A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gương sáng nông dân làm kinh tế giỏi ở xã Bình Trung

Thực hiện phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Với thu nhập gần 2 tỷ đồng mỗi năm từ phát triển rừng kết hợp chăn nuôi, kinh doanh cây giống, anh Quản Trọng Quỳnh - hội viên nông dân thôn Đon Liên  xã  Bình Trung là một trong những gương sáng làm giàu trên mảnh đất quê hương.

 Anh Quản Trọng Quỳnh bên vườn ươm cây giống của gia đình.

Anh Quỳnh chia sẻ: Công việc ban đầu của anh là làm dịch vụ xe khách, rồi chuyển sang chăn nuôi, tuy nhiên nhận thấy tiềm năng của địa phương là rừng, anh đã chọn đầu tư trồng rừng để làm sinh kế lâu dài. Với tiềm năng sẵn có của địa phương cùng sự quyết tâm, năm 2013 anh Quỳnh bắt tay vào trồng rừng. Với tư duy “lấy ngắn nuôi dài”, tiền dành dụm được anh đều đầu tư vào rừng, mỗi năm tăng lên một chút. Từ chỗ chỉ có khoảng 10ha, đến nay sau 10 năm anh đã có trên 40 ha đất đồi rừng, trong đó 13 ha rừng trồng các loại cây như Mỡ, Keo, Quế, Bồ Đề đã được khai thác, tổng thu sau khi đã trừ chi phí thu lãi hơn 1,7 tỷ đồng. Hiện gia đình anh đang tiếp tục chăm sóc 35 ha rừng trồng mới và rừng trồng sau khai thác, trong đó 22 ha rừng trồng cây Quế…từ 3 đến 8 năm tuổi và 13 ha rừng trồng cây Mỡ từ 3 đến 5 năm tuổi.

 Mô hình kinh tế của anh Quỳnh tạo việc làm theo thời vụ cho nhiều lao động.

Nhận thấy các hộ dân và gia đình khai thác gỗ rừng trồng chỉ bán gỗ thô với giá thấp nên anh  đã đầu tư thêm giàn máy chế biến sản phẩm gỗ bóc để tăng thêm giá trị sản phẩm từ rừng trồng. Không chỉ chuyên tâm vào trồng rừng, anh Quỳnh còn đầu tư vườn ươm cây giống, trung bình mỗi năm vườn cây giống xuất ra cho bà con khoảng 50 đến 70 vạn cây giống, số tiền thu về sau khi đã trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng.

 Anh Quỳnh đang trồng thí điểm cây Dổi trên đất vườn rừng của gia đình.

Ngoài cung ứng cây giống, anh còn kết hợp với nhiều hộ dân ở các thôn vùng cao để chăn nuôi trâu bò sinh sản, cung ứng trâu giống cho bà con, hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm chăn nuôi giúp đỡ nhiều hộ khó khăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Trong đó, có thôn Khuổi Đẩy, xã Bình Trung nhiều hộ trong thôn được anh Quỳnh hỗ trợ giống cây và giúp bà con làm giàu bằng năng lực của bản thân. Đến nay toàn thôn Khuổi Đẩy đã trồng được trên 500ha rừng. Từ mô hình phát triển kinh tế của gia đình, anh đã giúp 12 lao động có việc làm thường xuyên có thu nhập ổn định từ 6 đến 7 triệu mỗi tháng và gần 100 lượt  lao động làm thời vụ tăng thêm thu nhập.

Chia sẻ thêm với chúng tôi anh Quỳnh cho biết: “Hiện anh đang tiếp tục mở rộng  thí điểm trồng cây Dổi và Trà hoa vàng trên diện tích đất rừng của gia đình. Tới đây khi mô hình thành công, anh có ý tưởng sẽ xây dựng cảnh quan, khuôn viên để tạo nên một khu vườn sinh thái phục vụ khách du lịch trên diện tích đất vườn đồi của gia đình”.

Theo đánh giá của ông Bàn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung thì mô hình kinh tế của anh Quản Trọng Quỳnh ở thôn Đon Liên là một điểm sáng trong lao động sản xuất bằng khả năng tự vươn lên. Không những vậy, anh còn giúp đỡ được nhiều hộ khó khăn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất. Cách làm kinh tế của gia đình anh Quỳnh đã góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế rừng ở địa phương đi lên, trở thành mô hình rất đáng để người dân học tập.

 Anh Quỳnh trồng xen kẽ Quế và Mỡ trên đất đồi rừng của gia đình.

Với kết quả phát triển kinh tế và những đóng góp nổi bật trong nhiều năm qua, anh Quản Trọng Quỳnh được Hội nông dân các cấp công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Đặc biệt, năm 2020 anh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, năm 2021, anh vinh dự đạt hộ Sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Mô hình kinh tế của anh không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình mà còn là động lực để nhiều hội viên nông dân  học tập và làm theo, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

                               Tác giả: Hương Liễu – Ngọc Khu

 

 

 

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật