A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các trường học huyện Chợ Đồn tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Cúm B

Trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm B trong những ngày gần đây, các trường học trên địa bàn huyện Chợ Đồn đang tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong nhà trường nhằm hạn chế tối đa học sinh mắc bệnh.
 Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng thực hiện phun khử khuẩn ngay khi xuất hiện dịch sốt tại trường.
Từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 10, Trường Tiểu học Thị trấn Bằng Lũng huyện Chợ Đồn thường xuyên có hơn 100 học sinh nghỉ học do ốm, sốt. Tuy nhiên từ ngày 29 tháng 10 đến nay, số học sinh nghỉ học đã giảm theo từng ngày. Đến ngày 2/11, số học sinh nghỉ học giảm còn 26 em trong đó 24 em đã nghỉ từ những ngày trước,  chỉ có 2 em báo nghỉ học do mới bị sốt. Thầy Lục Xuân Quyết – Hiệu trưởng trường Tiểu học Thị trấn Bằng Lũng cho biết: Để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm khi trẻ đi học, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên thường xuyên khuyến cáo học sinh giữ ấm cơ thể, nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe sẽ phối hợp với gia đình phụ huynh theo dõi, điều trị kịp thời.
Trao đổi với bà Hứa Hoàng Anh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện thì ngay từ khi dịch cúm B xuất hiện tại một số trường học trên địa bàn, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chợ Đồn đã nhanh chóng phối hợp với ngành y tế huyện triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại trường học đồng thời chỉ đạo các nhà trường triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.  Riêng trong ngày 2/11, số học sinh báo nghỉ do sốt  tại các trường học trong toàn huyện đã giảm còn 208 em và cùng ngày có 119 học sinh đã khỏi bệnh. Để chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch cúm, 47 trường Tiểu học, THCS, Tiểu học và THCS trên địa bàn đã chủ động báo cáo số học sinh ốm, sốt mỗi ngày. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác sát khuẩn, đeo khẩu trang, thường xuyên lau sạch dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Riêng đối với các trường học có tổ chức ăn bán trú cho học sinh, căn cứ tình hình dịch bệnh sẽ tạm dừng các hoạt động ăn bán trú của trường để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Các trường học trên địa bàn duy trì hoạt động học tập thường ngày và chủ động các biện pháp dự phòng dịch, theo dõi sức khoẻ học sinh.
Theo khuyến cáo của Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Quang Thái – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Cúm B là một loại cúm mùa (có 4 type A, B, C, D) là vi rút thường gây nhiễm trùng đường hô hấp. Vi rút cúm B chỉ gây bệnh cho người. Cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ (có chứa vi rút cúm) trong không khí khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện; có thể lây do trẻ chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm bởi các giọt bị nhiễm bệnh rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của trẻ. Thời gian ủ bệnh của cúm B từ 1 đến 4 ngày kể từ khi bị nhiễm vi rút cúm. Trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có thể có thời gian ủ bệnh lâu hơn. nhiễm cúm B gồm: sốt, đau rát họng, ho khan, đau đầu, đau mỏi người, đau xương khớp, mệt mỏi cảm thấy kiệt sức. Trẻ em bị cúm cũng có thể có các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy). Mặc dù một số triệu chứng cúm có thể tương tự như cảm lạnh, và đa số trẻ sẽ bình phục sau 1 – 2 tuần, nhưng ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần. Phần lớn bệnh cúm B nhẹ tự khỏi, tuy nhiên vi rút cũng có thể gây biến chứng nặng như viêm phổi do vi rút cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn.Các biến chứng nghiêm trọng khác hiếm gặp hơn như: viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ tiêu cơ vân, suy đa cơ quan nhưng rất hiếm. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh cúm, tùy thuộc vào lâm sàng bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp. Để phòng bệnh cúm B cho trẻ, ngành y tế cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần quan tâm thực hiện vệ sinh thường xuyên cho trẻ, giữ ấm cơ thể và ăn đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, cần đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh cúm mùa. Khi trẻ có các biểu hiện như: Ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Như vậy có thể thấy rằng, việc các trường học ở huyện Chợ Đồn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Cúm B sẽ giúp giảm thấp nguy cơ phát sinh dịch cúm trong trường học, bảo vệ an toàn cho các em đến trường.
 Tác giả: Hương Liễu

Tin liên quan