A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn nỗ lực phát triển chăn nuôi lợn bản địa

Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, mang tính bền vững là vấn đề cấp thiết trong mục tiêu chung của kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, biến đổi cực đoan của thời tiết, khí hậu gây ra, giá vật tư cho chăn nuôi tăng cao cũng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn lợn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên trong 7 tháng đầu năm 2022, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất chăn nuôi lợn của huyện vẫn vượt mục tiêu đề ra. Việc duy trì phát triển chăn nuôi lợn bản địa đang tạo nền tảng vững chắc trong chăn nuôi.

 Duy trì chăn nuôi đàn lợn ta, lợn rừng lai theo hình thức trang trại tại Hợp tác xã Quỳnh Trang, thôn Nà Cọ, xã Đồng Thắng.
Trong thời gian qua, công tác phát triển chăn nuôi luôn được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo người chăn nuôi thực hiện. Cơ quan chuyên môn dự tính, dự báo để ngăn ngừa, khống chế kịp thời bệnh dịch xảy ra trên địa bàn. Các hộ chăn nuôi thực hiện công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo. Nhiều hộ chăn nuôi đã tích cực đầu tư xây dựng chuồng trại, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào chăn nuôi, đưa con giống chất lượng cao, thức ăn công nghiệp… vào sản xuất nên sản lượng lợn thịt cung cấp cho thị trường duy trì ổn định. Kết quả thực hiện chỉ tiêu chăn nuôi lợn 07 tháng đầu năm có 24.920 con/22.220 con đạt 112,15% kế hoạch năm. Trong quý I năm 2022 có xảy ra Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 03 xã với 35 con mắc bệnh thực hiện tiêu hủy và công bố hết dịch theo quy định. Đến nay trên địa bàn huyện không có dịch bệnh trên đàn lợn.
Để duy trì phát triển chăn nuôi lợn bản địa, thời gian qua huyện Chợ Đồn đã triển khai thực hiện các Phương án, dự án chăn nuôi như: Giai đoạn 2014-2018, sử dụng nguồn ngân sách huyện thực hiệnPhương án Hỗ trợ phát triển đàn lợn ta giống địa phương huyện Chợ Đồn” hỗ trợ 93 con lợn giống tại các thôn đặc biệt khó khăn của 05 xã (Quảng Bạch, Bản Thi, Xuân Lạc, Nam Cường, Bình Trung). Đến nay, phần lớn các gia đình thực hiện phương án đều duy trì chăn nuôi giống lợn của phương án; Năm 2020-2021, thực hiện 02 Dự án chăn nuôi thực hiện theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh Bắc Kạn, gồm: Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thịt lợn: do Hợp tác xã Thanh Tâm, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn chủ trì thực hiện  với quy mô 400 con/lứa/01 chu kỳ sản xuất và Dự án chuỗi liên kết nuôi lợn thịt bản địa (lợn rừng lai) thương phẩm do Hợp tác xã Quỳnh Trang, xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn chủ trì thực hiện. Quy mô: 400 con/chu kỳ.
Việc triển khai tổ chức thực hiện các phương án, dự án đã giúp người dân tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Đến thời điểm năm 2022 đã kết thúc phương án, dự án nhưng các tổ chức (hợp tác xã), các nông hộ chăn nuôi vẫn đang tiếp tục duy trì phát triển. Từ hiệu quả kinh tế mang lại của chính những con lợn bản địa, lợn rừng lai từng bước mở rộng sản xuất, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho người dân và là điểm tham quan học tập nhân rộng, mô hình trên địa bàn.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện hiện nay huyện Chợ Đồn có 4 trang trại và hơn 700  nông hộ chăn nuôi lợn bản địa (lợn ta), lợn rừng lai tại 17/20 xã, thị trấn. Tổng số lượng đàn lợn bản địa, lợn rừng lai của các tổ chức chăn nuôi: 4.136 con (lợn nái: 570 con; lợn đực giống 50 con; lợn thịt 2.437 con, lợn con 1.073 con. Các địa phương có số lượng lợn bản địa nuôi đang phát triển mạnh là các xã Nam Cường (03 Hợp tác xã đang nuôi 221 con); xã Đồng Thắng (01 trang trại đang nuôi 405 con), xã Bằng Phúc (01 trang trại đang nuôi 200 con). Các xã có số lượng chăn nuôi nông hộ lớn như: xã Xuân Lạc 248 hộ nuôi 1.015 con, xã Bản Thi 92 hộ nuôi 385 con, xã Bằng Phúc 70 hộ nuôi 325 con, xã Quảng Bạch 64 hộ nuôi 327 con. Năm 2021, huyện Chợ Đồn có 01 sản phẩm thịt lợn rừng lai được công nhận là sản phẩm OCOP đạt  03 sao cấp tỉnh “Thịt lợn rừng lai Phúc Thơm” của Hợp tác xã Quỳnh Trang, thôn Nà Cọ, xã Đồng Thắng.

Hợp tác xã Việt Hoàng, thôn Bó Pết, xã Yên Thịnh chăn nuôi lợn ta, lợn rừng lai theo hình thức thả rông.
Hiện nay, sản phẩm thịt lợn bản địa, lợn ta thịt tươi và các sản phẩm chế biến từ nguồn thịt lợn ta trong huyện vẫn luôn có giá cao hơn và được người tiêu dùng trong huyện ưu tiên lựa chọn trong mỗi bữa ăn hàng ngày và chế biến thực phẩm trong những sự kiện có tổ chức bữa ăn tập trung.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được ngành chuyên môn nhận định chăn nuôi lợn bản địa, lợn rừng lai tại huyện Chợ Đồn trước đây chủ yếu chăn thả theo phương thức truyền thống, chưa có biện pháp phòng bệnh hợp lý nên đàn lợn phát triển chậm. Đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự cung, tự cấp… từ Chương trình, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, đề án, mô hình được đầu tư kinh phí, hỗ trợ vật tư, kỹ thuật vào chăn nuôi, rất nhiều nông hộ đã chuyển sang chăn nuôi chuyên biệt, sản xuất hàng hóa với hình thức chăn nuôi trang trại theo hướng thâm canh bán công nghiệp và công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện tại đã có những Hợp tác xã chăn nuôi theo hình thức trang trại quy mô trên địa bàn huyện đã và đang đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế – xã hội chung của huyện, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi lợn bản địa, cơ quan, đơn vị chuyên môn ngành nông nghiệp tập trung tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tiếp tục thực hiện tốt công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Kịp thời kiến nghị với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ nguồn lực, hỗ trợ công tác tuyên truyền ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thịt lợn của huyện Chợ Đồn./.
Tác giả: Hà Thị Thanh Nga, Phòng Nông nghiệp và PTNT

 

 

 

 

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật