A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ông Triệu Xuân Minh - Người lưu giữ, truyền dạy chữ viết Nôm Dao

Với mong muốn, đồng bào mình ai cũng biết chữ Dao và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, ông Triệu Xuân Minh, sinh năm 1952, ở Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái đã miệt mài lưu giữ, truyền dạy chữ Nôm Dao  cho con em đồng bào Dao tại địa phương và vùng lân cận.

 Từng nét chữ được ông Triệu Xuân Minh tỷ mỷ viết lên bảng và giảng cho học viên hiểu.

Nhận thấy chữ viết dân tộc Dao có nguy cơ mai một, ông Triệu Xuân Minh ở Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái đã sử dụng nhà ở của mình để mở lớp học dạy chữ Nôm Dao. Bắt đầu từ tháng 8 năm 2023, ông bắt tay vào dạy học, ban đầu ông chủ yếu là truyền dạy cho con, cháu trong dòng họ, sau khi biết ông mở lớp chữ Nôm Dao nhiều người đã tìm đến nhà ông để theo học, có những học viên ở tận Tuyên Quang sang. Hiện nay, lớp học của ông Minh có 10 học viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau, người trẻ nhất sinh năm 1993.

Trò chuyện với chúng tôi Ông Triệu Xuân Minh, chia sẻ: Mặc dù “Chữ Nôm của người Dao” (xã Ngọc Phái) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhưng thực tế với nhiều lý do khách quan và chủ quan, hiện nay tỷ lệ người biết đến chữ Nôm Dao ngày càng giảm, chỉ còn một số ít người cao tuổi hay các thầy cúng là còn biết chữ. Ông và một số bạn bè của ông đều tự học chữ Nôm Dao từ bé, điều gì không biết thì hỏi người đi trước. Việc học chữ Nôm Dao là để hiểu về nhân nghĩa để bên trong không làm tổn thương nhân phẩm con người, ngoài không hại đến vật, trên không phạm trời, trần gian không phạm người. Anh em biết giữ chừng mực, hòa khí, thấu hiểu triết lý đời sống, khi đó người ta sẽ tự giác không phạm đến các tệ nạn xã hội. Người học chữ Dao tốt sẽ tự mình nhận biết lẽ sống, có lòng hiếu thảo với cha mẹ và nhân đạo với mọi người”.

Để tạo điều kiện cho các học viên theo học và thu được kết quả cao nhất, ông Minh không thu học phí, ngoài thời gian học buổi tối, ban ngày ông tìm việc làm cho các học viên để có thu nhập. Anh Triệu Qúy Trìu, ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, mặc dù ở xa nhưng anh đã sắp xếp công việc gia đình để theo học; trong quá học được thầy chỉ dạy nhiệt tình, trách nhiệm, anh mong muốn học để biết chữ, biết đạo lý, nguồn gốc dân tộc để sau này truyền dạy cho con cháu.

 Ông Triệu Xuân Minh hướng dẫn học viên đọc chữ Nôm Dao.

Anh Triệu Kim Phú, ở Bản Cuôn 1, xã Ngọc Phái chi sẻ: “Khi biết có lớp thầy dạy chữ Nôm Dao, anh đã đăng ký đi học, trước hết là làm gương cho lớp trẻ noi theo, sau nữa là hiểu được phong tục tập quán cha ông để lại, đặc biệt là biết chữ của dân tộc mình, bởi chữ Nôm Dao rất quan trọng nhất trong các nghi lễ của dân tộc, nhất là Lễ cấp sắc…”

Tiếng nói và chữ viết là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Thời gian qua, huyện Chợ Đồn đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số (DTTS), trong quá trình thực hiện, công tác bảo tồn đã nhận được sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Những người thầy truyền dạy chữ nôm Dao như ông Triệu Xuân Minh, thật đáng trân trọng, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc Dao. Đây là một trong những tín hiệu tích cực gieo niềm hy vọng việc dạy chữ Nôm Dao sẽ phần nào giúp giới trẻ Dao tiếp cận các lịch sử, khoa học, giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học của dân tộc mình thông qua việc đọc được những cuốn sách cổ do cha ông để lại, đồng thời bảo tồn được một nét văn hóa đặc sắc của người Dao.

 Các học viên chăm chú chép bài.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trong xã hội hiện đại đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nhất là tiếng nói, chữ viết. Số lượng những người am hiểu và sử dụng chữ viết DTTS trên địa bàn hiện nay không còn nhiều. Trên địa bàn chưa có đội ngũ, nghệ nhân, trí thức nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các DTTS.

Để bảo tồn tiếng nói, chữ viết DTTS ngày càng tốt hơn, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp Nhân dân nhận thức rõ về ý nghĩa của việc phát triển, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các DTTS. Tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hóa nói chung và loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiếng nói, chữ viết nói riêng để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý, phát huy hiệu quả giá trị của di sản.

Tác giả: Thu Thúy

 

 

 

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật