A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trong phòng ngừa hoả hoạn tại vùng nông thôn

Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã xảy ra một số vụ vụ hỏa hoạn làm cháy nhà của người dân. May mắn các vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, đẩy các gia đình vào cảnh tái nghèo. Đã đến lúc, chính quyền, người dân cần nêu cao hơn nữa tinh thần cảnh giác, chú trọng trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Vụ cháy nhà xảy ra tại thôn bản Lạp, xã Nghĩa Tá đã gây ra thiệt hại gần 170 triệu đồng.

Vào khoảng hơn 12 giờ trưa ngày 21/2/2021, tại thôn Nà Đeng, xã Nghĩa Tá, đã xảy ra 01 vụ cháy nhà. Thời điểm trên, cả hai vợ chồng anh Hoàng Văn Hanh, sinh năm 1980, ở thôn Nà Đeng, xã Nghĩa Tá đều đi rừng. Ở nhà chỉ còn có mẹ già năm nay hơn 90 tuổi cùng hai cháu nhỏ. Do sơ xuất của trẻ nhỏ nên đã xảy ra cháy nhà. Ngôi nhà là nhà sàn, làm bằng gỗ, đang mùa hanh khô, lại hút gió, nên lửa cháy rất to, chỉ ít phút đã thiêu rụi toàn bộ căn nhà cùng tài sản bên trong, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng hơn 200 triệu đồng. Cũng rất may khi xảy ra cháy nhà, anh trai có nhà gần đó đã chạy sang và cứu được ba bà cháu, còn đồ đạc trong nhà đã bị ngon lửa thiêu trụi.

Cũng trong năm 2021, tại xã Nghĩa Tá, ngày 18/11 lại tiếp tục có  1 vụ cháy nhà xảy ra. Vụ cháy này xảy ra tại  Gia đình ông Triệu Văn Chương, tại thôn Bản Lạp ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn ngôi nhà 03 gian là nơi sinh hoạt của 06 khẩu gồm 01 bà bác (đối tượng bảo trợ xã hội) 01 Mẹ già; 02 Vợ chồng và 02 con nhỏ ( một cháu gần 03 tuổi; Một cháu 13 tháng tuổi) gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Mặc dù đã có lực lượng dân quân và bà con làng xóm cùng hộ cứu hoả,  nhưng do thời tiết hanh khô, mái nhà lợp bằng lá cọ cháy dữ dội nên lực lượng chữa cháy cùng người dân không thể tiếp cận được. Thời điểm cháy, 2 vợ chồng anh Chương đi vắng, nhà chỉ có một mẹ già và cháu 13 tháng tuổi ở nhà, rất may khi xảy ra cháy đã không có thiệt hại về người, tuy nhiên toàn bộ ngôi nhà và tài sản ước tính khoảng  gần 170 triệu đồng đã bị ngọn lửa thiêu trụi.

Lãnh đạo tỉnh, huyện cùng chính quyền xã đã có mặt kịp thời động viên các gia đình bị thiệt hai do cháy xảy ra.

Và gần đây nhất là vào khoảng 20 giờ 30 phút, ngày 24/11/ 2022 người dân trong thôn phát hiện lửa cháy dữ dội tại nhà ông Văn Đức Hữu, thôn Choong, xã Phương viên. Thời điểm nhà cháy ông Hữu và con trai không có nhà, vợ ông Hữu đang đi làm công nhân ngoại tỉnh vì thế không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, vụ hỏa hoạn đã làm ngôi nhà sàn và tài sản của gia đình ông Hữu bị thiêu rụi hoàn toàn. Tổng thiệt hại ước tính là hơn 100 triệu đồng, bước đầu xác định nguyên nhân cháy nhà do chập điện.  Ngay sau khi nhận được tin báo về các vụ cháy xảy ra,  Lãnh đạo huyện cùng chính quyền xã đã có mặt kịp thời động viên và chỉ đạo bà con trong thôn nhanh chóng giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình gia đình có nơi ở ổn định cuộc sống trước mắt.

Đằng sau mỗi vụ cháy nhà dân là những mất mát, thiệt hại về tài sản. Có những trường hợp, ngọn lửa đã cướp đi tất cả cơ ngơi, gia nghiệp, tích lũy cả một cuộc đời. Thậm chí chỉ vì một phút giây bất cẩn thiếu đề phòng, đám cháy có thể thiêu rụi một mái nhà, đe dọa đến tính mạng của mỗi thành viên trong gia đình.  Trên thực tế, từ những vụ cháy đã xảy ra cho thấy: phần lớn nguyên nhân xảy ra cháy là do những bất cẩn của con người, như: sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không đúng cách, câu mắc điện sai kỹ thuật, vận hành trang thiết bị sản xuất sai quy trình … Và một nguyên nhân nữa cũng liên quan đến cháy là  do bà con xử lý đốt thực bì trồng rừng, nếu không cẩn thận, việc xảy ra cháy rừng, cháy nhà là điều không thể tránh khỏi. Phần lớn những vụ cháy lớn thường do phát hiện không kịp thời, thời gian cháy tự do quá lâu, hoặc phát hiện sớm, nhưng không biết cách xử lý, thiếu phương tiện, thiếu điều kiện, thiết bị chữa cháy tại chỗ, báo cháy chậm.

Một điều đơn giản dễ thấy là người dân vẫn thờ ơ và chủ quan về nguy cơ xảy ra cháy, nổ ngay tại gia đình mình nên chưa có các biện pháp chuẩn bị tại chỗ để đập tắt đám cháy. Trong khi đó, chính tại gia đình mới là nơi mỗi người gắn bó và dành nhiều thời gian sinh hoạt. Vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở ý thức tự giác bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân vẫn còn chưa cao. Giải pháp tối ưu nhất hiện nay đối với an toàn phòng cháy chữa cháy tại các hộ gia đình, khu dân cư đó là nâng cao ý thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy của người dân thông qua biện pháp tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao ý thức, cẩn thận khi hành động, làm việc. Cùng với đó, mỗi hộ gia đình, chủ hộ gia đình và các thành viên trong gia đình cần thực hiện các biện pháp về PCCC như: Lắp thiết bị tự ngắt như aptomat, cầu dao… cho hệ thống điện chung cho toàn nhà và từng bộ phận; trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng và tắt các thiết bị điện không cần thiết; nhà cao tầng phải chuẩn bị sẵn sàng thang, thang dây, dây cứu người để thoát nạn khi có cháy…

Ngay sau khi bị hoả hoạn, bà con thôn, tổ, cùng chính quyền địa phương nhanh chóng giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại.

Thời gian này đang là thời điểm nắng nóng cao độ kéo dài, thời tiết hanh khô, chỉ cần một bất cẩn nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày cũng có thể xảy ra cháy.  Do đó việc phòng cháy cũng quan trọng như chữa cháy - mỗi người cần nâng cao hơn nữa nhận thức của bản thân về vấn đề này để tự giác trang bị những kiến thức, phương tiện cần thiết cho bản thân mình và các thành viên gia đình. Đồng thời, các cấp, ngành, cơ quan Nhà nước tại địa phương cùng lực lượng chuyên trách, công an... cần có sự phối hợp chặt chẽ, sâu rộng hơn nữa để công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy nói chung và phòng cháy chữa cháy tại các khu dân cư, tại mỗi hộ gia đình được phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng cháy chữa cháy./.   

Tác giả: Hoàng Lan

 


Tin liên quan