A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội

Dân số toàn huyện hiện có trên 51.000 người, với 7 dân tộc cùng sinh sống, phân bố ở 20 xã, thị trấn, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm trên 92%. Nhằm triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện, thời gian qua, các đơn vị, địa phương trong huyện đã đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tại các vùng dân tộc ít người, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phụ nữ thôn Bản Lồm (Nam Cường) được tuyên truyền và tiếp cận về các chính sách Dân số - KHHGĐ.

Sau thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về công tác sân số trong tình hình mới, công tác dân số trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhận thức và hành vi của người dân về chính sách Dân số - KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực, quy mô gia đình ít con được người dân hưởng ứng. Tổng tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tốc độ tăng dân số nhanh cơ bản được khống chế; dịch vụ sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh được quan tâm, thực hiện; tuổi thọ trung bình ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.  Trong 10 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt trên 72%; số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt gần 95% so với kế hoạch; tỷ lệ phụ nữ có thai thực hiện sàng lọc trước sinh đạt trên 102%; tổng số trẻ em sinh ra là 116  trẻ, trong đó số trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên 17 chiếm 14,6% tổng số trẻ sinh ra trong kỳ.

Xã Nam Cường có tổng số 10 thôn, trong đó, có 3 thôn khó khăn là Lũng Noong, Bản Lồm, Bản Qúa. Thời gian qua, xác định làm tốt công tác dân số sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chuyển đổi nhận thức của người dân trong công tác Dân số - KHHGĐ; giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lựa chọn giới tính khi sinh và sinh con thứ 3 trở lên. Tuy nhiên, ở các thôn vùng cao công tác Dân số - KHHGĐ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Lũng Noong là thôn nằm ở xa trung tâm xã, 100% hộ dân là đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Chị Thào Thị Mai, Chi hội trưởng Phụ nữ cho biết: “Trước đây, nhận thức của đồng bào về công tác Dân số - KHHGĐ có nhiều hạn chế, nhiều hộ còn tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, nhiều gia đình đã vi phạm chính sách Dân số - KHHGĐ khi sinh con thứ 3 trở lên, khiến cuộc sống vốn đã vất vả, lại càng khó khăn hơn. Những đứa trẻ sinh ra còi cọc, suy dinh dưỡng, không được chăm sóc đầy đủ về thể chất lẫn tinh thần; nhiều em không được học hành đầy đủ… nhưng những năm gần đây, thông qua công tác tuyên truyền, vận động cũng như việc tiếp cận của người dân nên việc thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ ở thôn đã được nâng lên”.

Để thay đổi nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc Mông về công tác Dân số - KHHGĐ, UBND xã đưa các chỉ tiêu dân số vào hương ước, quy ước của thôn và là tiêu chí để đánh giá, bình xét các danh hiệu văn hóa ở khu dân cư. Bí thư Chi bộ, trưởng thôn, các Chi hội, đoàn thể và cộng tác viên dân số tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số; tuyên truyền về những hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống, về mất cân bằng giới tính, bình đẳng giới; vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, không phân biệt con gái, con trai… Nhờ đó, nhận thức của người dân về Dân số - KHHGĐ đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Ông Đặng Tiến Triều, Bí thư Chi bộ Bản Lồm – Lũng Noong chia sẻ: Hiện nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm, trẻ em trong độ tuổi được đi học, nhiều hủ tục lạc hậu được xóa bỏ và người dân thực hiện theo nếp sống văn minh hơn. 

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác Dân số - KHHGĐ trong tình hình mới, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, nhất là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác Dân số - KHHGĐ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác Dân số - KHHGĐ; các thôn, tổ dân phố đưa chính sách Dân số - KHHGĐ vào hương ước, quy ước gắn với tiêu chí xây dựng gia đình, xóm văn hóa; phát huy vai trò của già làng, trưởng xóm, người có uy tín trong các cuộc vận động thực hiện tốt việc truyền thông thay đổi nhận thức, xóa bỏ các quan niệm lạc hậu. Triển khai các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về về tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh, về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho vị thành niên, thanh niên; Truyền thông vận động chính sách, pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên; Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ dân số cho tại các xã khu khó khăn.

Nhờ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về công tác Dân số - KHHGĐ ngày càng được nâng lên. Những kết quả trên đã góp phần tích cực trong phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ổn định quy mô dân số và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tác giả: Thu Thúy

 


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật