A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Yên Phong

         Nông nghiệp hữu cơ là nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn, bền vững, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, không sử dụng các hóa chất gây độc hại cho cây trồng, vật nuôi và môi trường sống, không sử dụng các loại phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng. Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tuy mới được triển khai thực hiện tại xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn nhưng bước đầu đã có tín hiệu khả quan, giúp bà con giảm chi phí sản xuất, an toàn sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất.

       

Cánh đồng mô hình lúa sản xuất theo hướng hữu cơ của tổ  hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong.

       Xã Yên Phong có diện tích sản xuất là cả năm là 318 ha, trong đó Vụ Xuân cấy 131 ha, các giống được sử dụng là Tạp Giao, J02, Bắc Hương, Hương Thơm số 1, Đài Thơm, Ly 2099, ADI28…, Vụ Mùa cấy 187 ha, các giống được sử dụng là Bao thai, J02, Lúa nếp... Tập quán chủ yếu là cấy lúa hai vụ. Cây lúa là cây trồng chủ lực của xã, sản xuất chủ yếu dùng để ăn và chăn nuôi, một phần nhỏ bán ra ngoài thị trường. Hiện tại đã bắt đầu từng bước hình thành liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm…

    

   Bà Hoàng Thị Hỷ, Trưởng thôn Phiêng Quắc, Chủ nhiệm  tổ  hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong hướng dân kỹ thuật canh tác lúa hữu cơ.

      Năm 2022, xã Yên Phong bắt đầu thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở Giống lúa J02 ở vụ Xuân, giống lúa bao Thai ở vụ Mùa. Mô hình được thực hiện trên diện tích 17,2 ha, tập trung ở 04 khu cánh đồng thuộc 05 thôn Pác Toong, Phiêng Quắc, Khau Toọc và Bản Tắm với 90 hộ tham gia. Các hộ tham gia Mô hình được hỗ trợ 70% vật tư nông nghiệp gồm Giống lúa Japonica J02, Phân Lân nung chảy để bón lót, Phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm để bón thúc, chế phẩm vi sinh, thuốc  Bao9r vệ thực vật được sử dụng trong sản xuất lúa hữu cơ. Hỗ trợ 100% chi phí cho các lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo, lấy mẫu, phân tích, đánh giá, cấp chứng nhận an  toàn thực phẩm ( ATTP).

      Năm 2023, Mô hình sản xuất lúa hữu cơ tiếp tục được thực hiện trên diện tích 8,26 ha, tập trung tại cánh  đồng thôn Pác Toong, Phiêng Quắc, Pác Là với 47 hộ tham gia. Ngoài ra, Vụ Mùa 2023, Chi cục Trồng trọt, BVTV và QLTT đã tiếp tục thực hiện Mô hình áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 30 ha tại thôn Pác Cộp, Nà Chợ, Nà Tấc, Nà Mạng, Khuổi Xỏm với 130 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình tự đối ứng 100% vật tư nông nghiệp gồm: Giống, phân bón hữu cơ Quế Lâm, Chế phẩm vi sinh… Được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, đánh giá và cấp chứng nhận hữu cơ, hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại theo sản xuất hữu cơ. Áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ,cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, thân lá cứng cáp, khả năng đẻ nhánh tốt, tỷ lệ số dảnh hữu hiệu, tỷ lệ hạt chắc cao. Cây lúa khoẻ, khả năng chống chịu với sau bệnh hại tốt hơn.  Quá trình sản xuất, bà con được hướng dẫn quy trình kỹ thuật làm đất, chăm sóc, thu hoạch, xay sát ra thành phẩm...

        

    Hội thảo đánh giá mô hình sản xuất lúa hữu cơ  vụ mùa năm 2023 tại xã Yên Phong.

          Ngày 31/10, tại Hội thảo đánh giá kết quả của mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ năm 2023 qua đánh giá, giống lúa Bao thai áp dụng phương pháp hữu cơ cho năng suất khá, cây khỏe, đẻ nhánh tốt, tỷ lệ hạt chắc cao, chi phí vật tư giảm hẳn một nửa so phương pháp cấy lúa truyền thống, 1.000m2 trừ chi phí, thu về gần 3.500.000 đồng. Đặc biệt toàn bộ diện tích lúa hữu cơ được sử dụng phân bón Quế lâm, loại phân hữu cơ đã góp phần cải tạo chất đất, nâng cao năng suất cây trồng.  Bước đầu thực hiện đã thành lập được Tổ hợp tác xã sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong với 47 thành viên. Bắt đầu hình thành được mối liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm như: Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giống cây trồng Quốc Anh cung ứng giống, phân bón, men vi sinh, thuốc BVTV sinh học ( cho ứng trả chậm). Toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch sẽ được HTX Hồng Luân và Công ty TNHH MTV Thương mại Đông Nam Việt - Donavi liên kết tiêu thụ theo hợp đồng cam kết.  Bà Hoàng Thị Hỷ, Trưởng thôn Phiêng Quắc,  Chủ nhiệm Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong cho biết: Trước khi thực hiện mô hình này đã cùng bàn bạc  với các hộ tham gia thống nhất và cùng làm. Sau khi thực hiện trong năm 2022 thấy có kết quả tốt nên tiếp tục thực hiện  ở vụ tiếp theo của năm 2023. Sử dụng phân bón hữu cơ , bông lúa nhìn vàng, đẹp, hạt gạo dẻo, ăn ngon, bán được thành phẩm cao hơn…”

     

Sản phẩm lúa, gạo từ sản xuất theo hướng hữu cơ của Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong.

        Ông Hoàng Văn Ngọc, thôn Pác Là, xã Yên Phong chia sẻ thêm: “ Tham gia  làm  mô hình này, so với các dòng lúa khác sản phẩm cao hơn. Kỹ thuật chăm sóc do được tập huấn nên cảm thấy dễ thực hiện cả khâu bón phân, xuống mạ, làm đất . Ông tiếp tục sẽ thực hiện phân bón hữu cơ cho lúa vào các vụ sản xuất tiếp theo”.

            Đồng chí Đặng Đình Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn khẳng định: “Thực hiện Nghị quyết số 35 của Thủ tướng Chính Phủ, qua 2 năm , Chi cục trồng trọt BVTV và QLTT  Sở  NN&PTNT  Bắc Kạn  đã phối hợp cùng với huyện Chợ Đồn và xã Yên Phong thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Bước đầu đã có thành phẩm và hiệu quả khả quan, Chi cục đã tổ chức Hội thảo để đánh giá và triển khai những bước tiếp theo. Đây là dịp để kết nối 4 nhà “Nhà nước, Nhà khoa học, doanh nghiệp và  Nhân dân” thành chuỗi sản xuất liên kết. Và nhân dịp này, Xã Yên Phong đã được Sở NN&PTNT cấp mã số vùng trồng. Đây là xã đầu tiên trong tỉnh Bắc Kạn có sản phẩm được chứng nhật đạt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ, quy mô là 8 ha của 47 hộ. Kết quả đó, là cơ sở quan trọng để gạo Yên Phong khẳng định về chất lượng, có thể cạnh tranh trên thị trường”

 Trao Giấy chứng nhận cho Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong đạt TCVN về nông nghiệp hữu cơ  vụ mùa 2023.

           Để có thể duy trì và phát triển sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn xã Yên Phong, thời gian tới cần tuyên truyền, vận động bà con duy trì diện tích hiện có, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tiến tới mở rộng diện tích. Tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho Tổ hợp tác phát triển. Đây là năm thứ 2 xã Yên Phong trồng lúa hữu cơ, theo đó có 2 vụ đã được cấp chứng nhận hữu cơ, vụ xuân đối với giống J02 và vụ mùa với giống lúa Bao thai. Qua thực hiện mô hình, nhiều bà con đã thay đổi nhận thức trong quá trình canh tác lúa theo hướng an toàn. Vụ tới, xã Yên Phong tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất lúa theo hướng an toàn để giảm chi phí trung gian, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đã từng bước giúp nông dân thay đổi nhận thức và tập quán chuyển từ sản xuất sử dụng phân hóa học sang sản xuất sử dụng phân sinh học, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, từng bước hướng đến phát triển một nền nông nghiệp bền vững. 

Tặng Giấy khen cho Tổ hợp tác vì đã có thành tích tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh dịp 02/9/2023.

         Với những kết quả đạt được, Tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ Yên Phong đã được UBND huyện tặng Giấy khen vì đã có thành tích tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh dịp 02/9/2023./.

Tác giả: Hoàng Lan

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật