A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chợ Đồn chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân

Với mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân ở vùng nông thôn, huyện Chợ Đồn đã coi trọng phát triển sản xuất, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, bền vững, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung. Từ đó, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình, góp phần xây dựng đời sống nông thôn mới ngày càng phát triển.
Để thành công trong sản xuất, cụ thể là thực hiện hoàn thành tiêu tiêu chí thu nhập trong chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các xã, thị trấn trong huyện đã tích cực vận động Nhân dân chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, xây dựng các mô hình kinh tế mới đem lại hiệu quả cao. Theo đó, nhiều địa phương đã phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và bước đầu có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thúc đẩy kinh tế tập thể, hộ gia đình phát triển.

Ông Hoàng Văn Cát, thôn Nà Dài, xã Yên Thịnh thành công với mô hình trồng thanh long ruột đỏ.
Gia đình ông Hoàng Văn Cát, thôn Nà Dài, xã Yên Thịnh là một trong những hộ tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018 ông Cát đầu tư chuyển đổi diện tích đất soi bãi sử dụng trồng ngô hàng năm sang trồng gần 600 cây thanh long ruột đỏ. Qua thời gian trồng, chăm sóc và thu hoạch thanh long cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại cây trồng khác. Thanh long là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, để đạt hiệu quả kinh tế thì người trồng phải thường xuyên chăm sóc, nếu phát hiện nhánh nào bị bệnh là cắt bỏ ngay. Vốn đầu tư ban đầu khá cao so với các loại cây trồng khác nhưng bù lại cây cho khai thác nhiều năm và không tốn nhiều công chăm sóc. Mặc dù mới thu hoạch quả trong 2 năm đầu nhưng ông Cát đã có thu nhập khoảng 30 đến 40 triệu đồng/năm. Sản phẩm thanh long chủ yếu được tiêu thụ thuận lợi tại địa phương, với giá bán từ 15.000đ – 25.000đ/kg.
Với gia đình bà Lục Thị Sải, thôn Bản Diếu, xã Ngọc Phái, trong vụ đông vừa qua bà là một trong 16 hộ dân được tham gia Dự án trồng cây kiệu do UBND xã Ngọc Phái liên kết với HTX An Bình thực hiện. Đây là lần đầu tiên bà tham gia dự án theo chuỗi liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm, vậy nhưng với sự hỗ trợ kỹ thuật, quy trình chăm sóc và trao đổi kinh nghiệm thường xuyên giữa các hộ nên 0,2ha kiệu của gia đình phát triển tốt. Vừa qua khi thu hoạch, củ kiệu được bán với giá 8.000đ/kg, sản lượng đạt từ 1.900kg đến 2.000kg/1.000m2, sau khi trừ chi phí trung bình 1.000m2 kiệu hộ dân sẽ thu được trên 7.000.000đ. Đây là năm thứ 2 xã Ngọc Phái triển khai trồng cây kiệu, với kết quả đạt được cho thấy củ kiệu có thời gian sinh trưởng và thích nghi với điệu kiện khí hậu và thổ nhượng tại địa phương, có khả năng chống chịu bệnh, năng suất đạt khá.

Bà Sải (người đội nón) đang thu hoạch củ kiệu.
Thời gian qua, nhằm phát huy tốt lợi thế, tiềm năng sản xuất nông nghiệp huyện đã quan tâm hướng vào sản xuất hàng hóa tập trung theo nhu cầu của thị trường. Theo đó, dựa vào khí hậu, thổ nhưỡng các địa phương đã lựa chọn những cây trồng phù hợp để tuyên truyền, vận động người dân triển khai, thực hiện. Cụ thể, một số cây trồng hiện nay phát triển theo vùng như: chè, cam, quýt, hồng không hạt, gạo bao thai và thực hiện chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao đã góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.
Song song với việc quy hoạch vùng sản xuất, huyện tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, phát triển các chuỗi liên kết đã và đang hình thành, đi vào chiều sâu, phát triển bền vững. Thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện tốt Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để xây dựng thương hiệu, xúc tiến, quảng bá thương hiệu. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách được Trung ương, tỉnh ban hành; hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã, hộ sản xuất đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện. Đến nay, toàn huyện có 23 sản phẩm OCOP 3 sao.
Để phát huy giá trị cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, hướng người dân theo cách sản xuất khoa học, huyện tiếp tục triển khai một số chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên doanh, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đây là định hướng lâu dài để huyện từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tác giả: Thu Thúy

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật