốn trên 200 triệu đồng đã hoàn thành; trong đó, Nhóm thiện nguyện Tâm từ bi Hà Nội hỗ trợ gần 140 triệu đồng. Cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho người dân giao thương thuận lợi, học sinh đến lớp được an toàn nhất là mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Ngoài cầu thôn Bản Lác, trong 3 năm qua, xã Quảng Bạch đã được Nhóm thiện nguyện Tâm từ bi Hà Nội hỗ trợ xây dựng thêm 6 cây cầu tại các thôn trên địa bàn. Bà con những người trực tiếp hưởng lợi rất vui mừng và sẽ đoàn kết chung tay bảo vệ, sử dụng hiệu quả các cây cầu.

 Khánh thành cầu dân sinh Bằng Viễn 2, xã Phương Viên.

Tại xã Phương Viên, công tác xã hội hóa xây cầu dân sinh đã được phối hợp  triển khai thuận lợi và đem lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, thông qua Huyện Đoàn đã kết nối Nhóm thiện nguyện Tâm Từ Bi Hà Nội hợp hỗ trợ xây dựng 8 cầu dân sinh tại các thôn Bản Làn, Thôn Choong, Bằng Viễn 1, Bằng Viễn 2, Bản Lanh, trong đó có 7 cầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng, còn 1 cầu mới thực hiện khảo sát xong.  Những cây cầu này được xây dựng với quy mô cầu bản, thiết kế dầm, mặt cầu đổ bê tông cốt thép kiên cố dày 20 cm, có lan can 2 bên thành cầu. Để các cây cầu hoàn thành đúng tiến độ, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân những người trực tiếp hưởng lợi đóng góp tiền, ngày công lao động và nguyên, vật liệu tại chỗ. Niềm mong mỏi của người dân ở các thôn được hỗ trợ xây cầu vui mừng, phấn khởi, từ nay, trẻ em đi học, bà con đi lại lao động sản xuất được thuận lợi hơn.

Những năm gần đây, từ nhiều kênh khác nhau, Huyện đoàn Chợ Đồn đã kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tỉnh giúp đỡ, tài trợ xây dựng cầu thông qua việc kết nối của Nhóm Tâm từ bi Hà Nội. Theo đó, đến nay đã có trên 40 cầu dân sinh được hỗ trợ xây dựng. Những cây cầu dân sinh này được các nhà tài trợ hỗ trợ 50% kinh phí, số còn lại do Nhân dân đóng góp bằng ngày công lao động và vật liệu tại chỗ. Theo đó, các xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nêu cao tinh thần đoàn kết đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng cầu. 

Ông Cao Minh Hiển, đại diện Nhóm Tâm từ bi Hà Nội cho biết “Việc quyết tâm làm cầu là khi lên làm từ thiện ông thấy bà con rất cần những cây cầu đi lại qua những con suối nhỏ và ông đã quyết tâm triển khai chương trình hỗ trợ. Chương trình này là sự hợp tác giữa người dân và nhóm thiện nguyện, nhóm chỉ hỗ trợ sắt, si măng và đá, còn lại người dân đối ứng. Qúa trình triển khai nhận được sự phối hợp chung tay góp sức của bà con người trực tiếp hưởng lợi nên kết quả đạt được rất tốt”...

Những cây cầu này khi đưa vào sử dụng đã giúp cho người dân thuận tiện hơn việc đi lại, lao động sản xuất, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với khai thác, sử dụng hiệu quả, các địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ công trình để không bị xuống cấp, hư hỏng, kéo dài thời gian sử dụng.

Mỗi công trình xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đều có sự đóng góp tiền, ngày công lao động của người dân trên tuyến. Người dân tự giám sát chất lượng công trình, góp phần giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước. Do đó, thời gian tới, ngoài nguồn vốn được phân bổ, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi các nguồn tài trợ, tranh thủ sự ủng hộ kinh phí từ các nhà hảo tâm để từng bước xây dựng thêm những cầu dân sinh ở những địa bàn còn khó khăn.

Tác giả: Thu Thúy

 

 


Tin liên quan